Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

30 năm bức tường Berlin sụp đổ (phần I)

Ảnh: Trung Hiếu

Bức tường ngăn cách Đông – Tây Berlin? Đề tài này đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực, phim ảnh, phân tích bình luận hơn nửa thế kỷ qua. Thế nhưng nó vẫn hấp dẫn, nói bao nhiêu, viết bao nhiêu cũng không đủ.

Bức tường Berlin sụp đổ đã làm thay đổi căn bản thế giới này, vì nó là cột mốc đánh dấu cuộc chiến tranh lạnh giữa hai phe kéo dài từ sau đại chiến II đã kết thúc, mở ra một kỷ nguyên mới trên phạm vi toàn thế giới với tốc độ chóng mặt.

Năm nay nước Đức kỷ niệm 30 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ, tạo điều kiện cho quá trình thống nhất và phát triển hùng cường như ngày nay. Để độc giả có thêm dữ liệu cho sự kiện rất quan trọng này, bài viết được chia thành 4 phần, đăng 4 kỳ để chúng ta vui chung với nước Đức.

Phần I

TÌNH HÌNH NƯỚC ĐỨC SAU ĐẠI CHIẾN

Ngông cuồng gây đại chiến thế giới lần thứ II, nước Đức bị đồng minh nghiến nát tháng 5 năm 1945. Hội nghị bốn cường quốc thắng cuộc gồm Anh, Pháp, Mỹ và Liên Xô được tổ chức tại Potsdam từ 17 tháng 7 đến 2 tháng 8 năm 1945 để bàn về tương lai nước Đức. Nội dung chính của hội nghị này dự định bàn về những việc rất quan trọng trong tình hình mới. Đó là làm thế nào để không xảy ra chiến tranh tàn khốc trong tương lai, thông qua Liên Hiệp Quốc thế giới chỉ giải quyết tranh chấp bằng đàm phán, thành lập một Ủy ban thanh tra việc quản lý nước Đức. Đó là tinh thần One World Politic của tổng thống Mỹ Roosevelt.

Nhưng tư tưởng của hai phe TBCN đứng đầu là Mỹ và XHCN đứng đầu là Liên Xô quá khác nhau (Liên Xô muốn bành trướng quyền lực sang phía tây, thành lập hệ thống XHCN chống phương Tây) nên họ chỉ còn thống nhất được mấy điểm cụ thể sau: Tước vũ khí quân đội Đức, quét sạch mọi mầm mống phát xít trên đất Đức, lập chế độ dân chủ trên đất nước này.
Sự nghi ngờ nhau giữa hai phe làm cho cả hai bên đều cảnh giác. Thủ tướng Anh Churchill gọi tình trạng trên là “bức màn sắt”. Khái niệm này tồn tại mãi đến khi chiến tranh lạnh kết thúc.

Hội nghị Potsdam quyết định chia nước Đức thành bốn phần. Miền đông nước Đức dưới sự cai quản của Liên Xô, miền tây do ba cường quốc Anh, Pháp, Mỹ chiếm đóng. Sau khi xác định không thể hợp tác được với nhau, hai phe quyết định thành lập hai nước Đức năm 1949: CHLB Đức gồm ba vùng chiếm đóng của Anh, Pháp, Mỹ theo mô hình phương Tây và CHDC Đức trên lãnh thổ Đông Đức do Liên Xô cai quản theo mô hình Xô Viết.

Đại chiến thế giới lần thứ hai đã cướp đi mạng sống của 60 triệu người, cả châu Âu là một đống hoang tàn. Khái niệm nước Đức không còn nữa, bởi vì họ bị chia cắt thành từng vùng, bị quân đồng minh điều tiết chứ không phải người Đức. Họ bị tước mất một phần ba lãnh thổ, 5 triệu ngôi nhà bị phá hủy, đói rét, không đủ thuốc men, nạn chợ đen, cơ sở công nghiệp bị tàn phá nặng nề. Người Đức gọi thời điểm này là “Stunde Null / Giờ số không”, tức là người ta phải làm lại từ đầu.

