Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Lời khuyên của chuyên gia Đức: Cách tính tiền tiêu vặt cho con

TBVĐ- Ở Đức, bố mẹ và con cái thường “đàm phán” về vấn đề tiền tiêu vặt (Taschengeld). Mỗi khi thêm một  tuổi, không ít cô cậu lại yêu cầu cha mẹ tăng ”tiêu chuẩn” vì nhu cầu cao hơn so với năm trước.

hands-1178784_960_720

Sau đây là một số vấn đề liên quan đến khoản tiền gần như tồn tại ở tất cả các gia đình có con đi học, được các chuyên gia ngân hàng và các nhà sư phạm bàn thảo:

Lý do cho con tiền tiêu vặt: Theo ý kiến của tiến sỹ Dr. Marcus Stück, giảng viên viện tâm lý của đại học TH leipzig, thông qua việc cho tiền Taschengeld, trẻ dần dần được làm quen với giá trị (thật) của đồng tiền, trực tiếp mua sắm và hiểu giá cả các nhu cầu như kẹo bánh, báo chí hay vé xem phim. Song song với việc này là tình trạng trẻ phải tự xếp đặt vị trí các nhu cầu để có thể sử dụng tiền hợp lý cho đến ngày nhận tiền tháng sau. Ngoài ra, chúng  còn  có được một sự độc lập tài chính nhất định và có quyền tự quyết định về số tiền của mình.

Tuổi bắt đầu được nhận tiền tiêu vặt: Sau 5 tuổi, trẻ có thể đã được nhận một khoản tiền nhỏ. Cho đến 10 tuổi, cha mẹ nên phát tiền tiêu vặt từng tuần, và sau độ tuổi này theo tháng. Điều các bậc phụ huynh nên lưu ý là nguyên tắc “trước sau như một“: Đã hứa thì cho, và chỉ cho đúng như khoản đã hứa, đúng hạn, không để con nhắc. Trong trường hợp quỹ gia đình gặp khó khăn dẫn đến việc không có tiền tiêu vặt, cần giải thích kỹ lưỡng cho trẻ hiểu.

Bao nhiêu thì đủ? Khi con nói rằng tiền tiêu vặt cha mẹ cho thấp hơn các bạn, phụ huynh nên trao đổi thông tin với các vị phụ huynh khác. Kinh nghiệm cho thấy quá ít hoặc quá nhiều tiền tiêu vặt đều có thể trở thành nguyên nhân để biến trẻ thành “loại đặc biệt không ai chơi“. Mặt khác, tiến sỹ Dr. Marcus Stück cũng khuyên rằng khoản tiền tiêu vặt phát cho trẻ hàng tháng cần phù hợp với tình trạng tài chính của gia đình, giao động trong khoảng từ 1 Euro (cho trẻ dưới 6 tuổi) đến 70 Euro (trên 18 tuổi). Cha mẹ cũng không nên hạ tiêu chuẩn tiêu vặt của con khi trẻ đi làm thêm (đưa báo,  dọn vệ sinh siêu thị…) hoặc được họ hàng cho tiền hoặc quà.

Mục đích sử dụng: Đã cho con tiền, cha mẹ không nên bắt buộc hay quy định  chúng tiêu vào việc gì mà để cho chúng toàn quyền quyết định. Tuy vậy cũng nên quan sát và nói chuyện với con cái về những điều nên hay không nên. Một trong những vấn đề hay tranh cãi là chi phí liên lạc, nhất là tiền gọi điện thoại. 64 % thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 13 ở Đức có điện thoại di động riêng. Việc thanh toán chi phí điện thoại này thuộc về cha mẹ hay con, phụ thuộc vào quyết định ban đầu của cha mẹ và sự thỏa thuận giữa hai bên. Người ta cũng khuyên nên mua cho trẻ các loại thẻ trả tiền trước (Prepaid Karte) để trẻ tự quản lý tài khoản điện thoại.

Chi tiết thú vị: là 22 % trẻ em “bỏ lợn“ toàn bộ số tiền tiêu vặt của mình và chỉ có 16 % tiêu hết toàn bộ, không để dành một cent nào. Tính ra, cứ 100 trẻ em, thì có 22 tiết kiệm triệt để và 16 tiêu cháy túi. Nghĩa là số trẻ em tiết kiệm triệt để và số tiêu cháy túi gần tương đương, có thể bù trừ nhau. Các bậc cha mẹ nên để ý xem con mình thuộc nhóm nào?

Để khuyến khích tính tiết kiệm, có thể mở cho trẻ một tài khoản miễn phí và động viên chúng lên danh sách những thứ muốn có nhưng chưa có tiền để chúng đặt mục tiêu tiết kiệm.

Hoài Nam