Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Thế khó của Đức và EU

Hình minh họa: pixabay.com

Tiến trình thành lập Chính phủ liên minh tại Berlin không chỉ là mối quan tâm của người dân Đức, mà còn nhận được sự theo dõi sát sao từ phía EU.

Sau những khó khăn ban đầu, mới đây, Berlin đã tiến gần hơn tới việc thành lập Chính phủ khi Thủ tướng Angela Merkel đạt được thoả thuận với các đại diện thuộc đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD).

Tuy nhiên, bước đột phá đó chỉ là giai đoạn đầu của một quá trình dài. Cuộc bỏ phiếu vào ngày 21/1 tới có thể sẽ quyết định sự tham gia của SPD vào liên minh cầm quyền. Chủ tịch Martin Schulz sẽ phải thuyết phục các đảng viên SPD thành lập một Chính phủ khác với Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU), ngay cả khi họ từng thề sẽ không bao giờ làm như vậy.

Nếu kế hoạch này đổ bể, bà Merkel chỉ có thể lựa chọn thành lập một Chính phủ thiểu số với một đảng khác, hoặc tổ chức một cuộc bầu cử mới. Dĩ nhiên, đây chưa bao giờ là điều mà vị Thủ tướng này mong muốn.

Ở thời điểm hiện tại, mặc dù vẫn giành được nhiều sự ủng hộ để tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4, nhưng vị thế của bà Merkel đã không còn như trước. Ở tuổi 63, sau 16 năm đứng đầu nước Đức, bà đại diện cho một thế hệ lãnh đạo có quyền lực dần suy yếu. Tiếng nói của giới lãnh đạo Đức đang bị nhiều cử tri phớt lờ, còn phong cách điều hành mạnh mẽ, nhưng khéo léo của bà Merkel vẫn chưa thể tìm ra người tiếp nối.

Thêm vào đó, mong muốn thúc đẩy phát triển “chậm mà chắc” của họ đang bị đẩy lùi bởi lợi ích của nhiều ý tưởng mới táo bạo từ cả phe cánh tả lẫn cánh hữu. Do đó, trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9, một bộ phận không nhỏ người dân Đức, gồm nhiều cử tri trẻ tuổi, đã đổ xô đi bỏ phiếu cho các đảng nhỏ, đặc biệt là đảng Sự Lựa chọn vì nước Đức (AfD), Đảng Dân chủ Tự do (FDP), đảng Xanh và phe cánh tả.

Ngay cả khi các cuộc đàm phán với các đảng nhỏ diễn ra thành công, “liên minh” mới cũng sẽ tồn tại nhiều vấn đề tranh cãi về giải quyết khủng hoảng người tị nạn, cải cách EU và tài trợ mạng lưới an sinh xã hội Đức. Ngoài CDU/CSU và SPD, cả ba đảng còn lại đều có lập trường vô cùng khác biệt về các vấn đề trên và chưa thể tìm kiếm được thỏa thuận chung. Điều đó đồng nghĩa với việc liên minh của CDU/CSU với các đảng nhỏ hơn sẽ khó đồng lòng để tạo ra những bước tiến lớn rõ rệt.

Đây là tin xấu cho nước Đức, mà còn với cả châu Âu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hiện đang đẩy mạnh cải cách quy mô lớn để tăng cường sự thống nhất EU trong các vấn đề như di cư và quốc phòng, cũng như tạo ra các cơ chế chính sách tài khóa và tiền tệ cho toàn bộ Eurozone. Tuy nhiên, đề xuất cải tổ này khó có thể thành công nếu thiếu đi sự hỗ trợ của Đức. Mặt khác, cả ông Macron và bà Merkel đều đang chịu áp lực phải chứng minh giá trị của EU với cử tri khi đối mặt với sự nổi dậy của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu.

Liệu bàn tay của bà Merkel còn đủ vững chắc để nắm bắt mọi thứ? Năm 2018 có thể là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp chính trị của bà Merkel và nước Đức nói riêng, cũng như vận mệnh của EU nói chung.

Thu Trang (theo Daily Intelligencer)

Nguồn: Thế giới & Việt Nam