Đề xuất của ông Jean-Claude Juncker, là việc sáp nhập các chức danh Chủ tịch Eurogroupe, với chức danh Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu.
Tương lai nào cho Liên minh châu Âu thời kỳ hậu Brexit, và những cải cách quan trọng nào cần phải tiến hành? Đó là 2 trong số những câu hỏi có ý nghĩa chiến lược đối sự phát triển tương lai của Liên minh châu Âu mà Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Jean-Claude Juncker tìm cách trả lời trong bài phát biểu được xem như là một Thông điệp Liên minh, hôm 13/9 tại Bỉ.
Đề xuất đáng chú ý đầu tiên của ông Juncker, là việc sáp nhập các chức danh Chủ tịch Eurogroupe, tức Nhóm các Bộ trưởng tài chính châu Âu, với chức danh Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu. Sự hợp nhất sẽ tạo ra một vị trí siêu Uỷ viên châu Âu phụ trách về kinh tế, hay nói cách khác là một siêu Bộ trưởng kinh tế-tài chính của toàn bộ Liên minh châu Âu.
Quyền lực của nhân vật siêu Uỷ viên này thậm chí còn được gia tăng hơn nữa nếu được chỉ định làm người đứng đầu Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM), một thiết chế mà Liên minh châu Âu đã tạo ra năm 2012 nhằm giải cứu nền kinh tế Hy Lạp khi đó đang đứng trên bờ vực phá sản.
Nhưng, không dừng ở đó, ông Juncker còn có ý định tiến xa hơn nữa khi tuyên bố muốn “khu vực hoá” Cơ chế bình ổn châu Âu, để biến Cơ chế này thành một dạng Quỹ tiền tệ quốc tế – IMF của riêng Liên minh châu Âu. Đề xuất này, vốn được nước Đức ủng hộ, là rất đáng chú ý nếu xét đến thực tế là hiện Cơ chế bình ổn châu Âu đang nắm trong tay một lượng vốn khổng lồ lên tới 700 tỷ euro và được đánh giá là hoàn toàn đủ sức đứng vững mà không cần phụ thuộc vào IMF như hiện nay.
Đề xuất quan trọng tiếp theo của ông Juncker là việc vẫn giữ cho Uỷ ban châu Âu một quyền lực đáng kể về mặt ngân sách, tức sẽ vẫn làm chủ được nguồn ngân sách 150 tỷ euro/năm với mục đích được nêu ra là trợ giúp khẩn cấp các quốc gia thành viên gặp “tai nạn” ngân sách hay bị thiên tai nghiêm trọng, hoặc để hỗ trợ các nước đang trong quá trình phấn đấu gia nhập Liên minh châu Âu.
Đối với tất cả các đề xuất cải cách này, ông Juncker đưa ra một nghị trình luật hoá rất rõ ràng: từ 6/12 tới, Uỷ ban châu Âu sẽ chính thức trình các cải cách này ra dưới dạng dự luật và thời điểm lý tưởng nhất để Nghị viện châu Âu thông qua sẽ là tháng 3/2019, tức ngay khi vừa hoàn tất đàm phán Brexit với nước Anh, để xem đó như là một thông điệp chính trị mạnh mẽ của Liên minh châu Âu hậu Brexit.
Tất nhiên, vẫn còn có những thông điệp chính trị nội khối khác đáng chú ý. Các đề xuất của ông Juncker đã thể hiện rõ quan điểm thực tế và thận trọng của người được xem như là Thủ tướng của Liên minh châu Âu: đó là Liên minh châu Âu sẽ có những thay đổi quan trọng về thể chế, nhưng không bắt buộc phải là những cải cách mang tính cách mạng. Nói cách khác, sẽ không có việc tạo ra các thiết chế mới hay đàm phán lại các Hiệp ước bản lề của Liên minh châu Âu, như các đòi hỏi gần đây của Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, người đang có tham vọng giữ ngọn cờ đầu cải cách tại Liên minh châu Âu.
Sự cạnh tranh quyền lực ngầm giữa ông Juncker và ông Macron là rất đáng chú ý bởi việc lựa chọn thời điểm để bàn về tương lai châu Âu cho thấy, ông Juncker không hề muốn vai trò của mình bị lu mờ. Thông điệp Liên minh của ông Juncker được đưa ra 2 tuần trước khi Tổng thống Pháp Macron dự định tuyên bố các đề xuất cải cách châu Âu vào cuối tháng 9 này, ngay sau cuộc bầu cử Liên bang tại Đức.
Từ nhiều tháng nay, phía Pháp đang liên tục thúc đẩy các tiếp xúc cấp cao với Đức, với mục đích chính là củng cố trục Pháp-Đức và biến bộ đôi Merkel-Macron thành các lãnh đạo tuyệt đối tại châu Âu. Nhưng với các tuyên bố cải cách quan trọng vừa đưa ra, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Jean-Claude Juncker không chỉ muốn thể hiện một tầm nhìn mới về tương lai của Liên minh châu Âu mà còn cho thấy, một chính trị lão luyện và am hiểu châu Âu như ông chưa sẵn lòng nhường lại vai trò quyền lực của mình cho một người khác./.