Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

WHO tuyên bố dịch virus corona là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

Trong cuộc họp báo diễn ra lúc gần 3h sáng 31-1 (giờ VN) ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát chủng virus corona mới (2019-nCoV) từ Trung Quốc là “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu”.

Động thái này của WHO diễn ra khi số ca nhiễm 2019-nCoV gây bệnh viêm phổi cấp đã gia tăng như vũ bão lên đến hơn 8.200 ca, vượt qua số ca nhiễm SARS (Hội chứng Hô hấp cấp nặng) giai đoạn 2002-2003. 

Tính đến 23h30 ngày 30-1 (giờ Việt Nam), theo báo South China Morning Post, số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu lên đến 8.241, bao gồm 8.123 ca nhiễm và 171 trường hợp tử vong ở Trung Quốc đại lục.

Trong khi đó, số quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận các ca nhiễm 2019-nCoV đã lên đến con số 21, mới nhất là Ấn Độ và Philippines.

“Trong các tuần vừa qua, chúng tôi đã chứng kiến tình trạng khẩn cấp của một mầm bệnh chưa từng biết trước đó và bùng phát chưa từng có tiền lệ. Và mầm bệnh này cũng đã được nhiều nước phản ứng cũng theo cách chưa từng có tiền lệ” – Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói tại họp báo.

“Hãy để tôi nói rõ, việc tuyên bố này không có nghĩa là chúng tôi không tin tưởng Trung Quốc. Việc chúng tôi lo ngại nhất là khả năng virus này lan truyền đến các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém hơn” – Tổng giám đốc WHO nói.

Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu hay Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) là một tuyên bố chính thức của WHO do Ủy ban khẩn ban hành Quy định Y tế Quốc tế (IHR) về một cuộc khủng hoảng y tế công cộng mang tầm khả năng toàn cầu.

PHEIC là một khái niệm chỉ dùng cho những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải chung tay hành động. 

Theo hãng tin Reuters, thông qua tuyên bố PHEIC, WHO sẽ đưa ra các lời khuyên, gợi ý cho các quốc gia trong việc chống dịch bệnh, bao gồm ngăn chặn hoặc giảm các ca lây nhiễm xuyên biên giới, tránh các hoạt động thương mại và du lịch không cần thiết.

Tuy nhiên, ông Tedros lại nhấn mạnh rằng chẳng có lý do gì để hạn chế các hoạt động du lịch hoặc thương mại với Trung Quốc vì “virus corona”. 

“WHO không đề xuất và thật sự là chúng tôi phản đối bất kỳ sự hạn chế nào” – Tổng giám đốc WHO nêu tại họp báo. 

“Dù những con số này [số ca lây nhiễm và tử vong] còn khá nhỏ… nhưng chúng ta phải cùng nhau hành động ngay bây giờ để hạn chế lây lan” – ông Tedros diễn giải rằng việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu như một biện pháp cảnh báo.

Đây là lần thứ 6 WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Việc WHO tỏ ra cẩn trọng trong việc tuyên bố dịch do virus corona là tình trạng khẩn cấp toàn cầu cũng dễ hiểu bởi tổ chức này đã nhận nhiều chỉ trích trong quá khứ khi sử dụng thuật ngữ này cho dịch cúm H1N1 năm 2009.

Tại thời điểm đó, WHO bị chỉ trích vì đã gây hoang mang, khiến mọi người đổ xô mua vắcxin chống H1N1 và sau đó phát hiện ra rằng H1N1 không nguy hiểm như đánh giá ban đầu. 

Tuy nhiên năm 2014, WHO bị chỉ trích vì xem nhẹ mức độ nguy hiểm của dịch Ebola, đã càn quét các quốc gia Tây Phi, giết chết hơn 11.300 người tính đến thời điểm nó bị dập tắt vào năm 2016. 

Trong 2 lần họp báo vào tuần trước, WHO đã từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. WHO cho rằng còn thiếu bằng chứng lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc.

Hôm 27-1, WHO thừa nhận “lỗi đánh máy” trong đánh giá nguy cơ toàn cầu của chủng virus gây chết người corona, đính chính từ mức “moderate” (vừa phải) ban đầu thành mức “high” (cao).

Trong thông báo đính chính, WHO đánh giá nguy cơ của virus corona là “rất cao” ở Trung Quốc, “cao” ở cấp khu vực, và “cao” ở cấp toàn cầu.

Theo Quỳnh Trung / tuoitre.vn