Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Các trung cường nhìn về tranh chấp biển Đông

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Vai trò của các trung cường như Nhật Bản, Úc, Nga, Ấn Độ với tranh chấp Biển Đông ngày càng quan trọng trong bối cảnh tình hình tranh chấp Biển Đông ngày càng phức tạp.

Trong vai trò là quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc tại biển Hoa Đông, và là đồng minh của Mỹ, hiểu rõ tham vọng và mức độ nguy hiểm của chiến lược bành trướng của Trung Quốc trên biển, Nhật Bản có xu hướng can dự ngày càng sâu tại biển Đông thông qua nhiều chính sách an ninh quốc phòng, chính sách kinh tế và phát triển hạ tầng tại khu vực với các đối tác.

Nhật Bản: “Chuyện của bạn cũng là chuyện của ta”

Đối với Nhật Bản, tranh chấp Biển Đông không đơn thuần là vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa các nước ven biển. Đó là một vấn đề lớn có thể gây ra chiến tranh, ảnh hưởng đến sự ổn định hiện tại của khu vực và thế giới.

Nhật Bản tiến hành chính sách dự trên ba yếu tố: tăng cường hiện diện, mở rộng quan hệ đối tác, xây dựng liên minh. Thứ nhất, Nhật Bản tăng cường các chuyến bay sang thăm các đối tác như Việt Nam; tham gia các hoạt động diễn tập tìm kiếm cứu hộ; tổ chức tập trân trên biển, điển hình là với Philippines. Nhật Bản cũng không ngại đưa tàu ngầm, trực thăng của lực lượng phòng vệ biển, tàu khu trục,… đến hợp tác các hoạt động trên biển với các quốc gia như Philippines, Indonesia, Việt Nam. Thứ hai, Nhật Bản tăng cường hợp tác với các quốc gia tại khu vực liên quan đến các vấn đề hải quân và an ninh trên biển.

Trong số đó có thể nhắc đến việc đồng ý cung cấp tàu tuần tra cho Philippines; cân nhắc chuyển giao các máy bay huấn luyện (loại TC-90) với mục đích phục vụ các hoạt động giám sát hàng hải ở quần đảo Trường Sa; tiến hành cuộc gặp “hai cộng hai” với Indonesia và đồng ý đàm phán chuyển giao các kỹ thuật và thiết bị quân sự cho Indonesia. Cuối cùng, việc cố gắng thúc đẩy và xây dựng các liên minh “lỏng”, bao gồm Nhật Bản với các quốc gia khác điển hình như Ấn Độ.

Luật an ninh mới của Nhật Bản từ tháng 9-2015 lần đầu tiên sẽ đem lại cho Chính phủ những sự lựa chọn rộng rãi hơn đối với các vụ việc an ninh liên quan đến Nhật Bản theo hiến pháp hiện hành. Theo đó, Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể ngay cả khi các hành động tấn công không trực tiếp nhắm vào Nhật Bản. Điều này thêm không gian cho các hoạt động liên minh với nước ngoài của Tokyo. Cuộc tập trận Corp North vốn chỉ gồm ba nước tham gia, nay đã được mở rộng cho các quốc gia khác trong khu vực như Hàn Quốc, New Zealand và Philippines tham gia trong các lĩnh vực cứu trợ nhân đạo và khắc phục thiên tai phần nào chứng minh nỗ lực xây dựng liên minh của Nhật Bản tại khu vực.

Xu hướng trên của Nhật Bản sẽ vẫn tiếp tục được duy trì. Đặc biệt trong bối cảnh tổng thống Trump có xu hướng “lơ là” khu vực và Biển Đông chưa được ưu tiên, Mỹ rút khỏi TPP thì tiến trình và hành động của Nhật Bản khả năng còn mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa trong việc thúc đẩy và thu hút sự sát lại gần nhau của các quốc gia.

Điều này phần nào thấy được qua nỗ lực ngoại giao của chính quyền Tokyo trong thời gian vừa qua, sau khi Trump thắng cử. Để tạo ra các “vùng đệm” nhằm cung cấp động lực cho việc kết nối đồng minh, Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy TPP và các hợp tác kinh tế tại khu vực. Ngoài ra, Nhật Bản sẽ tìm cách thúc đẩy Mỹ, ủng hộ Mỹ (điển hình là tuần tra tự do hàng hải) trong các động thái đối trọng yêu sách Trung Quốc, tìm cách ngăn cản Trung Quốc xây dựng đảo ở bãi cạn Scarborough, tiếp tục thực hiện các chuyến cập cảng mang tính chiến lược có một vai trò quan trọng ở Biển Đông như việc Việt Nam cho phép tàu của JMSDF cập cảng Cam Ranh.

