Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Tìm hiểu về ngày 31.10: Halloween và Reformationstag

Ảnh minh họa: Trung Hiếu

Halloween là ngày hội được tổ chức vào 31.10 hàng năm, một ngày trước lễ Allerheiligen vào 1.11. (tiếng Việt gọi Allerheiligen là Lễ Các Thánh). Ở Đức ngày này còn là lễ kỷ niệm ngày cải cách luật ân xá, tiếng Đức gọi là Reformationstag là ngày lễ quan trọng nhất đối với các tín đồ Tin Lành.

Lễ hội Halloween 

Halloween là ngày hội được tổ chức vào 31.10 hàng năm, một ngày trước lễ Allerheiligen vào 1.11. (tiếng Việt gọi Allerheiligen là Lễ Các Thánh) – vì vậy từ ngày xa xưa, Halloween được gọi theo tiếng Anh là “All Hallows’ Eve” – eve là từ cổ, có nghĩa là “đêm”, như vậy “All Hallows’ Eve” nghĩa là “đêm Các Thánh”, giống như cụm từ “Christmas Eve” nghĩa là “đêm Giáng Sinh”.

Ngày hội mang theo bao tưởng tượng “ghê rợn” này có lẽ đã tồn tại hơn 2500 năm nay, bắt nguồn từ một lễ hội đám ma có tên là “Samhain” (tên gọi tháng 11) của người Kelten/Celt, khi họ mở hội chia tay mùa hè bằng cách đốt lên những đống lửa lớn và giết súc vật để cúng tế.

Vào đêm 31.10., khi chuẩn bị bước sang ngày Allerheiligen, các tín đồ Công Giáo (Katholiken) tưởng nhớ đến người thân đã qua đời và cầu nguyện cho những linh hồn vẫn phải trầm luân trong lửa địa ngục, không được siêu thoát, mong Đức Chúa Trời ban ân cho họ. Năm 998, linh mục Odilo von Cluny đã ấn định ngày 2.11. là ngày Allerseelen (tiếng Việt gọi là Lễ Các Đẳng).

Trong các truyền thuyết của Irland (Ái Nhĩ Lan), người ta lại tin rằng đêm 31.10. là khi linh hồn người chết sẽ thoát ra từ địa ngục, trở về thế giới loài người. Họ nghĩ cách làm những bộ mặt nạ kinh dị hoặc vẽ mặt thật rùng rợn để xua đuổi tà ma và ác quỷ.

Vào thế kỷ thứ 19, di dân từ Irland sang Mỹ đã mang theo nhiều phong tục, tập quán của họ. Để đỡ nhớ quê hương, họ cũng tổ chức những ngày hội của mình tại đây, trong đó có lễ hội Halloween.

Tập tục trang trí Halloween bằng bí đỏ xuất xứ từ Irland qua một truyện thần thoại về một kẻ côn đồ mang tên Jack Oldfield. Hắn từng lập mưu bắt nhốt quỷ dữ, vì thế mà đến khi chết đi, Jack không được siêu thoát lên trời, cũng không có địa ngục nào muốn chứa chấp hắn. Nhưng quỷ dữ vẫn rủ lòng thương và ban cho Jack một củ cải (Rübe) với một cục than hồng, để linh hồn của hắn có thể lang thang trong bóng tối mà không cảm thấy quá sợ hãi. Từ củ cải và cục than sinh ra tục lệ đục lỗ hình mặt người lên quả bí đỏ và thắp sáng chúng bằng nến thời bây giờ. Người Mỹ thường đặt chúng trước cửa vì tin rằng như vậy cũng là cách xua đuổi tà ma, quỷ dữ.

Tuy nhiên, chỉ mới cách đây khoảng 20 năm, ngày hội này mới thật sự xâm nhập vào Đức. Đặc biệt, trẻ em rất thích thú khi được hóa trang thành những nhân vật đáng sợ như phù thủy, ma quái, con nhện v.v… Chúng thường tụ tập nhau và cùng đi xin bánh kẹo của hàng xóm, các cửa hàng … với câu “Süßes oder Saures” (tiếng Anh là “trick or treat” – „Streich oder Leckerbissen“), nghĩ ra các trò nghịch ngợm để trêu chọc mọi người (ví dụ lấy băng dính dính chặt ổ khóa cửa, bôi mù tạt lên cửa sổ, dẫm nát cỏ trong một góc vườn …).

Mặc dù Halloween ngày càng trở thành một lễ hội hóa trang vui nhộn hơn là rùng rợn, vẫn có khá nhiều hội đoàn tại Đức không ưa nó cho lắm! Ví dụ các tín đồ Tin Lành (Evangelen) thì lo sợ ngày cải cách ân xá (Reformationstag) của họ không nhận được sự quan tâm của quần chúng. Hay các tín đồ Công Giáo (Katholiken) không muốn Lễ Các Thánh của họ lại quá ồn ào, ầm ĩ, và yêu cầu nhà nước chỉ cho phép Halloween được kéo dài đến đúng 2 giờ sáng ngày 1.11. là phải chấm dứt …

Nhưng dù thế nào, các ngày lễ ở mỗi nước lại có những đặc trưng thú vị mà càng đi sâu tìm hiểu, chúng ta sẽ càng thấy yêu thích, càng muốn biết cặn kẽ hơn – các bạn có thấy vậy không?? 😉

Ngày cải cách ân xá Reformationstag

Cùng ngày 31.10., ở Đức còn là lễ kỷ niệm ngày cải cách luật ân xá, tiếng Đức gọi là Reformationstag. Ngày lễ này bắt nguồn từ 500 năm trước đây và là ngày lễ quan trọng nhất đối với các tín đồ Tin Lành. Tuy nhiên, đây chỉ là ngày lễ được nghỉ ở một số tiểu bang của Đức như Brandenburg, Mecklenburg-Vorpommern, Sachsen-Anhalt, Sachsen và Thüringen.

