Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Giá khí đốt châu Âu tăng kỷ lục, khủng hoảng điện ở Trung Quốc: Điều gì đã xảy ra?

 Điều gì đã xảy ra khi đột nhiên thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu với giá khí đốt và xăng dầu liên tục chạm những kỷ lục mới?

Cuộc khủng hoảng năng lượng mới

Thế giới đang bước vào một cuộc khủng hoảng năng lượng mới chưa từng chứng kiến kể từ những năm 1970. Giá khí đốt châu Âu và châu Á tăng cao kỷ lục, giá dầu ở mức cao nhất trong vòng 3 năm và giá than đá cũng tăng vọt giữa bối cảnh tình trạng thiếu năng lượng xảy ra ở Trung Quốc, Ấn Độ và Đức.

Sự gia tăng về nhu cầu tiêu thụ năng lượng chủ yếu đến từ các nền kinh tế đang hồi phục và thời tiết cực đoan trên khắp châu Âu và Đông Bắc Á. Trung Quốc đang tích trữ than đá và khí tự nhiên trong khi Nga ngần ngại cung cấp khí đốt cho Tây Âu.

Tại Anh, việc thiếu các tài xế xe tải vận chuyển nhiên liệu đã dẫn đến tâm lý mua tích trữ do lo sợ khan hiếm nguồn hàng. Sau Brexit, nhiều tài xế châu Âu đã quay trở về đất nước của họ và không bao giờ quay lại.

Một vấn đề nữa làm tồi tệ hơn tình trạng ở Anh được gọi là “mùa hè không gió”, tức là sản lượng điện từ nguồn năng lượng có thể thay thế thấp hơn nhiều so với mức bình thường. Điều này đã đặt sức ép lên việc sản xuất điện tại Anh khi khoảng 40% lượng điện của nước này là từ gió.

Anh dừng sử dụng than đá như một nguồn sản xuất điện và với nguồn cung thấp ở mức báo động, nước này sẽ đột ngột gặp khó khăn khi quay lại sử dụng than đá.

Dù vậy, Thủ tướng Boris Johnson vẫn khẳng định ông muốn Anh trở thành “Saudi Arbia về năng lượng gió” với những trang trại gió ngoài khơi cung cấp đủ điện cho từng hộ gia đình ở Anh trong 1 thập kỷ.

Giá dầu đã tăng vọt trước “mùa hè không gió” ở Anh và những khó khăn của Đức trong việc tiếp cận khí đốt của Nga. Sự gia tăng này cũng sẽ sớm tác động đến Australia, vốn nhập khẩu 80% xăng dầu, diesel và nhiên liệu máy bay phản lực.

OPEC+ (OPEC và một nhóm các nhà sản xuất dầu cho Nga dẫn đầu) đã nhất trí sẽ tăng cường sản xuất nhưng việc này chỉ diễn ra theo từng bước thận trọng.

Giới quan sát đánh giá, khi Anh và Đức giải quyết được các vấn đề nguồn cung khí đốt với Nga, có lẽ vào giữa năm 2022, thì giá khí đốt và giá dầu mới giảm.

Đảo ngược kế hoạch

Những biến động trên thị trường khí đốt đang buộc các nước phải quay sang dùng than đá để sản xuất điện và phục vụ công nghiệp. Giá than nhiệt tại châu Á cũng đang ở những mức cao kỷ lục.

Tại châu Á, hiện không đủ than đá để đáp ứng nhu cầu. Mùa đông lạnh giá sau một mùa hè nóng nực và sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn đã dẫn đến những nhu cầu tăng cao của Trung Quốc. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng điện đang diễn ra ở nước này.

Trung Quốc, vốn đã dừng tiêu thụ than đá cách đây một vài tháng để đáp ứng các mục tiêu về cắt giảm khí phát thải, đã quay lại thị trường khi lượng tích trữ ở mức thấp. Ấn Độ cũng đối mặt với tình thế khó khăn tương tự khi lượng dự trữ than đá sụt giảm.

Tại châu Âu, việc đóng cửa sớm các nhà máy điện hạt nhân và giá khí đốt tăng kỷ lục sẽ thúc đẩy việc sử dụng than đá. Giá than nhiệt đã cán những mốc cao kỷ lục mới ở châu Âu và tại Australia, giá than đá của Newcastle đã tăng lên 250% và tiến gần đến mức cao kỷ lục của năm 2008.

Cuộc khủng hoảng hiện nay đã cho thấy sự dịch chuyển sang các nguồn nhiên liệu thay thế có thể lâu hơn kỳ vọng và phức tạp hơn dự kiến. Vấn đề này cũng sẽ phủ bóng lên các cuộc trao đổi về biến đổi khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc, theo kế hoạch sẽ bắt đầu ở Glasgow, Anh ngày 31/10./.