Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Buồn vui nghề luật sư cho người Việt tại Đức

Luật sư Tuấn Anh Delarber. Ảnh nhân vật cung cấp

Nhiều người Việt cứ tưởng luật sư có thể “cãi đen thành trắng”, trong khi nhiều người khác lại nhút nhát không dám mạnh dạn đòi lại quyền lợi của mình.

Pháp luật là một trong những nội dung quan trọng mà người Việt buộc phải hòa nhập khi sinh sống và làm việc tại Đức. Thời báo Việt Đức số tháng 5 xin “gõ cửa” Luật sư Tuấn Anh Delarber, hiện là luật sư tại Văn phòng Luật sư Delarber. Anh Tuấn Anh, một gương mặt quen thuộc với đông đảo bà con kiều bào tại Đức, sẽ chia sẻ những buồn vui xung quanh nghề làm luật sư, nơi hỗ trợ pháp lý cho người Việt trong nhiều năm qua.

Đối diện với hệ thống pháp lý rất phức tạp

+ Phóng viên: Xin chào anh, anh đến với nghề luật sư tại Đức và chọn người Việt là một trong những “khách hàng mục tiêu” vì đam mê hay vì một sự tình cờ, một cơ duyên nào đó?

. Anh Tuấn Anh: Tôi bắt đầu tiến hành giải quyết các vụ việc trước toà án vào khoảng tháng7-2012. Khi đó, tôi chưa được phép tư vấn luật, mà chỉ được phép nhận được sự uỷ quyền của nơi làm việc để thay mặt các luật sư chính thức, giải quyết các vụ việc liên quan đến pháp luật. Đến giữa 2014, sau khi tốt nghiệp văn bằng 2 ngành Luật (zweites juristisches Staatsexamen), tôi chính thức trở thành luật sư. Dù vậy, tôi chưa có ý định mở văn phòng luật riêng, vì nghĩ mình chưa đủ kiến thức luật. Hơn nữa, tôi lớn lên tại Đức, nên đại đa phần bạn bè đều là người Đức, và không có nhiều mối quan hệ với người Việt. Tôi quyết định làm việc cho nhà nước để tích luỹ kinh nghiệm và trau dồi thêm kiến thức. Trong thời gian đó, tôi “bén duyên” với việc tư vấn Luật cho những người Việt trong vùng và thấy rằng, cộng đồng người Việt mình còn cần rất nhiều sự giúp đỡ về mọi lĩnh vực, đặc biệt là về Luật Pháp, do tính chất phức tạp của ngôn ngữ cũng như chiều sâu về kiến thức Luật. Đa số những thân chủ người Việt tìm đến văn phòng luật sư của tôi là để nhận được sự tư vấn về việc xin cấp phép cư trú và giấy phép lao động hợp pháp tại nước sở tại.

+ Anh có thể nhận xét về đặc thù của hệ thống luật pháp Đức trong việc ban hành và thực thi các điều luật vào cuộc sống?

Luật pháp của Đức xuất phát từ luật cổ La Mã (romanisches Recht). Vì vậy, họ có một kiến thức về luật pháp từ hơn nghìn năm để lại. Họ luôn giữ và phát huy những kiến thức đã tích lũy trong suốt thời gian qua. Cái bất lợi ở đây là, luật Đức có quá nhiều. Chính điều này làm cho  những người dân Đức cũng không thể nắm vững hết luật. Những „rừng“ luật này làm cho hệ thống hành chính làm việc rất máy móc (bürokratisches Denken), không giải quyết nhanh chóng cho những người dân, làm cho người dân luôn cảm thấy mệt mỏi, ái ngại. Nhưng bên cạnh đó, cũng nhờ những điều luật và sự quản lý lẫn nhau trong các ban ngành chặt chẽ dẫn đến những quyết định của nhà nước cũng rất chặt chẽ, tránh các trường hợp thi hành không đúng luật, dù thi thoảng có những ngoại lệ không đáng kể. Ngoài những luật pháp chặt chẽ, luật Đức còn có bộ phận thi hành án rất tỉ mỉ, cẩn thận.

Lầm tưởng “luật sư là thần thánh”

+ Trong quá trình làm việc với người Việt tại Đức trong suốt thời gian ấy, theo anh người Việt thường vướng phải những khó khăn nào liên quan đến các vấn đề pháp luật?

. Phải nói thẳng, không có vụ việc nào giống vụ việc nào cả. Vì nếu có, điều này gây “nhàm chán” với công việc của một luật sư. Đối với cộng đồng người Việt thường hay gặp phải khó khăn về giấy tờ hợp pháp để định cư cũng như lao động ở tại Đức, và phần khai thuế. Điều đáng tiếc là, những lỗi thường xuyên mắc phải lại là những lỗi có thể tránh được. Chỉ vì không tìm hiểu kỹ, và người Việt thường hay mách nhau làm – chắc chắn không có sự cố ý – nhưng mà lại rỉ tai nhau những điều sai, dẫn đến khó khắc phục. Ngoài ra, khi có những giấy tờ văn bản cần được ký, người Việt mình lại không hiểu hết ý nghĩa của những văn bản, giấy tờ đó, tự đưa mình vào những bất lợi, khó khăn, mà khi có sự tư vấn của luật sư có thể tránh được. Từ những khó khăn nêu trên và sự thiếu kinh nghiệm trong cách thức làm việc, đặc biệt là khi làm việc không có văn bản giấy tờ, mà chỉ nói „miệng“ với nhau và „tin“ nhau là chính, dẫn đến những xung đột khó tránh khỏi, cần sự can thiệp của tòa án.

+ Khi làm việc với người Việt, anh đã gặp phải những khó khăn gì? Và cách giải quyết của anh ra sao?

