Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Lỗ hổng an ninh trong vụ đâm xe khủng bố ở Barcelona

Việc cơ quan an ninh Tây Ban Nha lơ là cảnh giác, bỏ qua cảnh báo có thể là nguyên nhân dẫn tới vụ đâm xe ở Barcelona ngày 17/8.

Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm tiến hành vụ lao xe vào đám đông người đi bộ ở khu vực Las Ramblas, thành phố Barcelona, Tây Ban Nha hôm qua khiến 13 người thiệt mạng và 50 người bị thương. Vụ việc đặt ra thách thức an ninh mới đối với Tây Ban Nha, trong bối cảnh IS đang kêu gọi các tay súng nước ngoài trở về quê hương thực hiện những cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào dân thường, theo Newsweek.

Nhà phân tích về khủng bố Michael S. Smith II cho hay chỉ một tiếng sau vụ lao xe, những phần tử ủng hộ phong trào cực đoan đã chuyển trạng thái từ “trung lập” sang “ăn mừng” trên ứng dụng nhắn tin Telegram. Theo ông, Tây Ban Nha có lẽ từng không ít lần nằm trong tầm ngắm của IS.

“Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy Tây Ban Nha là một trong các mục tiêu ưu tiên mà IS nhắm tới, ví dụ như việc IS cho ra đời những chiến dịch tuyên truyền chính thức bằng tiếng Tây Ban Nha dùng để lôi kéo cũng như củng cố sự ủng hộ đối với nhóm tại nước này hay các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha khác”, ông Smith cho biết.

Mục tiêu hấp dẫn

Theo giáo sư hàng đầu về chủ nghĩa khủng bố Anthony Glees, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Tình báo thuộc Đại học Buckingham, Anh, thành phố Barcelona và đại lộ Las Ramblas thực sự là “mục tiêu hấp dẫn” dành cho các phần tử cực đoan.

“Las Ramblas không khác gì một mục tiêu dễ dàng đối với các cuộc tấn công kiểu này, dùng xe tải lao vào đám đông để giết người”, ông Glees nói với Xinhua.

Ước tính, Barcelona trong năm nay sẽ đón khoảng 32 triệu lượt khách tới thăm. Rất nhiều người sẽ chọn tới Las Ramblas, một trong các địa điểm biểu tượng thu hút khách du lịch của thành phố, nổi tiếng vì những cửa hàng, quán bar, nhà hàng đa dạng.

“Đây là nơi tất cả mọi người tìm đến, vì thế việc lên kế hoạch tấn công sẽ vô cùng dễ dàng. Chúng ta từng chứng kiến hai vụ tấn công ở London, nơi những chiếc ôtô cũng được dùng làm phương tiện gây án. Các vụ tấn công tương tự cũng diễn ra ở Berlin, Nice và Stockholm. Nó dường như đã trở thành một chiến lược khủng bố”, Glees nói.

Glees đánh giá sau vụ lao xe tại Las Ramblas, mối đe dọa từ IS giờ đây trở nên rất thật với Tây Ban Nha. Vậy nên, các cơ quan an ninh cần nâng cao tối đa cảnh giác.

“Liệu chính quyền Tây Ban Nha đã thật sự cảnh giác hay chưa? Tôi nhận được tin nhắn từ những người ở đó nói rằng theo họ, an ninh tại Tây Ban Nha hiện tại khá lỏng lẻo. Sự việc vừa xảy ra là mối đe dọa chung đối với toàn châu Âu, và điều chúng ta cần là ngăn ngừa chứ không phải đối phó”.

Cây bút Tom Rogan từ Washington Examiner cho rằng sở dĩ Tây Ban Nha lơ là cảnh giác trước chủ nghĩa khủng bố bởi nước này vài năm trở lại đây ít phải đối mặt với những mối đe dọa từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. IS có lẽ đã nắm được và khai thác triệt để lỗ hổng ấy.

Tây Ban Nha đã phải trải qua một số vụ tấn công bằng súng và bom trong vài năm qua nhưng chúng chủ yếu do tổ chức Quê hương xứ Basque và Tự do (ETA) gây ra. ETA thành lập vào năm 1959 nhằm đấu tranh đòi lại độc lập cho xứ Basque, một khu vực trải dài ở phía bắc Tây Ban Nha và phía nam Pháp. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ETA không loại trừ các biện pháp như đánh bom, ám sát và tống tiền. Ước tính khoảng 800 người đã thiệt mạng vì nỗ lực tách xứ Basque khỏi Tây Ban Nha của ETA.

Tây Ban Nha cũng từng là nạn nhân của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, nhưng chỉ bắt đầu từ năm 2004. Thời điểm đó, các tay súng ủng hộ nhóm khủng bố al-Qaeda đã gây ra chuỗi vụ tấn công bằng bom tại hệ thống tàu điện ngầm ở thành phố Madrid, khiến 192 người thiệt mạng. Nhưng trong vài năm gần đây, Tây Ban Nha không còn chứng kiến những cuộc tấn công đẫm máu như các nước châu Âu láng giềng.

Báo địa phương El Peridoico ngày 17/8 đưa tin cảnh sát thành phố Barcelona đã được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) báo động về khả năng xảy ra một vụ tấn công khủng bố đẫm máu tương tự một loạt vụ đâm xe ở châu Âu trước đó hai tháng.

Nhưng giới chuyên gia từ lâu đã nhận định việc chặn đứng các vụ tấn công khủng bố theo kiểu lao xe vào đám đông là không thể bởi chúng quá dễ thực hiện.

“Không thể ngăn chặn việc những kẻ cực đoan thuê một chiếc xe và rủ rê vài người bạn có cùng quan điểm thực hiện cuộc tấn công”, Shiraz Maher, nhà nghiên cứu cấp cao tại Kings College, bình luận.

Theo chuyên gia phân tích Anbani Duncan Gardham, các cuộc tấn công như vậy thường xảy ra liên tiếp. Chúng có thể không liên quan đến nhau nhưng nhìn chung đều được khơi cảm hứng từ các tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới như al-Qaeda hoặc nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). IS đặc biệt chú trọng tìm kiếm những “con sói đơn độc” có thể sử dụng mọi công cụ hoặc vũ khí có trong tay để tấn công.

“Một cuộc tấn công khủng bố thường dẫn đến những vụ tấn công khác vì chúng thúc đẩy các cá nhân khác làm theo”, ông nói.

Theo Vũ Hoàng/ VnExpress