Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Nhà văn Đức gọi phụ nữ Việt là “đội quân cướp nhà băng” sặc sỡ

Cuốn "Xứ sở những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa" của nhà văn Đức Judi Zeh vừa ra mắt bạn đọc ngày 14-11, do dịch giả Đinh Bá Anh chuyển ngữ.

“Những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa” là tập du kí của nhà văn nổi tiếng người Đức, Juli Zeh.

Việt Nam đón nhà văn Đức Juli Zeh bằng những cú sốc. Vừa đặt chân xuống sân bay: sốc nhiệt, bước ra đường: sốc giao thông, ẩm thực: sốc rối loạn tiêu hóa… dồn dập đến mức, Juli Zeh gọi Việt Nam là “đất nước của sự hòa tan những mâu thuẫn khó hiểu”. Những ấn tượng về đất nước con người Việt Nam được ghi lại ngay lập tức khi còn tươi rói trong hành trang sáng tác của một nhà văn Đức.

Sở hữu Giải sách Đức năm 2002 và Giải Thomas Mann năm 2013, Juli Zeh bén duyên với Việt Nam khi nhận được lời mời từ Viện Goethe nhân dịp kỷ niệm 35 năm Đức và Việt Nam thiết lập quan hê ngoại giao. Ba tuần đi dọc Việt Nam, từ Hà Nội xuôi vào TP.HCM, Juli Zeh gần như huy động mọi giác quan của mình ở cường độ cao để xem, nghe, cảm nhận… Kết quả của hành trình này là những trang du kí vô cùng độc đáo về văn hóa, con người, đời sống…Việt Nam.

Vẫn là những cô gái đi xe máy trùm áo chống nắng, khăn, khẩu trang kín mặt, đặc trưng ở Việt Nam nhưng qua cảm nhận của Juli Zeh, đó như một… “đội quân cướp nhà băng” sặc sỡ. Tương tự, những quán ăn, ly trà đá lề đường hay tiếng còi xe inh ỏi… hết sức quen thuộc với người Việt đều được khoác lên vẻ tươi mới. Viết về xe máy, Juli Zeh bảo: “…Như một dòng sông, như  là một tác phẩm nghệ thuật tổng thể không chỉ chuyển động về một hướng mà nó tràn về đủ mọi hướng. Nó hòa vào, nó tách ra, nó cuốn lấy nhau, nó đan vào nhau. Nó tự trôi chảy không ngừng nghỉ. Một hoạt cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, hình thành từ quá trình cơ giới hóa nhanh chóng, kết hợp với sự vắng bóng triệt để của tất cả các loại hình giao thông công cụ đô thị…”.

Nhà văn Đức gọi phụ nữ Việt là đội quân cướp nhà băng sặc sỡ - Ảnh 2.
Dịch giả Đinh Bá Anh là người chuyển ngữ cuốn sách của nữ nhà văn Đức

Dịch giả Đinh Bá Anh, người chuyển ngữ cuốn sách đầy nội lực này ví von: “Juli Zeh tự coi mình như là một con chó nhỏ chơi cuộn len, nó tò mò, săm soi, háo hức, lăn cuộn len ra rồi kéo lại gần, tung lên, dằn xuống… để tìm kiếm điều bí mật. Và, những “bí mật” rất con người nơi đây để Juli Zeh cho ra đời những trang viết giàu tính hài hước, tự trào nhưng cũng không kém phần sắc bén với hiện thực. “Xứ sở những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa” không phải một cuốn sách “ngoại giao”, đây là tác phẩm ý niệm, được sáng tác dựa vào thực tế và ý chí của một nhà văn chuyên nghiệp, với ý thức khai sáng, tinh thần tự mổ xẻ thực tế dựa trên lý tính. Tôi từng “thách thức” Juli Zeh chỉ dùng 3 từ ngắn gọn để mô tả Việt Nam, kết quả là có ba từ: “Hỗn loạn”, “Thanh bình”, và “Nghịch lý”.

Cầm cuốn sách 145 trang (First News Trí Việt và NXB Tri thức thực hiện) chất chứa nội lực, tràn trề tình cảm, nhiều độc giả nghẹn ngào tâm sự: “Đây là một cuốn sách đặc biệt. Tôi thực sự bị nhào lộn, đưa đẩy theo tình cảm và văn phong của tác giả. Đã cầm lên đọc là không dừng lại được. Gấp sách lại, tự suy ngẫm thêm rất nhiều điều về cuộc sống đang diễn ra quanh mình”.

Nhà văn Đức gọi phụ nữ Việt là đội quân cướp nhà băng sặc sỡ - Ảnh 3.
Dịch giả Đinh Bá Anh (ngồi giữa) trong buổi ra mắt cuốn sách đặc biệt của nữ nhà văn Đức ngày 14-11

Juli Zeh sinh năm 1974 tại Bonn, Cộng hòa Liên bang Đức, là tiến sĩ luật , nhà báo, nhà hoạt động xã hội và nhà văn. Đến nay bà là tác giả của năm cuốn tiểu thuyết, nhiều vở kịch, nhiều tiểu luận về văn chương và xã hội. Cuốn tiểu thuyết đầu tay “Đại bàng và Thiên thần” (Adler und Engel) in năm 2001, được dịch ra 31 thứ tiếng, đã đưa Juli Zeh ra ngoài biên giới nước Đức, khiến bà thường được nhắc đến như một trong những đại diện của thế hệ nhà văn đương đại tài năng của Đức sau khi đất nước này thống nhất.

Bài và ảnh: Hòa Bình

Nguồn: nld.com.vn