Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Thâm nhập đường dây lao động “khổ sai” ở Nga

Với tần suất lao động ngày hơn 16 giờ liên tục thì đến nam lao động cũng không thể “gồng” được huống chi là nữ.

Uất nghẹn, tủi nhục, tán gia bại sản, cầu cứu… là những gì phóng viên Báo Người Lao Động thấy và cảm được khi gặp nạn nhân và thâm nhập đường dây đưa lao động sang Nga

Một ngày đầu tháng 8, với ngồn ngộn tin tức nóng hổi về trạm thu phí BOT Cai Lậy được gửi về tòa soạn thì xuất hiện một thư điện tử với tựa đề “Hãy cứu những lao động chui ở Nga”. Càng đọc càng không tin, bởi theo nội dung thư kể thì người Việt đi lao động ở Nga chẳng khác gì đi vào địa ngục. Không chần chừ, một nhóm phóng viên, cộng tác viên được huy động với kế hoạch điều tra tỉ mỉ, hòng cảnh báo, lật tẩy đường dây này!

Kêu cứu trong tuyệt vọng

Lần theo địa chỉ email gửi đến, nhóm phóng viên Báo Người Lao Động đã tiếp xúc được với người gửi. Đó là chị H.P (ngụ huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) – người bị lừa đi xuất khẩu lao động đến Liên bang Nga và vừa phải tiêu tốn gần như cả gia tài để được trở về nước. Theo chị P., lá thư kêu cứu mà chị chuyển thể nội dung dưới email gửi Báo Người Lao Động là của anh T.V. C (SN 1988, ngụ ấp Hòa Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng). Anh C. và chị P. đã lén lút nhét trong hộp bánh để qua mắt ông chủ xưởng may trước khi chị P. mang về Việt Nam.

Theo chị P., trước khi phóng viên muốn hiểu hết nỗi đọa đày của anh C. thì hãy nghe câu chuyện thật từ chính bản thân chị. Với giọng buồn và uất nghẹn, chị P. kể rằng cách đây hơn 4 tháng, nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của người môi giới, chị đã gom gần hết số tiền tích cóp trong hơn chục năm để được xuất khẩu sang Nga với mong muốn được đổi đời.

Thế nhưng, khi mới đặt chân đến “miền đất hứa” hai ngày thì mọi thứ đều là dối trá. Bị giam cầm, làm quần quật nhưng cả ngày chỉ được ngủ vài giờ. Sức người có hạn, chị P. đổ bệnh. Ấy vậy mà, nhiều lần van xin, ông chủ xưởng may ở Nga vẫn bắt làm, bất chấp bệnh tật. Đến khi chị P. đứng không nổi thì ông chủ nói muốn về nước chị P. phải có giấy chứng nhận của bác sĩ (chị P. vốn bị bệnh tim) chuyển từ Việt Nam sang mới được xem xét. Khi gia đình chị P. chuyển giấy chứng nhận bệnh sang thì ông chủ lại đưa ra yêu cầu gia đình chị phải chuyển 2.300 USD cho một người tên T.M.Q, ngụ ở Hà Nội thì mới được cho về, còn không thì đừng mơ! Biết ở lại sẽ cầm chắc cái chết trong tay bởi thời tiết khắc nghiệt và lao động khổ nhọc nên chị P. đã khóc hết nước mắt và cầu cứu người thân gửi tiền cho ông chủ để được trở về, để giữ lại mạng sống và tố cáo những kẻ lừa đảo mình và nhiều người khác.

Thâm nhập đường dây lao động khổ sai ở Nga - Ảnh 1.
Lá thư tố cáo từ Nga đã lần dỡ những chiêu trò, thủ đoạn biến người lao động thành… khổ sai!

Trở lại câu chuyện của anh C., trong thư anh C. kể rằng mình làm thợ may ở Sóc Trăng, thông qua một người ở tỉnh này có tên là Nguyễn Thị Phấn, anh C. tìm đến hai người ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang vì nghe nói họ có khả năng đưa người ra nước ngoài làm việc. Hai người này khẳng định: “Muốn sang Nga làm việc thì chi phí 1.900 USD, chỉ lấy trước 15 triệu đồng, khi nào sang Nga làm việc trừ dần vào lương số tiền còn lại. Lương mỗi tháng là 10 đến 20 triệu đồng. Cơm, nước chỗ nghỉ,… chủ xưởng may lo hết”. Nghe vậy anh C. đã vay mượn đủ số tiền trên giao cho bà Phấn và được bà Phấn viết biên nhận và đưa 1 hộ chiếu. Khoảng gần 2 tháng sau, hai người này điện thoại kêu anh C. chuẩn bị sang Nga làm việc. Ngày 29-7, anh C. cùng 2 người khác có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất để sang Nga.

Trước khi đi, 2 người trên còn đưa 1 chiếc sim điện thoại nói rằng “khi xuống sân bay thì gắn vào có người liên lạc”. Đúng như lời nói, khi xuống sân bay Nga thì có người điện thoại đón và đưa anh C. lên một ô tô 7 chỗ chạy thẳng về xưởng may. Mọi chuyện không như mơ, dù là đàn ông nhưng theo anh C., chỉ qua 3 ngày làm việc ở xưởng may, anh C. hoàn toàn kiệt sức nhưng vẫn bị bắt ép làm việc, bất chấp khả năng có thể ngã quỵ lúc nào. “Tôi có thể chết bất cứ lúc nào. Hãy cứu tôi bởi má tôi không thể moi đâu ra tiền để chuộc tôi” – anh C. kêu cứu trong tuyệt vọng ở cuối bức thư.

