Giáo sư Wilfried Lulei, một chuyên gia hàng đầu về Việt Nam học tại Đức, đã qua đời. Ông đã dành cả đời nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt Nam, đóng góp lớn lao cho sự hiểu biết và hợp tác giữa hai quốc gia. Sự ra đi của ông để lại nỗi buồn sâu lắng trong lòng những ai yêu mến văn hóa Việt Nam. Thời báo Việt Đức, để tưởng nhớ ông, đăng lại cuộc phỏng vấn với Giáo sư Lulei trên Thời báo Việt Đức số tháng 1 năm 2019.
Tôi yêu đất nước và con người Việt Nam. Đa phần người Đức rất quý người Việt và người Việt cũng yêu quý người Đức.
Đó là những chia sẻ của giáo sư (GS) Wilfried Lulei, một trong những nhà nghiên cứu Việt Nam học hàng đầu tại Đức, cũng là người có “mối lương duyên thế kỷ” với Việt Nam, trong chuyên mục Nhân vật Trong tháng kỳ này.
Mối tơ duyên với Việt Nam
. Phóng viên: Thưa ông, là một nhà khoa học nghiên cứu về Châu Á, lý do vì sao ông chọn nghiên cứu về Việt Nam mà không phải một đất nước nào khác?
+ GS. Wilfried Lulei: Tôi thích nghiên cứu về lịch sử của những đất nước và dân tộc khác từ thuở còn bé. Đến năm 1956 tôi bắt đầu học chuyên ngành lịch sử và đặc biệt hứng thú với lịch sử và văn hóa các nước châu Á. Có 3 lý do khiến tôi chọn nghiên cứu Việt Nam: Bài viết về chiến dịch Điện Biên phủ năm 1954, sự giúp đỡ đoàn kết của CHDC Đức dành cho Việt Nam (đặc biệt là việc mời những thanh thiếu niên Việt Nam sang thành phố Moritzburg) và thông qua lời kể của hai người bạn học Việt Nam trong nhóm tôi tại trường đại học Leipzig.
Lúc bấy giờ, người Đức chưa biết nhiều về Việt Nam. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng Việt Nam có hàng ngàn năm lịch sử và dần trở thành một đất nước có trình độ cao về kinh tế, văn hóa và một xã hội với những con người thông minh, cần cù, tự tin, sáng tạo. Tôi học được rằng Việt Nam với những điều kiện tự nhiên đa dạng, vị trí địa lý thích hợp và dân tộc của mình có điều kiện tốt để phát triển đất nước. Tôi hiểu Việt Nam phải chiến thắng trong quá trình thay đổi lịch sử và trong cuộc chiến khó khăn triền miên với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm. Và tôi thấy đất nước này đã đạt được những thành quả xuất sắc trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội.
Tôi nhận ra rằng lịch sử Việt Nam rất thú vị và có nhiều điều kiện để một nhà sử học có thể nghiên cứu sâu thêm. Theo tôi, kiến thức chính xác về lịch sử là một điều kiện giúp hiểu rõ hơn về tình hình hiện tại và tìm ra giải pháp cho các nhiệm vụ phát triển đất nước trong tương lai. Tôi muốn đóng góp cho sứ mệnh này. Đây không phải là một công việc dễ dàng, nhưng ở tuổi 80 tôi vẫn rất đam mê.
. Phóng viên: Điều gì về Việt Nam khiến ông cảm thấy ấn tượng nhất, đáng nhớ nhất; là đặc trưng của con người Việt Nam trong tâm trí ông?
+ GS. Wilfried Lulei: Tôi yêu đất nước và con người Việt Nam. Đa phần người Đức rất quý người Việt và người Việt cũng yêu quý người Đức. Nổi bật ở rất nhiều người Việt Nam là lòng yêu nước và tình yêu tự do, cũng như khả năng vì lợi ích của đất nước mà đặt mình vào những vị trí khác nhau, xếp những vấn đề riêng tư xuống hàng thứ yếu, thậm chí là hi sinh cả cuộc sống. Người Việt gần như không thù ghét người nước ngoài. Ngay cả trong thời gian chiến tranh chống thực dân Pháp và giặc Mỹ, đa số người Việt phân biệt rõ ràng giữa người dân và giặc xâm lăng. Do đó, ngày nay họ gần như không còn thành kiến với người Pháp và Mỹ.