Chính sách của Úc: hỗ trợ năng lực cho nước nhỏ

Dù không có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, và còn có quan hệ kinh tế quan trọng với Trung Quốc, nhưng cách tiếp cận của Úc tại biển Đông cũng không khác với Nhật Bản, thậm chí là có nhiều nét tương đồng khi nước này cũng xây dựng chính sách dựa trên 3 định hướng như Nhật Bản: tăng cường hiện diện, mở rộng hợp tác, xây dựng liên minh khu vực. Điều này có thể được lý giải rằng việc Trung Quốc kiểm soát vùng Biển Đông có khả năng làm hủy hoại vị thế đồng minh và lợi ích của Úc tại đây.

Trước hết, Sách Trắng Quốc phòng 2016 của Úc cho thấy việc bảo đảm an ninh khu vực xung quanh, bao gồm “vùng biển Đông Nam Á”, hiện là ưu tiên cao thứ hai của quốc gia này. Úc thời gian qua đã gia tăng tần suất các cuộc diễn tập tuần tra truyền thống bằng máy bay P3C; đưa tàu chiến đi qua khu vực quần đảo Trường Sa; và hướng tới nâng cao năng lực hàng hải để có thể tăng cường sự hiện diện chiến lược tại Biển Đông.

Thứ hai, thời gian qua Úc (cũng như Nhật Bản) tiến hành hợp tác nâng cao năng lực và trang bị quốc phòng với các quốc gia Đông Nam Á. Điển hình trong định hướng này là chuyển giao tàu bảo vệ biên giới và hải quan (ACV) cho cơ quan đối tác phía Malaysia (năm 2015); tặng hai tàu đổ bộ hạng nặng cũ cho Philippines (năm 2015); nâng cấp quan hệ hợp tác quốc phòng với Việt Nam; ký kết “quan hệ đối tác chiến lược” với Singapore và Malaysia;…

Cuối cùng, Úc (cùng Nhật Bản) tiến hành xây dựng liên minh với các đối tác tại khu vực, đặc biệt là các đối tác khu vực Đông Nam Á. Điển hình nhất là các cuộc gặp ba bên hồi 2015 và 2016 giữa cấp ngoại trưởng Úc-Nhật Bản-Ấn Độ. Úc còn chú ý và có ý tham gia vào cuộc tập trân Malabar giữa Mỹ-Ấn Độ-Nhật Bản. Hay cũng như Nhật Bản, tập trận Corp North được Úc đồng thuận trong việc mở rộng các đối tác như Hàn Quốc, New Zealand và Philippines cùng tham gia. Kiến trúc an ninh “trục và nan hoa” truyền thống của Mỹ (với từng đồng minh) nay đang được Úc (và Nhật Bản) thúc đẩy hình thành nên những quan hệ đan xen, nâng cao năng lực và sức mạnh.

Thời gian tới chính sách của Úc không có dấu hiệu sẽ thay đổi. Tuy nhiên cũng như Nhật Bản, khi chính quyền Mỹ theo đuổi “nước Mỹ trên hết”, khả năng Úc sẽ càng gia tăng can dự tại khu vực bằng cách đứng gần hơn các đối tác tại khu vực, trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Một số chuyên gia dự báo Úc tiếp tục âm thầm hỗ trợ các quốc gia trong khu vực, nhất là Đông Nam Á tăng cường năng lực quốc phòng, đảm bảo cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực.

Để tránh kích động Trung Quốc, khả năng Úc có thể tham gia vào các chương trình nâng cao năng lực, với trọng tâm là công tác huấn luyện lực lượng chấp pháp trên biển, cũng như tăng cường năng lực bảo vệ bờ biển và giám sát trên biển cho các quốc gia Đông Nam Á nhằm đối phó với sự hung hăng lan rộng của Bắc Kinh trên biển.

Chính sách của Ấn Độ: từ “đứng ngoài” sang can dự

Ấn Độ tuy không có lợi ích trực tiếp tại biển Đông, nhưng sự hung hăng và bành trướng của Trung Quốc tại đây cũng tạo ra những rủi ro an ninh manh tính hệ thống (liên đới) trong tương lai với Ấn Độ, nhất là khi tham vọng của Trung Quốc không nằm gọn trong phạm vi Biển Đông mà còn là Thái Bình Dương, thậm chí là rộng và xa hơn nữa. Thương mại của Ấn Độ ở Thái Bình Dương ngày càng gia tăng; ASEAN và khu vực đông Thái Bình Dương vừa là các khu vực cốt lõi của chính sách hướng đông của Ấn Độ, vừa cung cấp những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Ấn Độ; Ngoài ra, Ấn Độ có những lợi ích về năng lượng ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam và ngày càng phụ thuộc vào Eo biển Malacca. Vậy nên, dù không muốn đối đầu với Trung Quốc, nhưng các động thái “quá nhanh, quá nguy hiểm” của Trung Quốc trong những năm gần đây buộc các nhà lãnh đạo Ấn Độ phải tuyên bố ở Biển Đông phải có quyền tự do hàng hải, quyền đi qua và bay qua, và một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phù hợp với UNCLOS.

