Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Tản mạn về di dân tại Đức

Ảnh minh họa: pixabay.com

Từ xưa đến nay Đức vốn là một nước nhập cư – Einwanderungsland, đã thường xuyên đón những làn sóng di dân, chứ không phải bây giờ mới là lần đầu.

Boat people Việt Nam từng được Đức nhận gần 40.000 người xin tị nạn từ năm 1979 đến 1983. Số người Việt sang lao động và học tập thời DDR cho đến năm 1989 là vào khoảng 100.000 người. Trước khi Đức thống nhất, con số này còn tăng thêm 60.000 nữa, chưa kể mấy chục nghìn người còn trốn sang Tây Đức. Người Việt từng là dân xin tị nạn đông nhất tại Đức, và người Việt sống ở Berlin cũng đông nhất trong số những người nước ngoài, chiếm 1,16% dân số Berlin (khoảng 40.000 người)!

Trên thực tế, từ xưa đến nay Đức vốn là một nước nhập cư – Einwanderungsland, đã thường xuyên đón những làn sóng di dân, chứ không phải bây giờ mới là lần đầu.

Tìm hiểu về lịch sử, chúng ta sẽ thấy: Ngay từ thế kỷ 17, hơn 40.000 người theo đạo Tin lành (Protestanten, còn gọi là Hugenotten) từ Pháp đã phải sang Đức tị nạn khi bị truy sát. Một trong những “con cháu” nổi tiếng của họ ngày nay chính là ông Bộ trưởng nội vụ Đức Thomas de Maizière!

Nói về những di dân khác thì hiện đang có khoảng hơn 2 triệu người Ba Lan sinh sống tại Đức – đứng thứ 2 sau số người Thổ. Trớ trêu thay, những cái tên rất kêu như Sven Skoda, Patrick Brdonkalla, Matthias Deyda hay Alexander Deptolla đều có nguồn gốc từ Ba Lan, thì ngày hôm nay chúng lại là một trong những kẻ cầm đầu đảng phe hữu “Die Rechte” khá mạnh tại Dortmund!!

Vào những năm 50-60, trong thời kỳ “Wirtschaftswunder”, khi Tây Đức đang “phất lên” rất nhanh sau Thế Chiến thứ 2, cũng là lúc nhiều dân Nam Âu và Cận Đông tràn vào đây tìm việc như người Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ, Jugoslawien cũ. Từ năm 1973, Đức lại cho phép họ được đón gia đình sang nữa.

Bên Đông Đức thì có người Việt là số dân hợp tác lao động sang đông nhất. Sau khi Đức thống nhất vào đầu thập niên ’90 thế kỷ 20 thì đa số cũng ở lại, lập gia đình hoặc đón gia đình, người thân ở Việt Nam sang.

Bên cạnh đó là rất nhiều di dân đến từ khối Đông Âu, hầu hết là người Nga gốc Đức (Russlanddeutschen) và khoảng 220.000 người Do Thái cũng như boat people Việt Nam gọi là Kontingentflüchtlinge, nghĩa là tị nạn chính trị/chiến tranh được chấp nhận và phân bổ theo từng địa phương của Đức. Vào Đức là họ được cấp giấy tờ ngay, được học tiếng, cấp nhà ở và có giấy phép lao động.

Ai cũng nghĩ rằng chỉ có Đức hiện nay phải “đứng mũi chịu sào”, là nước duy nhất đón tị nạn vào. Thế nhưng sự thật không phải như vậy. Tính đến tháng 5/2015 thì:

– Libanon chỉ có 4 triệu dân nhưng đã cho đón tới hơn 1 triệu người tị nạn từ Syrien
– Thổ Nhĩ Kỳ nhận vào khoảng 1,8 triệu
– Jordanien là nước nhỏ mà nhận 600.000 người
– Tính theo đầu dân thì tại Trung Âu, Thụy Điển là nước đón nhiều tị nạn nhất, với tỉ lệ 7 : 1000 (nghĩa là cứ 1000 dân bản xứ lại có 7 người tị nạn). Đức xếp thứ 8 với tỉ lệ 2 : 1000!!

Tất nhiên, tính về tổng số tị nạn thì hiện nay Đức quả thật là đất nước đón nhiều người nhất trong số các nước công nghiệp. Thế nhưng, nếu các bạn có thời gian thì hãy tìm hiểu một chút về Châu Úc với cách thức họ ngăn chặn người tị nạn nhập cư trái phép vào nước họ. Với chiến dịch “Stop the Boats”, Úc đã khiến không biết bao nhiêu người bỏ xác ngoài biển, bao nhiêu trẻ em và phụ nữ bị Úc đưa ra đảo Nauru hay Manus và bị xâm phạm, bị hãm hiếp, hay những vụ họ sẵn sàng trả tiền cho Lào để gửi tị nạn đến đó … Chiến tranh quả thật quá ác độc! Chúng ta có thật sự muốn nước Đức cũng biến thành như vậy không???

Mình không có thời gian để tra cứu nhiều hơn về di dân tại Đức và thế giới, nhưng thiết nghĩ bấy nhiêu cũng quá đủ để chúng ta có thể tự hình dung được một nước Đức tự do và tôn trọng nhân quyền là như thế nào!!

Đúng là làn sóng di dân vào Đức năm nay rất cao, và đúng là không thể không lo lắng, không thể không suy nghĩ về vấn nạn khủng bố, về việc học hành, giáo dục của con cái, về xu hướng phát triển kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng, và trên hết là về những vấn đề hội nhập … Thế nhưng mong là các bạn không vì vậy mà mất đi niềm tin vào những điều tốt đẹp, mất đi niềm tin vào chính tương lai của mình!

Hãy rời mắt khỏi những lo âu và quan ngại để nhìn vào biết bao tấm gương di dân nay đã thành danh tại Đức và thậm chí đại diện cho nước Đức nổi tiếng thế giới như: cô diễn viên, MC gốc Việt Phan Thị Minh Khai, cô ca sỹ gốc Nga Helene Fischer với bài hát “Atemlos durch die Nacht” sôi động, hay nữ cầu thủ Tennis gốc Bosnien Andrea Petković hiện xếp thứ 17 trên toàn thế giới và là người duy nhất có khả năng “thừa kế” tình cảm của dân Đức giành cho Steffi Graf Hoặc nếu thích bóng đá, chắc hẳn các bạn đều biết chàng cầu thủ Cacau từng có cú sút vào gôn nhanh nhất trong lịch sử WM, anh là người gốc Brasilien với tên thật là Claudemir Jerônimo Barreto …

Và nếu kể về người Hồi Giáo nổi tiếng, vươn lên từ nước Đức thì còn rất nhiều hơn thế nữa, như đạo diễn Fatih Akin, doanh nhân du lịch Vural Öger, nhà văn Emine Sevgi Özdamar, chính trị gia Cem Özdemir, cô luật sư Rain Kadriye Aydin v.v…

Cẩm Chi