Người Việt rất coi trọng giáo dục. Họ đầu tư nhiều tiền cho việc học của con cái và ngày càng xem trọng giáo dục khoa học tự nhiên-công nghệ. Lợi ích của xã hội thường được ưu tiên hơn lợi ích cá nhân. Khi xảy ra mâu thuẫn, họ cố tìm ra giải pháp hài hòa nhất để cả hai bên đều giữ được thể diện. Người Việt hay thích lựa chọn cách “cả cái này lẫn cái kia” hơn là “hoặc cái này hay cái kia”. Rất phổ biến là cách họ được phép và có thể trộn lẫn tư tưởng của đạo Khổng Tử, Phật giáo, Cộng sản với nhau và cả những thứ khác. Người Việt ít khi nói „không“ mà từ chối khéo để không làm tổn thương người khác. Họ không thể hiện mong muốn, yêu cầu hay chỉ trích trực tiếp, mà lồng trong ngữ cảnh, chẳng hạn khen nức nở người thuê nhà trước khi yêu cầu tăng tiền nhà. Đôi khi người Đức hiểu nhầm cách cư xử lịch sự này là không thành thật. Một cái bắt tay sau khi hai bên làm quen nhau còn quan trọng hơn một hợp đồng bằng văn bản. Đây là một số ví dụ, nhưng cần lưu ý rằng đối với người nước ngoài, nhiều người Việt thường biết cách thích nghi với môi trường giao tiếp có tính quốc tế.
Ấn tượng về người Việt tại Đức
. Phóng viên: Thưa ông, cộng đồng người Việt Nam tại Đức rất đông. Ông có ấn tượng gì về người Việt Nam tại Đức, xét ở phương diện văn hóa, tính cách, đời sống xã hội?
+ GS. Wilfried Lulei: Người Việt sang Đức với nhiều điều kiện, mục đích khác nhau. Một số muốn định cư lâu dài tại đây, một số muốn ở một thời gian sau đó quay lại Việt Nam, một số sinh ra tại Đức và chỉ biết đến Việt Nam qua những lần về thăm ngắn ngủi. Do đó, cách cư xử của họ cũng khác nhau.
Nhìn chung, cộng đồng người Việt tại Đức hòa nhập tốt, không tạo ra nhiều áp lực và về cơ bản có thể tự sắp xếp cuộc sống của mình. Mối quan hệ với Việt Nam vẫn rất đa dạng; cách sống, văn hóa và đời sống xã hội vẫn in đậm nét truyền thống và thường được hiện thực hóa tại các hội nhóm người Việt.
Tuy nhiên, người Việt ngày càng tham gia vào đời sống xã hội với người Đức nhiều hơn. Một ví dụ là CLB Văn nghệ Tháng 10, thành viên của Hội Đức-Việt và thường biểu diễn những chương trình văn hóa cho người Đức.
Xét về khía cạnh văn hóa xã hội giữa người Đức và Việt gần như không có mâu thuẫn. Mối quan hệ với hàng xóm, đồng nghiệp, khách hàng được khắc sâu bởi sự lịch sự, thân thiện, tôn trọng lẫn nhau. Mâu thuẫn lại nảy sinh nhiều hơn trong nội bộ gia đình Việt. Thế hệ trẻ, một số đã có quốc tịch Đức rơi vào xung đột giữa cách suy nghĩ và cách sống của bố mẹ theo kiểu Việt Nam truyền thống và môi trường sống hiện tại của họ. Mong muốn vẫn giữ được truyền thống văn hóa, không quên lịch sử và tiếng Việt. Tuy nhiên, trên các phương tiện truyền thông Đức thường tập trung quá nhiều về một số người Việt cá biệt có tội hình sự, cũng như thường viết nhiều về nạn hối lộ, về lũ lụt tại Việt Nam nhiều hơn là viết về những thành công trong phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện sống người dân.
.Phóng viên: Cộng đồng người Việt Nam tại Đức có thể làm gì để cùng hòa nhịp vào xã hội Đức, cùng phồn thịnh trong tương lai?
