Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Nói về trợ cấp xã hội ở Đức

Ảnh minh họa: Trung Hiếu

Trợ cấp xã hội Hartz IV là một loại trợ cấp dành cho những người thất nghiệp, phụ nữ nuôi con nhỏ, thanh niên đang tìm việc làm hoặc người có thu nhập quá thấp..v.v. Đối với những người đó, thì trợ cấp xã hội sẽ đảm bảo cuộc sống cho họ không bị rơi vào cảnh nghèo đói hay con cái của họ vì thế mà bị thiệt thòi.

Chính nhờ chính sách trợ cấp xã hội này mà nước Đức đã giảm được khá nhiều tệ nạn xã hội mà nguyên nhân đều do đói khổ gây ra. Đúng với câu mà người Việt thường hay nói “Bần cùng sinh đạo tặc”, cho nên việc AfD đòi cắt bỏ trợ cấp xã hội bị coi là không hợp lý, vì sẽ gây ra những xáo trộn không đáng có trong xã hội Đức. Hơn nữa thời nghèo đói do chiến tranh gây ra đã qua đi từ lâu, kinh tế cũng ổn định nên các quỹ trợ cấp xã hội ra đời và cũng thay đổi chính sách liên tục để phù hợp với xã hội ngày càng phát triển.

Quay ngược thời gian trở về quá khứ, nhớ lại những bộ phim tư liệu về nước Đức trong những năm vừa chấm dứt chiến tranh. Lúc đó, nước Đức ngổn ngang chỉ toàn vỏ đạn, những ngôi nhà kể cả di tích lịch sử, nhà thờ cổ, đều bị bom đạn của đồng minh tàn phá nặng nề . Những gì còn sót lại chỉ là một đống hoang tàn và đổ nát .
Chiến tranh đã qua đi hơn 70 năm, nước Đức ngày nay đã vươn lên từ đống tro tàn, rũ bỏ mọi quá khứ để trở thành một cường quốc về kinh tế, đứng đầu ở châu Âu.
Tính từ lúc chấm dứt chiến tranh cho đến khi thống nhất đất nước thì độ “hào phóng” của nước Đức đã giảm khá nhiều và nhất là khi gia nhập EU, chính phủ Đức đã phải xiểt chặt “túi tiền” lại vì biên giới mở cửa, một số công dân từ Đông Âu tràn sang ăn trợ cấp quá nhiều. Chưa kể phải viện trợ cho Hy Lạp vì đất nước này bị vỡ nợ rồi còn phải nuôi hơn một triệu người tị nạn tràn sang nên buộc lòng chính phủ Đức phải bỏ chỗ này để có tiền đắp vào chỗ kia. Ví dụ như : Những người mang quốc tịch EU khi sang Đức phải đi làm từ 6 tháng trở lên mới được nhận trợ cấp xã hội, còn tiền trẻ em thì ngoài việc chứng minh con cái họ phải sống ở Đức, thì cứ 6 tháng phải làm đơn lại một lần ..v..v Nói chung, mọi việc không còn dễ dàng như trước, vì họ muốn ngăn chặn dòng người mang quốc tịch Đông Âu đổ vào Đức chỉ để ăn trợ cấp chứ không phải để tìm việc làm.

Trợ cấp xã hội mà những ai đang nhận, tuy không có thời hạn nhưng đều mang tính chất tạm thời để trong thời gian tìm việc làm họ không phải gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày .
Nhưng khá nhiều người lại nghĩ đó là tiền “chùa” hay là “tiền lương” , tiền “hưu trí” . Có người còn ngây ngô nói ” Nếu tôi không ăn thì cũng có người khác ăn hết ” hay là ” Quỹ trợ cấp xã hội lập ra mà không dùng tới thì để làm gì “?
Thật ra nhiều người không hiểu hay cố ý không hiểu, quỹ trợ cấp xã hội được lập ra nếu không phải chi trả nhiều thì tiền đó lại dùng để xây nhà trẻ, trường học, sửa chữa đường, xây công viên và giúp những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Hơn nữa, chính phủ Đức cũng muốn những người ăn xã hội nhưng còn khỏe mạnh phải tìm kiếm việc làm. Do đó nếu họ thấy quá lâu mà người ăn xã hội vẫn chưa tìm được việc thì Jobcenter bắt buộc phải gửi giấy yêu cầu người ăn trợ cấp phải đi học tiếng hoặc đi làm những nơi mà Jobcenter tìm cho họ .
Có nhiều người đang nhận trợ cấp xã hội ấm ức cho biết: ” Ăn trợ cấp xã hội của nước Đức chẳng sung sướng gì, ăn của họ một đồng thì cũng bị hành lên hành xuống”. Họ nên ngầm hiểu rằng họ đang được chính phủ Đức nuôi tạm thời để tìm việc làm vì đa số người nhận trợ cấp đều đang ở độ tuổi lao động. Có những người thường tận dụng quỹ trợ cấp mọi lúc mọi nơi, có người ăn xã hội nhưng “khoe” ở VN có nhà bốn tấm hay làm chui ..v.v

Thật ra những người nước ngoài gian lận xã hội bằng đủ mọi cách thì phía Đức cũng đều biết cả, cho nên có những trường hợp ăn xã hội “miệt mài” một thời gian dài đều được nhận giấy trục xuất từ Sở Ngoại Kiều. Đó cũng là một cách đối phó đối với một số người chỉ muốn “ăn” dài hạn chứ không muốn đi làm
Đối với người Đức , thì việc ăn xã hội được họ coi là một sự thất bại trong cuộc sống nên mới phải tìm đến trợ cấp . Còn đối với người Việt thì lại coi đó là một dạng “hưu trí” , nên có người mới nói ” Tôi làm việc được 8 năm rồi và đã bắt đầu được nghỉ ngơi” (ăn xã hội).
Nói chung, tuy nước Đức là một đất nước có nền an sinh, phúc lợi rất tốt ,và cũng có chính sách khá bài bản về thuế cho nên cuộc sống của người dân Đức lẫn người nước ngoài sống hợp pháp ở Đức đều tốt đẹp và bình đẳng như nhau. Nhưng nếu nền phúc lợi của họ bị lạm dụng quá nhiều thì một ngày nào đó quỹ xã hội sẽ chỉ dành cho người mang quốc tịch Đức. Những người mang quốc tịch nước ngoài muốn được nhận trợ cấp thì chỉ được lãnh với nhiều điều kiện kèm theo. Và có lẽ ngày đó sẽ chẳng còn xa, lúc đó chỉ có người đến Đức sau hoặc người cần được giúp đỡ thật sự, sẽ là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất do người đi trước đã để lại cho họ.

An Thanh Lê