Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Thế hệ Việt thứ hai học xong đi làm hay tự kinh doanh?

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Nói đến thế hệ người Việt thứ hai trên nước Đức là phải kể từ con cái những người Việt thế hệ thứ nhất đến Đức học tập và mưu sinh cho đến bây giờ.

Học nghề xong đi làm hay tự kinh doanh khi có chút kinh nghiệm? Đây là câu hỏi của nhiều bậc phụ huynh giành cho thế hệ nối tiếp. Vậy những nghề nào chiếm số đông trong giới trẻ thế hệ thứ hai? Theo quan sát thì phổ biến nhất là các nghành học về kỹ thuật, bác sĩ, luật sư, ngôn ngữ, quản trị kinh doanh, nghệ thuật.

Học nghề thì nghiêng về kinh doanh, cơ khí, phục vụ nhà hàng, khách sạn và ngân hàng. Vì lứa tuổi và hoàn cảnh có mặt ở nước Đức khác nhau nên cũng có những vấn đề khác biệt. Từ học hành đến chọn nghề nghiệp và tư duy rồi quan hệ xã hội. Với các bạn được bố mẹ đón từ Việt Nam sang được gọi lóng là “Khoai lang”, các bạn sinh ra ở Đức thì gọi là “ Khoai Tây”.

Thế hệ “ Khoai Lang”

Phần lớn với thế hệ “Khoai Lang” lớn tuổi hơn thế hệ “Khoai Tây”. Đón con sang, bố mẹ đều dành mọi điều kiện tốt nhất cho con đi học, hy vọng là sau này nhờ có bằng cấp con cái mình sẽ đỡ vất vả hơn đời bố mẹ. Nhưng thực tế lại có những vấn đề như ngôn ngữ và văn hoá, cần có thời gian để hội nhập hoàn toàn. các con ở nhà sang điều kiện về ngôn ngữ Đức không thể giống như các con sinh ra ở Đức, tư duy lẫn văn hoá các con mang theo ở quê nhà cũng là một điểm nhấn.

Mặc dù không có lợi thế về ngôn ngữ, nhưng với sự cố gắng của bản thân và gia đình cùng nhà trường, kết quả học tập của thế hệ này đều khả quan. Chỉ có một thực tế là từ bạn bè cho đến xã hội, thế hệ “Khoai Lang” thường tìm nhau làm bạn. điều đó tuy là sự bình thường nhưng nó kéo theo sự khác biệt về tư duy giữa hai thế hệ. Có lẽ vì vậy mà có hai từ để phân biệt sự khác nhau một cách đầy ý nghĩa mà người nghe cũng cảm thấy dễ hiểu và dễ thương.

Theo tìm hiểu sâu thì nhìn chung có vài điểm cần đề cập. Phần nhiều lớp „Khoai Lang” có sự lựa chọn nghề nghiệp thực tế hơn. Tốt nghiệp xong, đi làm hay tự kinh doanh? Nhìn vào lớp trẻ này ta thấy, cùng một lứa tuổi nhưng so sánh về vật chất thì các bạn đi làm hãng tuy có một vị thế và cuộc sống khác với người tự kinh doanh, nhưng nhìn chung tiền lương thưởng thường chi tiêu xong là gần hết, phần tiết kiệm không được là bao. Trong khi những người tự hành nghề, có tiền mua xe đẹp, sinh hoạt hàng ngày, chi tiêu cũng thoải mái hơn. Lẽ đương nhiên đây chỉ là nói về mặt tổng thể.

Thế hệ “Khoai Tây”

Nói đến thế hệ “Khoai Tây”, tức các con được sinh ra ở nước Đức. Trước những năm 90 chưa thống nhất hai miền. Các cặp vợ chồng ở phần Đông chưa được sinh con, vì hợp đồng lao động giữa hai nước Việt nam và CHDC Đức ký kết là đi lao động nên sau khi thống nhất. Đối tượng này có giấy tờ ở lại, hàng loạt trẻ em được tự do ra đời trong niềm hân hoan của bố mẹ. Nhưng từ đây cũng hình thành một cộng đồng Việt thứ hai có chiều hướng chịu ảnh hưởng của sự giáo dục và văn hoá Đức nhiều hơn.

