Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Đức lập sai kịch bản quy mô học sinh?

Ảnh minh họa: Trung Hiếu
Một nghiên cứu mới đây dự đoán tổng số học sinh tại Đức tăng vọt trong những năm tới do làn sóng trẻ nhập cư và tỉ lệ sinh tăng đều. Kết quả nghiên cứu này trái ngược với “kịch bản” giảm sĩ số học sinh của chính phủ Đức và vì vậy quốc gia này đang bị động trước diễn biến mới…

Những dự báo trái ngược

Nghiên cứu mới đây của Quỹ Bertelsmann Stifung cho ra kết quả trái ngược với dự đoán của chính phủ Đức rằng số học sinh các trường học Đức sẽ giảm trong tương lai gần.

Nghiên cứu cũng chỉ rõ số lượng giáo viên nghỉ hưu cao kỉ lục trong khi giáo viên mới chưa đáp ứng đủ, số học sinh tăng vọt và thiếu lớp học – là những vấn đề bức thiết đặt ra với chính phủ Đức. Đòi hỏi chính phủ Đức phải hoạch định lại giáo dục vĩ mô để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

“Số người tới Đức sinh sống lớn hơn số người rời khỏi nước này” – một chuyên gia Quỹ Bertelsmann Stifung nhận xét – “Kỷ nguyên giảm số lượng học sinh đã kết thúc”.

Theo nghiên cứu được công bố hồi đầu tháng, các trường học Đức dự kiến sẽ phải tiếp nhận thêm hơn 1 triệu học sinh vào năm 2025 so với con số dự báo năm 2013 của chính phủ Đức.

Nếu ước tính của Quỹ Bertelsmann Stifung là chính xác, Đức sẽ phải thay đổi sách lược chuẩn bị các điều kiện trường học đáp ứng số học sinh tăng.

Tỉ lệ sinh của Đức – thuộc loại thấp nhất thế giới trong nhiều thập kỉ – đang tăng đều trong 5 năm qua. Cục Thống kê Liên bang ước tính tỉ lệ sinh hiện tại là 1,6 trẻ/phụ nữ tại Đức. Số tăng này cộng với làn sóng nhập cư là nguyên nhân chính dẫn đến tăng tổng số học sinh trong quãng thời gian 8 năm tới.

Đòi hỏi “kịch bản” mới

Các trường học trước đây dự báo giảm số lượng học sinh khiến họ không có sự chuẩn bị cho tình huống ngược lại – tăng số lượng học sinh. Theo Quỹ Bertelsmann Stifung, liên bang phải đầu tư khoảng 5,3 tỉ USD mỗi năm để tránh viễn cảnh “thiếu hụt nghiêm trọng” giáo viên và phòng học.

Mức tăng học sinh khác nhau giữa các vùng miền, theo Quỹ Bertelsmann Stifung, các thành phố lớn hơn có mức tăng cao hơn khu vực nông thôn.

Số lượng học sinh tiểu học dự kiến tăng từ 2,8 triệu năm 2015 lên khoảng 3,2 triệu năm 2030. Trong 8 năm nữa, các trường học Đức có thể “hao hụt” khoảng 24.000 giáo viên. Mức hao hụt giáo viên ở các cấp học khác cũng sẽ đáng kể do nghỉ hưu và thiếu giáo viên trẻ.

Theo Udo Beckmann, Chủ tịch Hiệp hội giáo viên VBE có trụ sở tại Berlin, nhìn nhận, các chính trị gia Đức đã không quan tâm đến viễn cảnh thiếu giáo viên và cho dù tổng số học sinh không tăng thì số lượng giáo viên thực tế còn đứng lớp cũng giảm xuống. Bên cạnh đó, số ngày học nhiều hơn, giáo dục hoà nhập với học sinh khuyết tật và trẻ nhập cư là những thách thức mới đối với giáo viên. “Trường học đang thay đổi” – Beckmann nhấn mạnh.

Các tác giả thực hiện nghiên cứu của Quỹ Bertelsmann Stifung không bảo đảm đưa ra dự báo chính xác về diễn biến sĩ số học sinh trong tương lai, mà điều quan trọng là hy vọng nghiên cứu sẽ khiến cơ quan chức năng đánh giá lại kế hoạch giáo dục hiện tại: “Dự đoán là cơ sở để đưa ra những quyết định chính trị đúng”.

Trong năm học 2015 – 2016, có khoảng 7,9 triệu học sinh trong các trường học trên cả nước Đức. Đến năm 2025, nghĩa là chỉ còn chưa tới 10 năm nữa, nghiên cứu của Quỹ Bertelsmann Stifung dự báo sẽ có 8,3 triệu học sinh, cao hơn nhiều so với con số ước tính của chính phủ – vốn là công cụ hoạch định chính sách giáo dục dài hạn.

Theo Thanh Anh / Báo Giáo dục & Thời đại