Một trong những sự kiện rất quan trọng ở miền tây là việc thực hiện “Kế hoạch Marshall”, sáng kiến của ngoại trưởng Mỹ hồi đó George Marshall. Để thực hiện kế hoạch này, họ đã đổ vào Tây Âu 14 tỷ đô la với khẩu hiệu “Tái thiết châu Âu”. Riêng Tây Đức được nhận 1,4 tỷ. Các nước khác ở Đông Âu cũng được Mỹ sẵn sàng cho vay nhưng bị Liên Xô cấm.

Tại sao lại có chương trình này? Có phải nước Mỹ tốt bụng muốn tái thiết châu Âu sau chiến tranh vì Mỹ rất giàu do bán vũ khí từ đại chiến thế giới thứ nhất? Các nhà sử học đều nhất trí rằng: Đáng lẽ Mỹ cũng như các đồng minh khác phải làm cho Đức kiệt quệ về mọi mặt để diệt mầm mống phát xít ở đất nước này. Nhưng chiến tranh lạnh và nguy cơ đối đầu với Liên Xô đã làm cho quan điểm của Mỹ thay đổi hoàn toàn. Mỹ cần một đồng minh mạnh và dân chủ để ngăn cản sự bành trướng của Liên Xô sang phía tây.

Ngày 20.6.1948 miền Tây Đức thực hiện cải cách tiền tệ, đồng D-Mark được đưa vào sử dụng thay cho đồng Reich- Mark mất giá. Mỗi người dân Tây Đức được nhận lúc đầu 40 DM. Ngay ngày hôm sau, hàng hóa đầy ắp trên giá bán, buôn lậu và chợ đen biến mất, khởi đầu tuyệt vời cho một thời kỳ hưng thịnh. Bộ trưởng bộ kinh tế Đức thời đó Ludwig Erhard mạnh dạn thực hiện “Kinh tế thị trường xã hội” và thành công rực rỡ. Chỉ 10 năm sau, cuộc sống của dân Tây Đức đã khác hẳn.

Còn ở miền Đông Đức, Liên Xô chỉ đạo lấy tư tưởng Marx – Lê Nin làm kim chỉ nam trong chính trị, quốc hữu hóa nhà băng, cải cách ruộng đất (tước ruộng đất của địa chủ chia cho nông dân), kinh tế kế hoạch, cải cách tiền tệ ngày 23.6.1948, chỉ 3 ngày sau khi Tây Đức đưa DM vào sử dụng. Tất cả những cải cách này không làm tằng mức sống của dân, họ vẫn phải thực hiện chính sách phân phối lương thực và không kiểm soát được chợ đen.

Một sự kiện không thể không nhắc đến trong thời kỳ này là việc phong tỏa Berlin. Vì Berlin nằm trọn trong lãnh thổ do Liên Xô kiểm soát nên họ muốn thôn tính luôn toàn Berlin, chứ không chấp nhận chi riêng phần Đông Berlin. Hai cuộc đổi tiền ở Tây và Đông diễn ra cách nhau có ba ngày, nên Liên Xô quyết định cho tiêu Mác Đông Đức không những ở miền đông mà toàn bộ Berlin.

Tây Berlin và các đồng minh kiên quyết khước từ nên bị Liên Xô bao vây cả đường bộ lẫn đường thủy, không cho tiếp tế thực phẩm, thuốc men để bắt đối phương chấp nhận. Tướng Mỹ Clay lập tức lập cầu tiếp tế hàng không cho Tây Berlin ngày 25.6. 1948. Trong mười một tháng cấm vận, Tây Đức và các nước đồng minh đã tiếp tế cho Tây Berlin 1,5 triệu tấn nhu yếu phẩm. Ngày 12 tháng 5 năm 1949 Liên Xô nhận thấy rằng, dùng biện pháp này thất bại và bị cả thế giới lên án, họ quyết định bỏ cấm vận. Đó là dấu hiệu đầu tiên người Đức biến Mỹ từ kẻ thù trong chiến tranh thành bạn.

Nguyễn Thế Tuyền (Berlin)

 Phần II: TÌNH HÌNH MIỀN ĐÔNG NƯỚC ĐỨC TRƯỚC KHI XÂY BỨC TƯỜNG