Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Ứng viên thủ tướng Đức gây chú ý khi trả lời báo chí bằng tiếng Anh

Ảnh minh họa: pixabay.com

Ông Olaf Scholz, ứng viên thủ tướng của Đức, gây “choáng” với việc trả lời bằng tiếng Anh, dù chỉ vài câu, trong cuộc họp báo ngày 27-9, điều mà các chính trị gia cấp cao của Đức thường không làm.

Theo tờ Politico, ông Scholz, lãnh đạo Đảng Dân chủ xã hội (SPD), khiến cánh phóng viên bất ngờ khi nói tiếng Anh. Cụ thể, khi một kênh tin tức của Anh hỏi ông về vấn đề lập liên minh sau cuộc bầu cử và khả năng Đức gửi tài xế đến giúp Anh đang bị thiếu tài xế lái xe tải, ông đã đáp lại: “Chúng tôi đã rất nỗ lực để thuyết phục Anh đừng rời (Liên minh châu Âu)”, và hy vọng London có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng.

“Đức luôn có các chính phủ liên minh và luôn luôn ổn định” – Hãng tin AP dẫn lời ông nói trôi chảy bằng tiếng Anh khi trấn an lo ngại rằng kết quả bỏ phiếu ngày 26-9 và việc mất nhiều thời gian để lập liên minh có thể tạo ra hình ảnh một nước Đức mất ổn định.

Trong cuộc họp báo, ông Olaf cho biết đang tích cực thành lập liên minh lãnh đạo chính phủ, cam kết sẽ củng cố Liên minh châu Âu và đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Một phóng viên Anh sau đó cũng tranh thủ: “Khi chúng ta đang nói tiếng Anh, liệu tôi có thể đặt thêm 1 câu hỏi hay không?”. Ông Scholz đáp lại rằng: “Đây là một cuộc họp báo ở Đức”, nhưng cũng trả lời nốt câu hỏi này bằng tiếng Anh.

Chính trị gia này trước đó đã nhiều lần phát biểu công khai bằng tiếng Anh, nhưng sự kiện mới nhất khiến báo giới Đức ngạc nhiên vì các chính trị gia cấp cao của nước này thường không làm như vậy. Năm 2009, lãnh đạo Guido Westerwelle của Đảng Dân chủ tự do (FDP) từng từ chối câu hỏi bằng tiếng Anh của Đài BBC, nói rằng “chúng ta đang ở Đức”.

Tờ nhật báo Tagesspiegel chạy ngay dòng tít “Scholz gây bất ngờ tại họp báo bằng tiếng Anh”. Tờ Rheinische Post cũng chạy tin “cuộc họp báo bằng tiếng Anh đầu tiên” của ông, cho thấy ông Scholz đang “tập dượt” làm thủ tướng.

“Sự hiện diện đông đúc của truyền thông nước ngoài là một dấu hiệu nhỏ cho thấy người dân ở phần còn lại của châu Âu tin rằng nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ xã hội này có thể kế nhiệm Angela vĩ đại sau 16 năm” – tờ Rheinische Post viết. Tờ này cũng lưu ý rằng ứng viên của liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) “không được hỏi câu hỏi quốc tế nào” trong cuộc họp báo riêng cùng ngày.

Với kết quả bầu cử sớm cách biệt không quá lớn, SPD dẫn trước liên minh cầm quyền CDU/CSU 1,6 điểm phần trăm. Hiện cả hai đều đang chạy đua lập liên minh để nắm quyền.

SPD đang tìm cách lập liên minh với Đảng Xanh và Đảng Dân chủ tự do (FDP), 2 đảng về sau trong kết quả bầu cử sớm.

Theo Trần Phương / tuoitre.vn