Để làm điều này, trong ngắn hạn, Ấn Độ sẽ muốn Trung Quốc giảm bớt sự hung hăng của Bắc Kinh, ngừng nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Trong trung và dài hạn, cần phải để Trung Quốc nhận thức được sức mạnh của Ấn Độ (và đối tác) trên vùng biển Thái Bình Dương. Thực hiện điều này, Ấn Độ cần đối tác của Mỹ, Nhật Bản, và Úc ở vùng duyên hải châu Á rộng lớn. Ấn Độ không chỉ “siên năng” phát ngôn trên các diễn đàn, đặc biệt các diễn đàn của ASEAN tổ chức. Đồng thời tăng cường can dự tại khu vực Tây Thái Bình Dương bằng nhiều hoạt động, điển hình như 4 tàu hải quân Ấn Độ hành trình Đông Nam Á (năm 2015); tập trận với Philippines (năm 2015); trao đổi tác chiến cường độ cao với Mỹ; cải thiện hợp tác quân sự với ASEAN như Việt Nam, Malaysia, Myanmar, Thái Lan.

Nga vẫn duy trì trung lập

Theo quan điểm chính thức của Bộ ngoại giao Nga, nước này đứng ngoài cuộc và sẽ không đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, các động thái của chính quyền Nga lại cho thấy nước này có hiện tượng “đi dây” giữa các bên trong tranh chấp. Điều này thể hiện qua lời nói và hành động của Nga trong thời gian qua dường như có sự mâu thuẫn.

Về phần năng lực của mình, có thể thấy “25% chương trình hiện đại hoá quân sự của Nga đến năm 2020 tập trung vào hạm đội Thái Bình Dương, với căn cứ ở Vladivostok, nhằm chuẩn bị cho các chiến dịch ở những vùng biển xa”.

Về phía các quốc gia nhỏ như Việt Nam, Nga tiến hành tăng cường quan hệ hợp tác. Thậm chí, trong chương trình Đối thoại chiến lược Ngoại giao-Quốc phòng-An ninh lần thứ 9 và Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Nga mới đây, Nga đồng ý với Việt Nam rằng cả hai nước “ủng hộ giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, theo tinh thần Tuyên bố về ứng xử ở biển Đông và hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông”. Điều này có thể lý giải rằng việc hợp tác với Việt Nam có khả năng giúp Nga mở đường trong việc tăng cường hợp tác với các quốc gia ASEAN – một khu vực chiến lược trong chính sách của Nga.

Sau biến cố Crime khiến Mỹ và EU trừng phạt Nga, Trung Quốc và Nga càng trở nên gần gũi sau nhiều hợp đồng trị giá hàng tỷ USD. Như vậy, việc Nga không phản đối Trung Quốc ở Biển Đông hay có các can dự có thể ảnh hưởng xấu đến Trung Quốc cho thấy Biển Đông nằm trong một bàn cờ lợi ích lớn hơn giữa Nga-Trung Quốc với sức ép phương tây.

Chính sách của Nga với Biển Đông phụ thuộc nhiều vào các cặp quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á (như Việt Nam). Nếu có sự “bấp bênh” trong mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc thì Nga sẽ gia tăng tính cân bằng trong quan hệ, tránh tình trạng cán cân quyền lực nghiêng hẳn về một phía – đó là cách tiếp cận mà các học giả gọi là cân bằng trên cấp độ toàn cầu. Trong khi nếu Mỹ và Trung Quốc không đối đầu nhau nhiều về vấn đề Biển Đông, trọng tâm sẽ được chuyển sang khu vực với các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc làm then chốt. Nghĩa là, Nga sẽ tạo thăng bằng tại khu vực để đảm bảo vừa có vai trò, lợi ích trong khu vực vừa không đẩy Bắc Kinh ra xa mình với những hợp đồng vô cùng hấp dẫn và quan trọng. Như vậy, cái Nga đang hướng tới dù ở cấp độ toàn cầu hay cân bằng khu vực, chính là giải quyết tranh chấp bằng các cuộc đối thoại đa phương – nơi Nga thể hiện vai trò một đối tác quan trọng của các bên.

Anh Thùy