Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Những „bông hoa nhỏ“ người Việt trên nước Đức

Bé Khánh Ly. Ảnh: Nhân vật cung cấp

TBVĐ- Các em tuy còn rất nhỏ tuổi nhưng học rất giỏi và chăm ngoan, đạt được nhiều thành tích rất đáng khen ngợi và tự hào cho cộng đồng người Việt tại Đức.

Tháng 6 về, trẻ em khắp nơi trên thế giới lại háo hức. „Quốc tế thiếu nhi“ nhắc nhở người lớn phải nhìn lại những đứa trẻ của họ, và trách nhiệm của họ với thế hệ tương lai. Angela Schwindt nói rằng: “Trong khi chúng ta cố gắng để dạy trẻ em của chúng ta tất cả về cuộc sống, bọn trẻ lại dạy chúng ta ý nghĩa cuộc sống là gì”. Phóng viên Thời Báo Việt Đức đã có cuộc gặp gỡ những trẻ em người Việt Nam thế hệ thứ 2 trên nước Đức, những gương điển hình của tuổi trẻ Việt Nam tại trời Âu, để chuyển tải đến quý độc giả những „ý nghĩa cuộc sống“ thật giản đơn nhưng vô cùng nhân văn.

Cậu bé 14 tuổi „văn võ song toàn“

Đó là bé Nguyễn Minh Quân (13 tuổi), hiện đang sống tại thành phố Aue, tiểu bang Sachsen. Em Quân đang học lớp 8 tại trường Clemens-Winkler-Gymnasium Aue. Minh Quân là cậu bé người gốc Việt „giàu thành tích“ so với bạn bè cùng trang lứa, tiêu biểu là một số các giải nhất và giải nhì trong các kỳ thi Olympia Toán học và tiếng Đức. Đặc biệt, em Quân đã nhiều lần là quán quân môn múa quyền/kỹ thuật Taekwondo, trong đó hai lần quán quân trong cuộc thi kỹ thuật Taekwondo toàn liên bang dành cho các em độ tuổi 11-14. Năm 2012, Minh Quân tham gia Hiệp hội Taekwondo của Aue, đã lên đai đỏ và hiện thường trợ giúp các bạn nhỏ khác tập võ.
Chia sẻ với chúng tôi, em Quân cho biết Tin học và Hóa học là hai môn em yêu thích nhất. „Con không biết rõ tại sao, nhưng con cảm thấy những đề tài của hai môn này đều rất thú vị, mỗi lúc học giống như bước vào một thế giới khác, rất lôi cuốn con. Nếu ngày nào cũng học hai môn này con cũng chịu“, Minh Quân nói. Tuy nhiên theo chúng tôi biết, ngoài Tin học và Hóa học thì Minh Quân còn rất giỏi Toán, Lý, Ngoại ngữ và cả những môn năng khiếu như âm nhạc và hội họa, đều đạt điểm giỏi, thậm chí xuất sắc.

Dù lớn lên trong gia đình Việt Nam, ba mẹ đều là người Việt nhưng Minh Quân không xem đó là khó khăn trong việc hòa nhập với môi trường học tập tại Đức. Ngược lại, thầy cô và bạn bè đều khen ngợi Minh Quân hòa nhập rất tốt. Đặc biệt trong các chương trình như Roboschool, đi giao lưu với các trường khác, hoặc các ngày lễ hội ở trường, Minh Quân luôn nhận được những lời khen ngợi. Cô giáo của Minh Quân đánh giá cao khả năng nắm bắt bài vở của em, đặc biệt Minh Quân có trí nhớ rất tốt, bất kể là câu chữ trong sách vở hay những câu chuyện bên lề để làm rõ nội dung bài giảng.
Chúng tôi tỏ ý tò mò „có bao giờ con gặp khó khăn trong việc học tập không và con sẽ xứ trí ra sao?“, Minh Quân bình thản đáp: „Thường thì trong việc học, có gì chưa hiểu thì con lên mạng thử tra cứu hoặc đến thư viện tìm sách đọc thêm. Nếu vẫn chưa ra đáp án, con gặp thầy cô giáo, trao đổi thêm với bạn bè hoặc với một số anh chị lớn ở trường. Còn những khó khăn trong cuộc sống như bạn bè không hiểu nhau hoặc có lúc con buồn chuyện gì con đợi lúc buổi chiều hay tối ăn cơm sẽ nói chuyện với bố mẹ“.