. Khó khăn đầu tiên là bất đồng ngôn ngữ. Cùng là một văn bản tiếng Đức, nhưng thân chủ người Việt thường hiểu sai ý nghĩa của câu, dẫn đến hiểu sai cả văn bản. Thông thương, tôi thường thêm thời gian để giải thích kỹ hơn nội dung để cho họ hiểu. Tuy nhiên, cũng có một số những thân chủ không hỏi lại ý kiến của văn phòng luật kỹ lưỡng, đã tự ý giải quyết theo cách hiểu của mình, làm cho luật sư lúc đó bị đưa vào thế bí, và phát sinh thêm nhiều rắc rối không cần thiết. May sao, trong quá trình làm việc từ trước tới nay, những trường hợp nêu trên chỉ đếm trên đầu ngón tay và đa số những vụ việc này đều được giải quyết một cách êm xuôi.

Ngoài ra tôi gặp khó khăn về cách nhận thức một vụ việc. Lý do theo tôi là sự khác biệt về văn hoá và truyền thống giữa người Việt và người Đức. Có một số người Việt cho rằng, khi họ tìm đến luật sư, thì luật sư là nhân vật có thể „đổi trắng thay đen“ và có khả năng làm tất cả „mọi việc“ để có thể đạt được mục đích thân chủ. Tôi phải giải thích rằng tôi cũng chỉ là người dựa trên sự hiểu biết và nắm rõ về luật pháp để giải quyết một vụ việc, chứ không thể có uy quyền để thay đổi tất cả khi đã có luật pháp vạch ra rõ ràng.

Một số khác thì cho rằng, khi có mâu thuẫn với các ban ngành nhà nước, chính quyền, họ sẽ luôn luôn là người nhận phần thiệt thòi vì họ không có cơ hội cãi lại nhà nước, chính quyền. Vì vậy có nhiều trường hợp, người Việt mình âm thầm ôm lấy cái thiệt thòi. Tôi phải giải thích để các thân chủ có thể tự tin sử dụng dịch vụ pháp lý tìm lại công lý cho chính mình. Đa phần là các thân chủ hiểu ra vấn đề. Có một số ít, có thể họ lo sợ về phần rủi ro về phần mình, nên bỏ cuộc dù khả năng thắng kiện là rất cao.

+ Vụ án nào là kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với anh tính đến thời điểm này?

. Rất khó để kể ra vụ kiện tụng nào đáng nhớ nhất, vì vụ kiện nào cũng có đặc trưng làm mình khó quên. Một trong những số đó là “vụ việc đóng cửa tiệm với lý do thân chủ không đủ trình độ tiếng Đức” hồi hè năm 2016 tại miền nam nước Đức (vụ việc đã được đăng lên trang báo Đức cũng như trang Thời Báo Việt Đức – PV). Nói sơ lược, chính quyền thành phố ra quyết định rút giấy phép kinh doanh của một chủ quán ăn người Việt vì cho rằng người này không đủ trình độ tiếng Đức. Phía văn phòng luật sư Delarber đã đưa ra lý luận và viện dẫn các điều luật chứng minh quyết định của chính quyền là không thỏa đáng. Kết quả, toà án phán xử, quyết định của thành phố rút lại giấy phép kinh doanh của người chủ quán Việt là bất hợp pháp và phải cấp lại giấy phép cho người chủ này. Bài học ở đây là, quyết định của chính quyền không phải luôn luôn đúng mà cần có sự kiểm tra. Nếu cảm thấy mình gặp một quyết định sai trái do chính quyền áp đặt, đừng im lặng mà phải dũng cảm lên tiếng mới có cơ hội tìm lại công lý cho chính mình.

Anh Tuấn Anh Delarber sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Năm 1992, anh sang Đức theo dạng đoàn tụ gia đình. Sau 2004 tốt nghiệp cấp 3 (Abitur), anh đi nghĩa vụ quân sự tại Đức 1 năm. Anh Tuấn Anh chia sẻ: “Về ngành luật thì tôi đã có ý định theo học từ trước (khi lớp 9 phổ thông trung học). Sau này, tôi có ý định đi theo ngành cảnh sát hình sự nhưng sau một thời gian, tôi cảm thấy công việc này không phù hợp với mình, nên tôi đã quyết định đi theo ngành luật”. Sau khi xong nghĩa vụ quân sự, anh bắt đầu học đại học luật tại thành phố Heidelberg tiểu bang Baden-Württemberg vào tháng 9/2005. Anh đã từng làm việc cho Đại sứ Quán Đức tại Hà Nội cũng như cho Cơ quan phi lợi nhuận (Konrad-Adenauer-Stiftung) năm 2008; từng cùng phái đoàn của Tổng thư ký bộ đào tạo và giáo dục của Liên Bang Đức, ông Andreas Storm, tham dự các buổi làm việc với những cấp cao tại Việt Nam cũng như buổi khánh thành trường Đại Học Việt Đức (Vietnamese-German-University). Cuối 2015, sau 2 năm làm việc cho nhà nước, anh quyết định từ bỏ và tự mở văn phòng luật. Bắt đầu từ 01-06-2017, địa chỉ mới của văn phòng sẽ là: Rechtsanwaltskanzlei Delarber, Reislinger Straße 65, 38440 Wolfsburg, www.kanzlei-delarber.de. Văn phòng chuyên tư vấn và nhận sự uỷ quyền về các mảng pháp lý: Luật thuế, Luật công ty, Luật đầu tư và kinh doanh, Luật cư trú và tỵ nạn, Luật dân sự (hợp đồng mua bán, lao động, luật thuê nhà…), Luật bất động sản, Luật hôn nhân và gia đình, Luật hình sự.

Văn Hồng (thực hiện)