+ GS. Wilfried Lulei: Mặc dù khoảng cách địa lý xa xôi, sự phát triển lịch sử khác nhau và có nhiều khác biệt về xã hội, kinh tế và chính trị, Việt Nam và Đức đều có chung một mối quan tâm là cải thiện mối quan hệ của hai quốc gia. Người Việt ở Đức cũng như người Đức ở Việt Nam có thể đóng góp mở rộng kiến thức về nhau và sự hiểu biết cho nhau. Đặc biệt trong những năm sau thống nhất Việt Nam và thống nhất Đức, cả hai quốc gia đã cho thấy khả năng vượt qua những khó khăn trong mối quan hệ và tiếp tục mở rộng mối quan hệ này. Những người Việt Nam sinh sống tại Đức, bao gồm cả người Đức gốc Việt đều có thể hỗ trợ quá trình này.
Đỗ Thiện – Trúc Quỳnh (thực hiện)
Tác giả „Lịch sử Việt Nam từ các Vua Hùng đến hiện tại“ Từ năm 1966 đến nay tôi đã xuất bản hơn 40 công trình khoa học qua các bộ sách và tạp chí. Năm 1970 tôi cùng tham gia viết sách „Stärker als die reißenden Flüsse. Vietnam in Geschichte und Gegenwart“ (Thürk,Borchers, Lulei, Szeponik, Weidemann); năm 1979 viết sách „Die nationalen Einheitsfrontorganisationen in Vietnam. Historische Entwicklung und aktuelle Bedeutung“; và năm 1980 tôi xuất bản quyển sách „Ho Chi Minh: Reden und Schriften“. Tôi đã trì hoãn kế hoạch viết về lịch sử rất lâu do tôi thấy không khả quan khi gói gọn tất cả lịch sử Việt Nam trong một quyển sách duy nhất. Mặc dù vậy tôi vẫn thực hiện do tôi muốn giúp những người Đức quan tâm hay có mối quan hệ với đất nước và con người Việt Nam có thể hiểu thêm về quốc gia này. Mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam rất tốt, nhưng không phải không có khó khăn. Tăng vốn hiểu biết về nhau có thể giúp hai bên hiểu nhau tốt hơn và tiếp tục phát triển mối quan hệ. Khi chuẩn bị cho quyển sách này, tôi đã phải đọc rất nhiều tài liệu bằng tiếng Việt, Đức, Pháp, Anh và Nga. Tuy nhiên, điều giúp tôi nhiều nhất là việc tôi có cơ hội sang Việt Nam học tập nhiều lần trong 50 năm qua. Tôi được ghé thăm những địa danh lịch sử (như Cổ Loa), đọc tài liệu trong kho lưu trữ, viện bảo tàng, thư viện (chẳng hạn thư viện quốc gia Hà Nội) và làm việc với những đồng nghiệp nghiên cứu về lịch sử ở các trường đại học Hà Nội, TP. HCM và Huế (chẳng hạn giáo sư Phan Huy Lê, Văn Tao, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Lại, Lê Mậu Hãn). Ngoài ra tôi có cơ hội được gặp những nhân vật góp phần làm nên lịch sử như bà Nguyễn Thị Bình, Tố Hữu, Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu. Và tôi đặc biệt ấn tượng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi có nhiều cuộc nói chuyện với nông dân, người lính, thầy tu, thanh thiếu niên, những người dân tộc thiểu số đã kể cho tôi nghe về cuộc đời của họ. Do chiến tranh và khó khăn về kinh tế của Việt Nam nên việc viết sách gặp nhiều khó khăn. Tôi thường không có những công cụ hỗ trợ, phải chép tay nhiều tài liệu do không có máy phô tô. Đến năm 1975 tôi không thể vào miền Nam. Mùa Hè năm 1975 tôi cần đến một tuần để đi từ Hà Nội đến TP.HCM, mang theo một túi đầy giấy phép thông hành. Trong nhiều trường hợp, tôi có lợi thế khi đến từ CHDC Đức, biết nói tiếng Việt và luôn mang theo thuốc lá Đức dù tôi không hút thuốc. Đi đến đâu tôi cũng được những người bạn Việt Nam giúp đỡ và rất biết ơn về điều này. |
Các bài đã đăng:
- Câu Chuyện Tình Yêu Và Khát Vọng Của Hai Người Việt…
- Những Ca Từ “Khó Hiểu” Trong 8 Ca Khúc Của Trịnh Công Sơn
- Khám Phá 10 Di Sản Thế Giới UNESCO ở Bayern: Hành…
- Bí mật về cục tẩy hai màu: Phần màu xanh dùng để làm gì?
- Tốc Độ 30 km/h Trong Thành Phố: Giải Pháp An Toàn…
- Những Điểm Đến Du Lịch Nên Tránh Trong Năm 2024