Chỉ có thể gọi là… “khổ sai”!

Quyết tâm làm rõ sự thật cũng như quá ám ảnh với lời kêu cứu cuối thư của anh C., Báo Người Lao Động đã kết nối với một cộng tác viên, trong vai người lao động muốn sang Nga làm thợ may. Đó là những ngày giữa tháng 8 vừa qua. Và đúng như những gì chị P. và anh C. kể cũng như kêu cứu, vừa sang Nga, chúng tôi lập tức được đối xử như những lao động “khổ sai”.

Khi vừa xuống sân bay ở Nga, chúng tôi được chiếc xe 7 chỗ chở đến nơi làm việc cách sân bay khoảng 170 km. Toàn bộ giấy tờ đều bị ông Nguyễn Việt Tuấn (người quê Hà Nội), là ông chủ giữ hết.

Nghỉ được 1 ngày, sau đó người của công ty đưa cho chúng tôi ký một bản “Hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài”. Theo đó, ngày làm việc 8 giờ nhưng kèm theo “Có định mức sản phẩm trong thời gian làm việc”. Định mức mỗi ngày một người phải may 20 chiếc áo khoác. Nếu không xong thì làm đến khi nào xong mới được đi nghỉ. Đặc biệt là bản hợp đồng này dù ký ở Liên bang Nga nhưng ghi “Chi trả lương: Tại Việt Nam” và nếu có tranh chấp hợp đồng thì “Giải quyết theo pháp luật Việt Nam”. Người đại diện ký hợp đồng với người lao động là ông Lê Tiến Trọng. Thắc mắc cũng không được, đã qua đến đây ai cũng phải ký, vì không ký là bít đường về.

Khi đặt bút ký hợp đồng cũng là lúc người lao động biến thành người… lệ thuộc. Bởi định mức mỗi ngày một người phải may 20 chiếc áo khoác từ công đoạn cắt cho đến thành phẩm thì chỉ có “thánh” mới làm được. Bằng chứng mà người của chúng tôi ghi nhận được có không ít công nhân nữ vốn là thợ may chuyên nghiệp ở Việt Nam, cũng chỉ có thể làm được vài chiếc một ngày.

Khi mới đến xưởng, người của chúng tôi được 2 người tên Tân và Thanh chỉ lên lầu nghỉ. Đúng 7 giờ (khoảng 11 giờ trưa Việt Nam), tất cả phải ngồi vào bàn máy may, cữ ăn sáng chỉ được chừng 10 phút là mì tôm tự nấu. Đến 12 giờ, công nhân được đưa lên lầu 1 để ăn trưa, bàn 5 người nhưng chỉ có 2 con cá và một tô bắp cải xào, còn nước thì lấy làm canh và chỉ được ăn trong 30 phút, sau đó phải làm việc trở lại đến tận 19 giờ mới được ăn chiều. Xong cữ chiều công nhân tiếp tục làm việc tới 23 giờ 30 phút mới được nghỉ. Mỗi ngày công nhân chỉ được tắm rửa, vệ sinh 15 phút. Khi tất cả công nhân làm việc xong lên lầu thì cánh cửa sắt giữa cầu thang và tầng trên được khóa chặt. Trong thời gian công nhân làm việc, lúc nào cũng có 2 người là Tân và Thanh theo dõi.

Ở nơi xứ lạnh cộng với ăn uống thiếu thốn, làm việc quần quật cả ngày khiến đa phần công nhân trong xưởng may kiệt sức. Có ngày, khi đến cữ ăn cơm, nhiều công nhân nữ không ăn mà lăn ra ngủ rồi khi đến giờ may thì ăn mì sống để cầm chừng. Có ngày, có đến 5 công nhân đổ bệnh vì không còn sức, quá túng quẫn, nhiều người có ý định bỏ trốn nhưng không thể thoát ra được 4 lớp cửa nên đành cắn răng chịu đựng… Và tê tái hơn là có những nữ đồng nghiệp dù tới “ngày của phụ nữ” vẫn không có thời gian để đi “giải quyết”.

Đau đớn nhất là chuyện sau 1 tháng làm việc đến kiệt sức, ông chủ cho biết số tiền lương của tôi là 7.500 rúp (tương đương 2,4 triệu đồng tiền Việt Nam) chưa tính chi phí điện, nước và lương thực gửi mua từ Việt Nam sang. Quá vất vả lại bị lật lọng một cách trắng trợn, tôi xin chủ cho về thì họ nói rằng: “Muốn về phải đền hợp đồng 3 năm là 120 triệu đồng”. Tình cảnh này cũng là tình cảnh của khoảng 30 lao động đang làm việc ở xưởng may này.

Cách biệt thế giới bên ngoài

Xưởng may mà chúng tôi làm việc được xây tường rất kín, muốn vào đến xưởng phải qua 3 lớp cửa lúc nào cũng khóa kín không thể nào thoát ra ngoài.

Sau khi được đưa vào xưởng may thì từ đó trở đi, chúng tôi không được bước ra ngoài công ty, mọi sinh hoạt như muốn mua thứ gì đều phải nhờ hai người của công ty đi mua. Cánh cổng chính lúc nào cũng đóng kín. Chẳng thế mà các công nhân “ma cũ” ở đây nói với tôi rằng: “Chúng mình đã dại khi tự đâm đầu vào đây. Khả năng mất mạng vì bệnh tật, vì kiệt sức có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Nhóm phóng viên / nld.com.vn