Các con lớn lên, cảm thấy phần Đức trong người nhiều hơn phần Việt. Với tư tưởng, giáo dục, văn hoá và cảm nhận đó. Lớp trẻ sinh từ thập kỷ 90 trở đi, có suy nghĩ và bản sắc riêng, đương nhiên việc chọn nghề, quan niệm sống cũng khác hơn bố mẹ và thế hệ “Khoai lang”. Văn hoá Việt bị mờ nhạt bớt, nhưng gốc rễ vẫn còn. Nhờ nỗ lực của gia đình và bản thân, lứa “ Khoai Tây” đầu tiên này phần đông đều có bằng cấp đàng hoàng, nhiều bạn trẻ chọn học lên cao. Phần còn lại, học xong đi làm lấy kinh nghiệm, sau đó đứng ra kinh doanh hoặc được sự hỗ trợ của cha mẹ để tự hành nghề. Nhưng số này ít hơn so với lớp “Khoai Lang”.

Nói đến thành công viên mãn cho lứa “Khoai Tây” trong kinh doanh là quá sớm, vì các con mới bắt đầu trên con đường sự nghiệp. Tuy nhiên cái gốc của tinh thần và sự hiểu biết về pháp luật. Cùng với tính cách và văn hoá Đức, thế hệ „Khoai Tây” có sự đầu tư bài bản cho công việc và hỗ trợ của gia đình nên cũng như các anh chị thế hệ “Khoai Lang” đã kinh doanh thì hầu hết đều thành công.

Chọn lối đi nào cho phù hợp?

Sau những phân tích và quan sát thực tế, thế hệ thứ hai dù „Khoai Lang” hay “Khoai Tây” thì tinh thần Việt trong con cái chúng ta vẫn được bảo tồn và phát huy tích cực. Đi làm thì cũng cố gắng để đạt được vị trí đáng tin cậy trong công ty. Tự kinh doanh thì làm một cách bài bản. Có thất bại có thành công nhưng phần lớn là thành công và không phải trả giá như thế hệ thứ nhất. Vậy nên đi làm hay làm chủ? Ưu khuyết ra sao?

Đi làm hãng cũng không thể nói là luôn luôn ổn định vì xã hội tư bản trừ những người viên chức nhà nước, phần còn lại cũng phụ thuộc vào công việc kinh doanh của chính các hãng có ổn định hay không. Chỉ có điều đi làm giờ giấc ổn định có ngày nghỉ và được các quyền lợi khác như nghỉ ốm hay học lên cao, học thay đổi nghề. Và đi làm cũng có điều kiện, thời gian chăm sóc dạy dỗ con cái hơn, mối quan hệ với xã hội Đức cũng chặt chẽ hơn .

Còn làm chủ? Yếu điểm của người tự hành nghề. Đấy là không được nghỉ phép, nghỉ ốm đã đành còn phải tự đóng rất nhiều khoản và cuối cùng là những thiệt thời lúc về nghỉ hưu vì phần lớn để đóng bảo hiểm hiểu trí như đi làm hãng thì ít người làm được. Tính chất của làm chủ là thế, luôn bận rộn, thời gian chăm sóc con cái, gia đình không được tốt cũng là cả một vấn đề. Nhiều người kinh doanh sinh con xong phải thuê người trông con, hệ lụy không phải là không có. Chọn nghề rồi học xong đi làm hay tự hành nghề để làm chủ là mối quan tâm lớn của bố mẹ thế hệ thứ nhất. Nhưng nhìn vào thực tế. Tương lai của các con sán lạn hơn bậc sinh thành, đấy là điều phụ huynh nên vui mừng và không cần quá lo âu.

Mai Anh Kiệt

* Bài viết có văn phong và quan điểm cá nhân của tác giả, một người sống và làm việc nhiều năm tại Đức, không phản ánh quan điểm của Thời Báo Việt Đức.