Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Văn hóa chọn biển số xe của người Việt và người Đức

Ảnh minh họa: Trung Hiếu

TBVĐ- Người Việt coi xe riêng như gia tài, là niềm tự hào, là “mặt mũi” để trưng ra xã hội. Vì thế, người Việt chọn biển số xe theo phong thuỷ, mong đem lại may mắn, tài lộc.

Người Đức coi xe riêng là phương tiện để di chuyển, là “căn phòng riêng” để trang trí theo đúng gu, là một sở thích của họ. Biển số xe của người Đức thường cho chúng ta thấy họ là ai, họ đến từ đâu.

Thế nào là biển số xe “đẹp” với người Việt?

Tìm hiểu trên nhiều trang mạng trực tuyến chuyên tư vấn về phong thuỷ cho thấy, biển số xe đẹp theo quan niệm Á Đông là phải có đủ “âm dương”, có lộc, có phát, có ý nghĩa. Quan trọng hơn nữa, biển số đẹp phải thể hiện được vị thế và đẳng cấp xã hội của người sở hữu xe.

Ở Việt Nam, „dân làm ăn“, kinh doanh buôn bán thường sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để săn đón, tìm mua biển số xe mà họ cho rằng sẽ mang đến may mắn và tài lộc. Ví dụ như biển số có cặp đôi 68, 86 hoặc 66, 88, vì những cặp đôi số này có số 6 đọc theo âm Hán – Việt là “lục” trùng với âm “lộc” và số 8 có âm đọc là “bát” trùng với “phát”.

Theo phong thuỷ, những con số này sẽ giúp cho công việc kinh doanh thuận lợi, phát đạt. Ngoài ra, các biển số tiến, từ nhỏ đến lớn, “hậu nở” có số cuối to hơn số trước cũng là những biển được nhiều người ưa thích.

Nhiều người còn cho rằng, biển số đẹp là số “nhất tứ quý, nhì đồng hoa”. Số tứ quý là một số lặp lại bốn lần, như số 1111 – tượng trưng cho đỉnh cao tối thượng, độc nhất, không ai sánh bằng. Biển tứ quý 6666 thì số 6 là gấp đôi của số 3 và như thế là điềm lành thuận lợi. Vì số 6 đồng âm với “lộc”, nên nó còn là biểu tượng của “lợi lộc”, là tiền lộc, vàng lộc. Hay biển tứ quý 9 (9999) xuất phát do trong tiếng Trung, số 9 đồng âm với từ “trường thọ, may mắn”, đại diện cho hạnh phúc, an lành và thuận lợi.

Sau khi ở Việt Nam cấp biển 5 số thay biển 4 số vào cuối năm 2010, điều này đối với dân “tầm biển” cũng tương đồng với “Ngũ linh” thay “Tứ quý”. Những biển ngũ quý (5 số lặp nhau từ 1 đến 9) sẽ giá trị cao hơn Tứ quý vì cứ 100.000 số mới có một số, và những dãy số này dân “tầm biển” gọi là “ngũ linh”.

Đổi từ biển 4 số lên 5 số, dân chơi xe cho rằng, khái niệm biển đẹp, biển chuẩn không thay đổi nhiều. Cụ thể, các số gánh, số lặp, biển tiến, biển phong thủy, biển có tổng điểm cao,… vẫn được thịnh hành và ưa chuộng. Những biển số xe lưu thông ngoài đường được cấp các số hiệu: tứ quý (7777, 8888, 9999), các số “gánh” (1221, 3993, 6776,…), số lặp (3434, 2525,…), số phát lộc (6886 – lộc phát phát lộc, 8668 – phát lộc lộc phát,…), số tiến,… thường sẽ chịu phí cao hơn nhiều lần so với phí đăng ký xe thông thường. Ở Đức, người Việt thường lấy thêm chữ cái đầu trong tên của con cái hay vợ chồng để đặt trước dãy số và thường cũng lựa chọn như đã nói trên.

