Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Việt Nam quản lý mạng xã hội: Bài học từ Đức

Ảnh: nguồn https://pixabay.com

TBVĐ- Cách tiếp cận “cấm” theo kiểu Trung Quốc hoặc “thả tự do” như nhiều quốc gia trong đó có Mỹ không phù hợp với Việt Nam. Quản lý thông tin theo kiểu của Đức và các nước Châu Âu là một bài học mà Việt Nam có thể cân nhắc chọn lựa.

Mới đây, đại diện Facebook ở Hà Nội trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết sẽ xây dựng một kênh riêng để giải quyết những vấn đề mà Việt Nam đề nghị xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội một cách hiệu quả hơn, tốt hơn.

Mức độ nguy hiểm của tin giả, tin kích động

Đối tượng chính làm nóng các diễn đàn tranh luận về thách thức từ mạng xã hội hiện nay chính là thông tin gây hại, trong đó phải kể đến tin giả (fake news), thông tin kích động, thù địch (hate speech). Lấy ví dụ ở Mỹ, thống kê của statista.com cho thấy năm 2017 có đến 42% tổng lượng thông tin giả được ghi nhận lan truyền qua kênh mạng xã hội, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các kênh thông tin.

Trong khi đó tại Châu Âu, đặc biệt ở các nước có lượng nhập cư cao sau làn sóng tị nạn 2015 như Đức, Pháp, Ba Lan, Tây Ban Nha, v.v. chính phủ các nước ngày càng căng thẳng khi làn sóng thông tin kích động nhắm vào các vấn đề sắc tộc, tôn giáo, bản sắc của các nhóm người nhập cư ngày càng cao, mang đến các rủi ro về bạo động, thậm chí là khủng bố ngày càng cao.

Những rủi ro tồn tại trên không gian mạng xã hội không phải là những vấn đề được vẽ ra cảm tính. Các học thuyết báo chí-truyền thông kinh điển, ví dụ học thuyết “Mũi kim tiêm” (hypodermic needle model) hay thuyết “Viên đạn ma thuật” (magic bullet) đều cho thấy thông tin giả hay tin kích động thù địch hoàn toàn có thể “gây ra chuyện” nếu đám đông độc giả thụ động, tức người nghe không có khả năng hoặc thậm chí họ không mong muốn kiểm chứng sự thật. Nói một cách dễ hiểu, truyền thông mạng xã hội với sức hấp dẫn ghê gớm hiện nay của nó, bằng những thủ thuật chắt lọc thông tin, hoàn toàn có thể tạo ra môi trường để các “thông tin độc” tồn tại và tẩy não một đám đông độc giả.

Các học thuyết khác như Thuyết thiết lập nội dung (Agenda-setting theory) hay Thuyết đóng khung (Framing theory) cũng mang lại những hàm ý mới mẻ về vấn đề định hướng thông tin trên mạng xã hội. Theo đó, thách thức của mạng xã hội chính là tạo ra môi trường để không chỉ nhà báo mà các cá nhân làm chính trị có thể tận dụng tin giả, tin kích động để khiến dư luận dồn sự tập trung vào một vấn đề, đánh lạc hướng dư luận sang vấn đề khác, thậm chí khiến dư luận hiểu theo chiều hướng chủ quan có toan tính.

Bài học từ Đức và Châu Âu

Đức là quốc gia đầu tiên tấn công trực tiếp vào tin giả, tin gây kích động bằng việc Quốc hội Đức thông qua đạo luật “Enforcement on Social Networks”, quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp mạng xã hội với quản lý thông tin. Theo đó, các thông tin bị “báo cáo vi phạm luật pháp Đức” phải được xóa bỏ trong vòng 24 giờ. Mức phạt đối với Facebook nếu quản lý không tốt có thể lên đến 50 triệu euro (hơn 1,3 ngàn tỉ đồng). Facebook đã đưa vào hoạt động hai trung tâm chuyên kiểm duyệt và xóa thông tin có trụ sở tại thủ đô Berlin và TP Essen (bang Nordrhein-Westfalen) với tổng số nhân viên lên đến 1.200 người. Bên cạnh đó, luật pháp dân sự và hình sự của Đức cũng quy định chặt lẽ về trách nhiệm của người dùng mạng xã hội trong việc đăng tải thông tin. Đã có những trường hợp người dùng mạng xã hội bị kiện và phạt liên quan đến vấn đề đăng thông tin gây hại đến cá nhân hay tổ chức trong xã hội.

Đức không đơn lẻ trong cuộc chiến chống thông tin gây hại. Hồi đầu tháng 1-2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với báo chí rằng sẽ ban hành một đạo luật chống sự lây lan của các tin tức giả mạo trên mạng internet. Tổng thống Macron đánh giá những tin tức giả mạo là mối đe dọa đối với các nền dân chủ tự do của Pháp. Trong khi đó, nước Anh cũng đang thúc đẩy các nước khối G7 tăng cường các biện pháp pháp lý để giảm thiểu các thông tin kích động trên mạng xã hội.  Ủy ban Châu Âu đã ban hành hướng dẫn với các doanh nghiệp mạng xã hội trong việc chủ động tiếp cận và xóa bỏ thông tin bất hợp pháp. Trong đó bao gồm các công cụ giúp dễ nhận diện tin giả, tin gây kích động và tự động xóa bỏ kịp thời.

Việc quản lý thông tin trên mạng xã hội không đơn giản là những bài toán pháp lý mang tính cơ học “đúng” và “sai”. Một số nước hiện đang gặp khó khăn với cái gọi là “thông tin gây kích động, thù địch. Thực tế các quốc gia mạnh tay với thông tin kiểu này như Đức cũng đang gặp khó khăn trong việc đưa ra một khái niệm cụ thể, thuyết phục. Thông tin kích động, thù địch mang hàm ý cảm xúc hơn là một trạng thái đúng hay sai rõ ràng để có thể kiểm định. Điều đó có nghĩa là, một thông tin có thể bị xem là “gây kích động, thù địch” đối với người này, nhưng người khác thì không. Nói cách khác, các yếu tố về văn hóa, bản sắc, tôn giáo, quan điểm sống, cảm xúc chủ quan, v.v. đều ảnh hưởng đến khái niệm tin kích động, thù địch.

Điều này khiến nhiều người lo ngại rằng, nếu áp dụng tùy tiện hoặc thiếu cẩn trọng các khái niệm về tin kích động, thù địch để ban hành các điều luật sẽ dẫn đến hệ lụy đối với quyền tự do ngôn luận của người dân, vốn được quy định trong hiến pháp của hầu hết các quốc gia. Thậm chí, dễ sinh ra hiện tượng lạm dụng khái niệm tin kích động, thì địch để áp đặt việc kiểm duyệt trên mức cần thiết. Đây cũng chính là tranh cãi lớn nhất mà các quốc gia Châu Âu khi tiếp cận việc lập pháp với tin kích động, thù địch gặp phải.

Đại Thắng