Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Châu Âu ra sức thuyết phục Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân

Ảnh minh họa: pixabay.com

EU hối thúc Iran đảo ngược các hoạt động làm giàu uranium hiện nay và quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.

Hôm qua (9/7), các nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran gồm Đức, Pháp, Anh cùng đại diện Liên minh châu Âu (EU)  ra tuyên bố chung hối thúc Iran đảo ngược các hoạt động làm giàu uranium hiện nay và quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). EU đưa ra lời kêu gọi một ngày sau khi Iran xác nhận cấp độ làm giàu uranium của nước này đã vượt mức 4,5%, vượt xa mức cho phép theo thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện.

Tuyên bố chung của Ngoại trưởng 3 nước Đức, Pháp, Anh và Đại diện Cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini nêu rõ, Iran phải có các hành động phù hợp, đảo ngược các hoạt động vi phạm và trở lại tuân thủ Kế hoạch Hành động chung toàn diện một cách đầy đủ và ngay lập tức. Giới chức châu Âu cho rằng cần phải triệu tập khẩn cấp một cuộc họp của Ủy ban Hỗn hợp giám sát Kế hoạch Hành động chung toàn diện  bao gồm các bên ký kết thỏa thuận còn lại (Nga và Trung Quốc) sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hồi tháng 5/2018.

Phát biểu trước báo giới, bà Kocijancic, người phát ngôn Đại diện Cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini nêu rõ: “Chúng tôi đã kêu gọi Iran không có thêm các hành động làm suy yếu Thỏa thuận hạt nhân (2015). Chúng tôi cũng mong muốn Iran dừng lại và đảo ngược mọi hoạt động trái với Kế hoạch hành động chung toàn diện, trong đó có quy định làm giàu uranium ở cấp độ thấp như trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện”.

EU đã đưa ra lời kêu gọi này một ngày sau khi Iran xác nhận cấp độ làm giàu uranium của Iran đã vượt mức 4,5%, vượt xa mức cho phép theo thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện.

Vấn đề hạt nhân Iran trở nên căng thẳng đột ngột sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện  ngày 8/5/2018 và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran trong lĩnh vực xuất khẩu dầu. Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận, Iran vẫn giữ cam kết trong thỏa thuận với hy vọng các nước EU sẽ có cơ chế đặc thù để giúp Iran tiếp tục hoạt động thương mại với khối, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.

Tuy nhiên, việc EU không cung cấp cho Iran cơ chế thương mại tự do khả thi để giảm bớt hậu quả từ lệnh trừng phạt của Mỹ khiến Iran ngày càng ít mặn mà với thỏa thuận này. Đúng 1 năm sau, ngày 8/5/2019, Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố, Iran tạm dừng một phần cam kết về thỏa thuận hạt nhân và cho các bên tham gia thỏa thuận 2 tháng để quay trở lại thực hiện thỏa thuận.

Theo thỏa thuận này, để đổi lấy việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc và các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ và EU, Iran cam kết trong vòng 15 năm không làm giàu uranium vượt mức 3,67% và duy trì lượng uranium làm giàu dự trữ dưới 300 kg cũng như không xây dựng thêm các lò phản ứng nước nặng, không tích lũy nước nặng và không phát triển thiết bị nổ hạt nhân. Iran xác nhận cấp độ làm giàu urani đã trên mức 4,5%, vượt mức cho phép 3,67% trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện và điều này khiến các nước châu Âu, những nước đang cố cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử, không khỏi  quan ngại.

Nhận định về động thái gần đây của Iran, giới chuyên gia cho rằng Iran muốn gửi tới các nước châu Âu (ngoài Nga) tham gia Kế hoạch Hành động chung toàn diện  thông điệp rằng, tất cả các bên cần cùng nhau tuân thủ các cam kết và chống lại những biện pháp trừng phạt của Mỹ. Trên thực tế, những động thái gần đây của Iran phản ánh rõ nước này đang mất dần kiên nhẫn trước sự “bất lực” của các nước châu Âu trong việc kiềm chế những tổn hại từ các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ nhằm vào Iran hiện nay./.

Tổng hợp

Nguồn: vov.vn