Người Đức chọn biển số xe như thế nào?

Đối với người Đức, xe riêng trước tiên chỉ là phương tiện đi lại. Hiếm khi nó đại diện cho quyền lực hay đẳng cấp xã hội, càng ít thể hiện mức độ giàu có của chủ xe. Biển số xe tại Đức bao giờ cũng bắt đầu bằng chữ cái viết tắt của thành phố hoặc khu vực nơi chủ xe đăng kiểm, sau đó đến một hoặc hai chữ cái và dãy số – phần sau này chủ xe được quyền tự chọn.

Thông thường, các biển số tại Đức hay mang một chi tiết gì đó rất riêng về cuộc đời của người sở hữu xe, ví dụ như ngày tháng/năm sinh, đi kèm với chữ cái đầu của tên riêng, hoặc có thể là cả gia đình cùng lấy chữ cái đầu trong họ của mình cho giống nhau, nhưng dãy số sau lại khác nhau. Người Đức thường coi trọng những chữ cái đứng trước dãy số hơn là chính dãy số đó, đặc biệt là những chữ cái viết tắt tên riêng thành phố nơi họ sinh sống hoặc nơi “chôn nhau cắt rốn” của họ.

Giáo sư về ngành kinh tế và quản trị du lịch thuộc trường Đại học Heilbronn, ông Ralf Bochert, chia sẻ với báo ADAC trong số tháng 6-2018 rằng: “Giới trẻ đặc biệt rất muốn gắn kết chiếc xe riêng với thành phố quê hương họ”, vì thế biển xe đối với họ còn là biểu tượng chứa đựng rất nhiều cảm xúc, tình cảm riêng tư.

Nhiều người còn rất mong sẽ được sử dụng lại những biển xe cũ. Năm 2012, Hội đồng liên bang Đức (Bundesrat) đã thông qua luật và cho phép hơn 300 biển xe cũ được tái sử dụng bên cạnh những biển mới hiện nay, từ chữ viết tắt AIB cho Aibling đến ZZ cho Zeitz. Tổng cộng có hơn 700 kiểu kết hợp chữ cái đầu cho các địa điểm để làm biển xe. Giáo sư Ralf Bochert ước tính trên khắp nước Đức đã có khoảng ba triệu người sử dụng biển xe cũ và ngày càng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, kể từ năm 2015, chủ sở hữu xe còn được tiếp tục sử dụng biển xe kể cả chuyển đi nơi khác ở, không cần đăng kiểm lại. Nhiều người cuồng chơi biển số xe còn thích “suy diễn hài hước” từ những chữ cái viết tắt trên biển và đưa lên mạng, ví dụ như biển số AIC của Aichach thì “bị” đặt là “Alarm im Cockpit” – nghĩa là “báo động trong buồng lái”, hay DLG cho Dillingen lại “bị” gọi là “Deutschlands letzte Gegend” – nghĩa là “miền đất tận cùng nước Đức”, ERB (Erbach) được đặt là “Erste Rate bezahlt” – là “đã thanh toán xong quý đầu” … Thậm chí nhiều người còn thể hiện ác cảm của họ với các dân ở vùng khác, đặc biệt như xung đột giữa dân Đông-Tây Đức hay dân thành phố với nông thôn.

Cô Nina Wahn, chuyên gia tâm lý của hãng ADAC, giải thích rằng: “Khi điều khiển xe trên đường, chúng ta không hề biết gì về nhau, chỉ có biển xe là “tên riêng” duy nhất mà chúng ta thấy. Có lẽ vì thế nên mỗi lần bực mình với ai đó, chúng ta sẽ dùng biển xe suy diễn ra để đỡ bực.” Anh Georg Sonnenschein đã cùng bạn của mình sưu tầm được hơn 5000 cách suy diễn thành câu nói hài, vui nhộn cho các chữ cái đầu trên biển xe. Nếu thu thập được đủ 6000 biển xe, Sonnenschein sẽ được ghi vào sổ Guinness.

Cẩm Chi