Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Cựu thủ tướng Đức nói ông Putin muốn thương lượng với Ukraine

Ảnh minh họa: pixabay.com

Cựu thủ tướng Đức Schroeder cho hay Tổng thống Putin muốn tìm một giải pháp thông qua thương lượng cho xung đột ở Ukraine, bắt đầu bằng thỏa thuận ngũ cốc.

“Tin tốt là Điện Kremlin muốn một có một giải pháp thông qua đối thoại. Thành công đầu tiên là thỏa thuận ngũ cốc, có thể dần mở rộng thành thỏa thuận ngừng bắn”, cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroeder nói trong cuộc phỏng vấn hôm nay. Schroeder tiết lộ ông đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moskva tuần trước.

Nga và Ukraine tháng trước đạt thỏa thuận cho phép Kiev xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng ở Biển Đen. Chuyến tàu đầu tiên chở ngũ cốc Ukraine xuất khẩu ra thị trường thế giới theo thỏa thuận này đã xuất phát và đang trên đường tới Lebanon.

Ông Schroeder gợi ý Ukraine nên tìm giải pháp thay thế cho nguyện vọng gia nhập NATO, có thể bằng cách áp dụng mô hình quốc gia trung lập như Áo.

Tuy nhiên, ông cho rằng giải pháp cho các vấn đề quan trọng như bán đảo Crimea cần nhiều thời gian hơn, “có thể không phải 99 năm như Hong Kong, nhưng phải đến thế hệ tiếp theo”.

Tương lai vùng Donbass ở miền đông Ukraine cũng phức tạp hơn, theo cựu thủ tướng Đức. “Ukraine có thể cân nhắc quy chế bán tự trị cho vùng Donbass, giống các bang Thụy Sĩ”, ông nói.

Schroeder, 78 tuổi, thành viên đảng Dân chủ Xã hội (SPD), giữ chức thủ tướng Đức giai đoạn 1998-2005. Ông là bạn của Tổng thống Putin, đồng thời có mối liên hệ với các công ty Nga sau khi mãn nhiệm. Ông Schroeder cũng được cho là một trong số ít người có liên hệ trực tiếp với Tổng thống Nga và các quan chức hàng đầu Ukraine.

Hôm 19/5, quốc hội Đức tuyên bố tước đặc quyền của cựu thủ tướng Schroeder, trong bối cảnh dư luận phẫn nộ vì ông vẫn tiếp tục làm việc cho các công ty năng lượng Nga giữa xung đột Ukraine và từ chối lên án Tổng thống Putin.

Nghị viện Liên minh châu Âu cũng tuyên bố đưa ông vào danh sách trừng phạt nếu không từ chức thành viên hội đồng quản trị tập đoàn dầu khí Nga Rosneft. Ông rời Rosneft một ngày sau đó.

Đức Trung (Theo Reuters)

Nguồn: vnexpress.net