Ngày cải cách ân xá nghĩa là gì và vì sao nó lại quan trọng như vậy??

Lý do đầu tiên có lẽ vì nó do một người Đức sáng lập ra. Đó là ông Martin Luther (1483-1546). Ông từng là tu sỹ dòng Augustine và là giáo sư giảng dạy về Kinh Thánh tại thành phố Wittenberg. Thời đó, Kinh Thánh chỉ được viết bằng tiếng Latin, nghĩa là chỉ tầng lớp tri thức, có học mới có thể đọc được. Đêm nào Martin Luther cũng thường ngồi nghiên cứu Kinh Thánh rất khuya, hòng mong giải mã được mối liên quan giữa Đức Chúa Trời (Gott) và Nhân Loại.

Khi ấy người ta từng tin rằng, để có thể “gặp” và “nói chuyện, xưng tội” được với Đức Chúa Trời, các tín đồ cần phải có “người môi giới” – chính là Đức Giáo Hoàng cũng như các linh mục và giám mục do ông này bổ nhiệm. Dựa vào đó, các giáo đường La Mã và nhà thờ tại Rom (thuộc Giáo Hội) vừa dành độc quyền định nghĩa Kinh Thánh về phía họ, vừa tự qui định riêng cách xưng tội và các biện pháp trừng phạt đối với những ai vi phạm các giáo điều trong đó. Từ năm 1512, mỗi tín đồ Công Giáo khi xưng tội đều đến gặp linh mục để chịu ơn tha tội, và thông thường thì họ chỉ được giảm nhẹ hình phạt bằng cách làm việc thiện, việc tốt lành mà thôi.

Nhưng Giáo Hội thời đó đã đặt ra lệ “mua bán ân xá” – nghĩa là thay vì làm việc thiện tích đức thì các tín đồ chỉ cần mang tiền “cống nạp” cho nhà thờ. Họ tuyên truyền rằng, nhờ đó mà khi qua đời, người ta mới có thể thoát được các hình phạt trong lò lửa địa ngục. Các hình phạt đó được tha giảm tùy theo giá tiền của tín đồ chịu bỏ ra để mua bằng ân xá, thậm chí là có phạm tội giết người, chỉ cần tín đồ bỏ ra một số lượng tiền đủ lớn là được ân xá rồi.

Qui định này đã khiến Giáo Hội lạm dụng để vơ vét lợi lộc và thậm chí cả binh quyền về tay mình, ví dụ đem một khoản tiền lớn tài trợ việc xây dựng nhà thờ Thánh Phêrô (Petersdom), một trong bốn nhà thờ lớn nhất tại Rom, ngoài ra số tiền thu từ việc “buôn bán” này còn được dùng để chi phí cho cuộc sống vô cùng xa hoa của Đức Giáo Hoàng Leo X.(1475-1521) mà lúc đó đang có nguy cơ bị phá sản.

Thế nhưng Martin Luther đã nhìn ra mặt tiêu cực đen tối trong việc giữ đạo kiểu này. Ông nghiên cứu và giải nghĩa lại các sách Tin Mừng trong Kinh Tân Ước (bằng tiếng Đức), rồi từ đó phát triển ra một mô hình Cơ Đốc Giáo hoàn toàn khác.

Ông cho rằng, trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa và Con Người thì không còn cần đến bất cứ một tông đồ nào khác làm trung gian nữa (như Đức Giáo Hoàng hay các linh mục của ông ta), mà các con tin chỉ cần có Kinh Thánh, Chúa Jesus và ân sủng của Thiên Chúa là có thể giữ đạo trọn vẹn, bởi theo ông, những việc thiện, ác mà các tín đồ tạo ra Đức Chúa Trời tự có thể thấy được.

Vào ngày 31.10.1517, Martin Luther đã tuyên bố 95 luận đề cải cách Giáo Hội tại thánh đường Wittenberg, trước hết là chính thức công khai đả kích, chống lại việc buôn bán ân xá nói trên cũng như bác bỏ quyền lực của Đức Giáo Hoàng La Mã. Đây là một sự kiện trọng đại ở thời phong kiến, khi con người còn rất mê tín và dựa dẫm nhiều vào Giáo Hội, chịu áp bức từ tầng lớp quý tộc.

Sau những cuộc tranh cãi máu lửa, Martin Luther bị trục xuất khỏi Giáo Hội, nhưng nhờ có Tuyển hầu tước (Kurfürst) Friedrich III. cho ông trốn lên lâu đài Wartburg, ông đã dành thời gian dịch Kinh Tân Ước sang tiếng Đức tại đây. Cuối cùng thì vụ xung đột tôn giáo này cũng là một trong những lý do thổi bùng lên Chiến Tranh Ba Mươi Năm (Dreißigjähriger Krieg, 1618-1648) – một cuộc chiến vô cùng tàn khốc mà kết thúc của nó chính là một hiệp ước về tự do tín ngưỡng tại Đức và toàn thể Châu Âu.

Cẩm Chi