Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Ngày của mẹ: Xin gửi lời tri ân

Ảnh: Hải Nam

Muttitag, còn gọi là ngày của mẹ, ngày mà những đoá hoa tươi thắm được dâng lên như một lời cảm ơn đến bậc sinh thành.

Vào những ngày cuối tháng 7 năm 1967, trong chiến tranh khói lửa và cả nước đang oằn mình hứng chịu những trận mưa bom của Đế Quốc Mỹ điên cuồng ngày đêm leo thang đánh phá dữ dội trên miền Bắc. Thì Mẹ Tôi trở dạ. Bà đã phải đi bộ vượt qua bao đèo cao suối sâu vực thẳm hiểm nguy gần hai chục cây số đường rừng để đến bệnh viện Huyện sinh con.

Lúc bấy giờ chiến tranh đang diễn ra vô cùng ác liệt, nên điều kiện vật chất muôn vàn khó khăn thiếu thốn nghèo nàn. Bệnh viện chỉ là mấy dãy nhà tềnh toàng mái tranh vách nứa để che tạm nắng mưa.

Đêm ấy tiếng còi báo động liên tục rú lên do những đợt ném bom của địch nhằm vào các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, vốn là các cơ quan đầu não, trường học và các cơ sở y tế của ta. Bệnh viện vì thế mà đã tạm thời sơ tán vào của hang Pắc Làng Gần thị trấn Bình Gia để đảm bảo an toàn.

Sau khi Tôi cất tiếng khóc chào đời thì trời gần sáng. Vài tiếng đồng hồ sau thì các đợt không kích của giặc lại tiếp tục dữ dội, được chỉ thị phải sơ tán khẩn cấp để tránh thương vong. Mẹ tôi đã phải ngay lập tức bế con lội suối vượt rừng, trên đường đi thỉnh thoảng lại phải ẩn mình vào những hầm cá nhân hay hang núi ven đường để lánh nạn mỗi khi nghe tiếng máy bay của địch lại gầm rú xé trời.

Gần một ngày sau thì mẹ đã đưa tôi về tới nhà, ở nơi rừng sâu ngút ngàn hoang vắng được an toàn. Sau những năm chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta, đỉnh điểm là chiến dịch Điện Biên Phủ trên không trên bầu trời Hà Nội. Rồi hiệp định Paris được ký kết, đến thắng lợi của cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975, sau ngày 30 tháng Tư cả nước trong niềm vui hân hoan tưng bừng cờ hoa rợp bóng mừng ngày Miền Nam giải phóng. Chưa bao lâu sau, rạng sáng ngày 17-2-1979 trên toàn tuyến Biên giới phía Bắc, quân Trung quốc lại bất ngờ tấn công xâm lược nước ta.

Cha mẹ tôi lại một lần nữa cùng các con hoà mình vào dòng người di tản xuôi về đồng bằng lánh nạn. Mấy tháng trời chiến sự diễn ra ác liệt, quân giặc bị đẩy lùi và cút khỏi bờ cõi nước ta. Nhưng tỉnh Lạng Sơn bị tàn phá nặng nề nhất trong các tỉnh biên giới. Toàn thị xã Lạng Sơn thơ mộng nằm trên đôi bờ bên sông Kỳ thành những đống hoang tàn và đổ nát. Trở lại bản làng sau những ngày lánh nạn là viễn cảnh điêu tàn, hoang phế, vườn không nhà trống, cỏ dại mọc um tùm, trong tiếng ve sầu não nùng đầu mùa hạ.

Cha Mẹ tôi đã phải vất vả vật lộn tảo tần lội suối trèo đèo lên rừng hái măng đào củ, chắt chiu từng bắp ngô củ khoai, củ sắn thay cơm để nuôi các con và mong ngày khôn lớn.

Hôm nay đã hơn 50 năm, nửa thế kỷ đã đi qua một chặng đường, nước ta đã một nhà thống nhất, bắc nam liền một dải non sông, chiến tranh tàn khốc và đói nghèo cơ cực đã lùi xa dần vào dĩ vãng. Được sống trong hoà bình dưới bầu trời tự do, một mái nhà chung Châu Âu không biên giới. Xin được nói lời tri ân tới người cha nơi suối vàng an nghỉ. Một lời cảm ơn tới người mẹ đã vào tuổi ngả bóng xế chiều. Những người đã sinh ra và nuôi lớn với những kỷ niệm tuyệt đẹp của tuổi ấu thơ. Quê hương nơi cội nguồn thân thương luôn là niềm vui bất tận, tiếp sức cho ta tung cánh bốn phương trời.

Trương Văn Đạt