Hàng hiệu nhái, thuốc không rõ nguồn gốc cho đến sản phẩm từ động vật hoang dã, tiền giả đều được đưa lên bán công khai trên “chợ Facebook”.
“Chuyên các sản phẩm túi hiệu Louis Vuitton, Hermes, Chanel, Prada, Dior, D&G, Salvato, Celine. Hàng super fake (hàng nhái) cực chuẩn, mẫu mã đa dạng, chất lượng và giá cả cạnh tranh…”. Đó là thông tin giới thiệu trên một Fanpage chuyên bán túi xách tại Hà Nội. Chị Xuân, chủ shop cho biết, những mặt hàng này là “nhái loại một” nên chất liệu và đường may rất chất lượng.
Có thâm niên kinh doanh 6 năm nay nên chị Xuân hiện là đầu mối cung cấp cho rất nhiều đơn vị bán buôn, bán lẻ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chủ shop cho hay, Facebook đã trở thành một công cụ khá quan trọng giúp chị tăng doanh thu, dễ tiếp cận hơn với các đơn vị cần mua buôn cũng như khách hàng lẻ.
Nhiều mặt hàng nhái được rao bán trên Facebook. Ảnh chụp màn hình |
Một khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử công bố mới đây cho thấy, mạng xã hội không những được sử dụng nhiều nhất mà còn được coi là kênh quảng cáo hiệu quả tương đương với các công cụ tìm kiếm. Tuy khảo sát chỉ dừng ở quy mô các doanh nghiệp nhưng cho thấy có tới 46% đơn vị xác nhận quảng cáo trên mạng xã hội đạt hiệu quả cao.
Với các đơn vị, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ thì đây cũng là một trong những kênh bán hàng được ưa chuộng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng có nguồn gốc, chất lượng rõ ràng thì rất nhiều mặt hàng thời trang nhái các nhãn hiệu lớn của thế giới như Gucci, Louis Vutton, Calvin Kein, HM… đều được công khai rao bán trên Facebook. “Chợ Facebook” cũng trở thành nơi rao bán đồ công nghệ nhái các thương hiệu lớn, thực phẩm chức năng không nhãn mác. Ví dụ, một chiếc điện thoại Vertu được rao bán với giá vài triệu đồng, chỉ bằng một phần mười giá chiếc điện thoại thật đang được hãng này phân phối trên thị trường.
Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương nêu rõ, quy định hiện nay cấm việc thu tiền quảng cáo với hàng giả, hàng nhái. Trong khi đó để thu hút người mua, nhiều fanpage bán hàng còn chạy quảng cáo để tăng lượng tương tác. Một khảo sát vừa công bố gần đây dựa trên 700.000 mẫu thảo luận ngẫu nhiên liên quan đến các thương hiệu trên mạng xã hội từ 1/1 đến 7/9 cho thấy có hơn 347.800 tương tác về quảng cáo sản phẩm dịch vụ trên Facebook. Trong đó, có nhiều trang có dấu hiệu chạy quảng cáo, phát tán tin tức thiếu tính chính xác để câu khách truy cập vào đường dẫn trang bán hàng hoặc sử dụng những thủ thuật để tăng lượt like, share và bình luận. Tuy nhiên, đơn vị nghiên cứu này cho biết, một số bài đăng trên nhiều fanpage đều nhận được những lượt thích lớn nhưng không xuất hiện nhiều tương tác thật.
Cụ thể, ở các bài đăng thông thường trên trang này chỉ có khoảng 50 like, một share, 4 bình luận. Trong khi đó có bài ghim trên trang quảng cáo mẫu giầy siêu cấp khóa đồng mới nhất của Louis Vutton cho thấy có tới hơn 24.000 lượt thích, hơn 2.000 bình luận, 246.000 lượt xem video quảng cáo, tăng hàng trăm lần so với bài đăng thông thường. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số hàng nghìn các trang Fanpage, trang cá nhân bán hàng nhái, hàng giả các nhãn hiệu lớn trên Facebook chi tiền quảng cáo tăng lượng tương tác.
Một số mặt hàng cấm cũng được rao bán công khai trên chợ Facebook. Ảnh chụp màn hình |
Chưa dừng lại ở đó, một số mặt hàng cấm liên quan đến động vật hoang dã như ngà voi, móng hổ, móng gấu, vẩy tê tê, da hổ, da báo, nanh hổ, nanh gấu, cao gấu và kể cả tiền giả cũng được rao bán thông qua kênh này.
Trên Fanpage của cá nhân tên Tuấn được giới thiệu đang sinh sống tại Gia Lai thường xuyên đăng quảng cáo móng – nanh gấu và vuốt hổ. Không chỉ đăng trên trang cá nhân, anh này còn thường xuyên rao bán mặt hàng này trên một số nhóm và cho biết, những khách hàng có nhu cầu sẽ cung cấp địa chỉ để được giao hàng, thu tiền tận nơi.
“Tôi chỉ bán hàng độc và chuẩn. Không chỉ bán lẻ, những người có nhu cầu mua buôn số lượng lớn tôi cũng có thể đáp ứng được”, anh Tuấn quảng cáo.
Gần đây, không ít chủ tài khoản còn rao bán cả tiền giả. Liên hệ với một cá nhân đang rao bán tiền giả công khai trên Facebook với những lời mời chào hấp dẫn, người bán hàng cho biết cứ 3 triệu đồng tiền thật sẽ mua được 10 triệu đồng tiền giả. Bên bán không đồng ý gặp mặt mà ra điều kiện phải chuyển trước 30% bằng các thẻ cào để đặt cọc. Không ít độc giả từng phản ánh với VnExpress về việc trót chuyển tiền cho những đối tượng này nhưng đến khi không được giao hàng thì mới hiểu đã bị lừa.
Luật sư Phùng Viết Vĩnh, Công ty Luật Vinawin, Hà Nội cho hay, hành vi rao bán hàng giả, hàng nhái và hàng cấm là vi phạm pháp luật, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, nếu đơn vị nào thu tiền quảng cáo của những cá nhân, tổ chức bán những mặt hàng này cũng bị coi là vi phạm pháp luật.