Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Phản ứng của bà Merkel khi được hỏi ‘có tặng áo quần cho bảo tàng’

Ảnh minh hoạ: pixabay.com

Nữ thủ tướng Đức khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào chính trường trong cuộc phỏng vấn với tờ Sueddeutsche Zeitung. Bà cũng tinh tế trả lời khi được hỏi về số quần áo sặc sỡ đã dùng trong 16 năm qua.

“Tôi sẽ không tặng áo quần cho bảo tàng”, bà Merkel đáp câu hỏi của tờ Sueddeutsche Zeitung trong cuộc phỏng vấn đăng ngày 23-10. Nữ thủ tướng 67 tuổi cũng chia sẻ dự định của bà là quyên góp số quần áo này cho các điểm thu quần áo đã qua sử dụng.

Hãng tin Reuters bình luận câu trả lời của bà Merkel là rất tinh tế và cho rằng sẽ chẳng có câu hỏi liên quan áo quần nào được đặt ra cho một lãnh đạo sắp mãn nhiệm nếu họ là nam giới.

Điều đó cho thấy tâm lý không xem trọng nữ giới trong chính trường vẫn còn chiếm lĩnh tâm trí số đông và đó cũng là điều mà nữ thủ tướng đầu tiên của Đức trăn trở. 

“Chúng ta vẫn chưa làm đủ để thu hút phụ nữ tham gia chính trường. Nhìn chung vẫn cần phải làm nhiều việc hơn để giúp phụ nữ cảm thấy tự tin”, bà Merkel nêu suy nghĩ.

Dù là một trong những phụ nữ hiếm hoi thuộc lớp lãnh đạo của đảng bảo thủ Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU), bà Merkel đã tránh tự nhận mình là một người đấu tranh cho nữ quyền trong hơn 10 năm đầu làm thủ tướng. 

Tuy nhiên vào năm 2018, bà công khai thúc giục CDU làm nhiều hơn để thu hút phụ nữ tham gia CDU và cảnh báo nếu không làm điều này, CDU có thể mất vị thế là một trong những đảng lớn của Đức.

CDU đã có màn trình diễn tồi tệ nhất trong hàng chục năm tồn tại trong cuộc bầu cử tháng 9 vừa qua và có nguy cơ trở thành đảng đối lập trong chính quyền sắp tới.

Theo Reuters, dù quá trình đàm phán vẫn chưa kết thúc, nhiều khả năng ông Olaf Scholz của Đảng Dân chủ xã hội (SPD) sẽ trở thành thủ tướng mới thay cho ứng viên của CDU được bà Merkel ủng hộ.

Khi được hỏi liệu có thể an giấc khi một ứng viên của SPD trong dinh thủ tướng, bà Merkel hồi đáp: “Rõ ràng là giữa chúng tôi có khá nhiều sự khác biệt chính trị, nhưng tôi đảm bảo mình có thể ngủ yên giấc”.

Nhà lãnh đạo kỳ cựu của nước Đức cũng chia sẻ về cách xử lý dịch COVID-19, điều mà bà cho là đã khiến con người khoa học và con người chính trị trong bà đấu tranh với nhau. 

Ví dụ vào năm ngoái, bà Merkel muốn áp đặt lệnh phong tỏa như một biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Tuy nhiên bà phải đợi cho đến khi số ca nhiễm tăng lên để quyết định có thể khả thi về mặt chính trị. 

“Chính trị là vậy: chúng ta cần sự ủng hộ đa số cho các quyết định của mình”, nữ thủ tướng có bằng tiến sĩ hóa học tâm sự.

Theo Bảo Duy / tuoitre.vn