Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Ở “vương quốc bia” Đức, ép nhau uống là hành động đáng “khinh bỉ”

Ảnh minh họa: Bảo Quốc

Ở Đức, bia rẻ như nước lọc. Đồ uống có cồn xuất hiện mọi nơi và hợp pháp. Tuy nhiên, chẳng mấy khi người ta nhìn thấy những người say xỉn đến độ đánh nhau hay o ép nhau thi tửu lượng.

Đức xưa nay nổi tiếng là “vương quốc bia”, bia trở thành biểu tượng văn hoá và thương hiệu tầm cỡ thế giới của Đức. Đối với người dân nước này, bia không chỉ là thức uống lúc rảnh rỗi mà họ còn coi đây là “nước giải khát” trong cuộc sống hàng ngày.

Thống kê cho thấy có tới 78% người dân Đức chọn thưởng thức bia ở các quán nhỏ, bình dân thay vì nhà hàng và các quán bar.

Dù bia phổ biến, thậm chí được coi như thức uống hàng ngày như vậy nhưng nét văn hoá và “những luật ngầm” trong cách uống bia của người Đức thật sự khiến thế giới phải ngả mũ kính phục.

Đầu tiên, đừng bao giờ cho đá vào một cốc bia

Không phải tự nhiên bia Đức lại trở thành thương hiệu và nổi tiếng khắp thế giới. Đất nước này nổi tiếng với luật tinh khiết (Reinheitsgebot), nghiêm cấm mọi hình thức cho hóa chất vào bia, bia nguyên chất chỉ được làm từ nước, ngũ cốc (đại mạch), hoa bia và men.

Đây là đạo luật cổ nhất, tốt nhất và mang tính nhân loại cao nhất của lịch sử loài người trong ngành chế biến thực phẩm tính cho đến nay. Luật được thi hành rất nghiêm khắc, vì thế, bia Đức được đánh giá là bia sạch và tinh khiết trên thế giới.

Tất nhiên, người ta cũng không cho đá vào bia như chúng ta thương làm, thay vào đó, thương thức từ từ một cốc bia ướp lạnh sẽ thú vị và đậm đà hơn nhiều.

Bia như nước giải khát, không có chuyện o ép

Người Đức quan niệm bia là loại đồ uống gần như thiết yếu, không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Họ uống bia ở khắp mọi nơi, trong những bữa tiệc, buổi gặp mặt bạn bè, sau giờ làm việc…

Chính sự phổ biến này khiến mọi người đều coi việc thưởng thức bia hết sức bình thường và không có sự ép buộc hay gượng ép. Thậm chí, việc thách thức hoặc ép nhau uống bia bị xem là hành động “đáng khinh”.

Uống hết mình và sau đó vẫy taxi đi về

Tại Đức, có thể dễ dàng bắt gặp cảnh dân văn phòng tụ tập trong những quán bình dân cùng nhau uống bia và trò chuyện sau giờ làm. Công nhân uống bia vào giờ ăn trưa và thậm chí ngay cả khi đang làm việc.

Nhìn chung ở Đức, bất kỳ ai cũng có thể uống bia thoải mái miễn là không say xỉn dẫn đến việc không kiểm soát được những hành động của mình.

Một trong những đặc trưng góp phần tạo nên văn hóa bia tại Đức là có thể uống đến say và sau đó vẫy taxi về nhà chứ hiếm khi lái xe trong tình trạng thiếu tỉnh táo.

Một điểm thú vị đó là trong khi luật pháp Đức quy định 16 tuổi đã có thể uống bia thì tuổi hợp pháp để lấy được bằng lái xe là 18. Chính vì vậy vấn đề an toàn sau khi uống rượu bia chủ yếu dựa vào ý thức, trách nhiệm của chính bản thân từng người dân.

Khó có thể nhìn thấy hình ảnh vỏ lon bia vứt bừa bãi tại Đức

Hiện tại, lượng tiêu thụ bia trên đầu người của Đức nhiều thứ 3 thế giới. Người dân có thể dễ dàng mua bia tại các cửa hàng tạp hoá, nhà ga hoặc thậm chí là quầy báo. Mọi người uống bia ở khắp mọi nơi từ quán cà phê, nhà hàng, công viên, trên đường phố và thậm chí trên phương tiện công cộng.

Tuy nhiên nổi tiếng là đất nước có môi trường thân thiện và sạch sẽ bậc nhất thế giới, người Đức đã nghĩ ra cách thức rất hiệu quả để tránh việc vất vỏ bia bừa bãi. Theo đó, với mỗi lon hoặc chai bia bất kỳ được mua đều có một khoản tiền ký gửi. Thông thường chai nhựa phải đặt cọc 25 cent và chai thuỷ tinh là 8 xu.

Chính vì vậy, người dân Đức luôn có ý thức rất cao về việc gom vỏ lon hoặc chai bia đã mua để trả lại cửa hàng và lấy về khoản tiền đặt cọc. Việc này không chỉ tiết kiệm mà còn tránh gây ảnh hưởng tới môi trường công cộng.

Theo Phương Linh / Tri Thức Trẻ