Bé Minh Quân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Có lần Minh Quân và các bạn được cô giáo giao bài tập là phải sưu tầm ảnh một số tác phẩm nổi tiếng như tranh vẽ, tượng điêu khắc hay công trình kiến trúc v.v…, nhưng không được in từ trên mạng Internet hoặc từ sách nào ra, có thể nói là phải chụp lại trực tiếp tác phẩm đó. Có bạn trong lớp của em Quân còn cùng gia đình sang tận Paris để chụp ảnh. Minh Quân đề nghị với bố mẹ đưa em đi thăm quan các viện bảo tàng nghệ thuật tại Leipzig, Dresden để em chụp ảnh. „Đi đường thấy các bức tượng con đều chụp lại, cả các tòa nhà nổi tiếng như Nhà ga Leipzig, rồi con lên mạng tìm thêm thông tin về tác giả, ý tưởng… để hoàn thành bài tập tốt nhất có thể“, Minh Quân kể.
Cậu bé „văn võ song toàn“ ở nhà là một đứa con rất ngoan. Ngoài giờ học em cùng em gái giúp đỡ bố mẹ việc nhà, từ việc dọn bàn, lau rửa bát, đến việc tự dọn và hút bụi phòng ở. Cậu bé cũng không giấu những bài học rất „cụ non“ mà mình học từ bố mẹ: Một là không nên hút thuốc, hai là không uống rượu và ba là tiền không quan trọng, nhưng tiền rất cần thiết trong cuộc sống. Và học gì cũng được, làm gì cũng được, nhưng phải tự tay mình làm ra tiền. „Ước mơ của con là sau này học về ngành khảo cổ hoặc tin học, vì con rất thích tìm tòi, khám phá. Con cũng thích làm thầy giáo, nhưng con sợ, con sẽ trở thành thầy giáo rất nghiêm khắc và thích phạt học sinh“, Minh Quân vui vẻ chia sẻ ước mơ của mình.

„Tôi chú trọng việc dạy con tính tự lập và thương yêu đồng bào“
Trao đổi với Thời báo Việt Đức, ba mẹ của Minh Quân cho biết gia đình rất chú trọng đến việc dạy học tiếng Việt cho các con. „Có lẽ phương pháp đơn giản nhất là tôi luôn nói chuyện với con, nói rất nhiều. Ở nhà, chúng tôi không dùng tiếng Đức, mà chỉ nói tiếng Việt. Tôi cũng không bao giờ dùng cả hai thứ tiếng lẫn lộn trong một câu và luôn nhắc các cháu điều này“, chị Cẩm Chi, mẹ em Minh Quân nói.
Ngoài ra, ba mẹ Minh Quân còn chủ động dạy con tính tự lập. „Chúng tôi thì hay cố tình “lờ” và cố tình sai con làm thật nhiều, nghĩa là thay vì mình cứ chăm chăm quan sát con mặc quần áo hay rửa bát thế nào, rồi lo sợ con làm sai, làm hỏng, thì chúng tôi coi việc cháu phải làm đó là lẽ đương nhiên, hỏng hóc đều có thể thay thế, sửa lại“, bố của Minh Quân chia sẻ. Bố mẹ Minh Quân còn chia sẻ họ luôn dạy con thương yêu đồng bào, nhất là người Việt. Trong những cuộc trò chuyện, họ vẫn kể với con về khó khăn của rất nhiều người phải rời bỏ Việt Nam sang Đức vì con đường mưu sinh. „Tôi tiếp xúc với con bằng cách mở lòng mình trước, không giấu diếm những khó khăn hay lo lắng, thậm chí trong gia đình gặp chuyện gì chúng tôi cũng đều bàn với con cái, mặc dù quyết định cuối cùng vẫn ở mình, nhưng con luôn cảm thấy cũng có trách nhiệm“, mẹ của Minh Quân nói.

Cô bé „toán học“ cá tính

Bé Khánh Ly. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chúng tôi tiếp tục tìm đến gia đình của bé Trần Ngọc Khánh Ly (11 tuổi), sinh sống tại thành phố Duisburg, miền Tây nước Đức, học sinh lớp 4 trường Mozartschule. Gần đây, Khánh Ly xuất sắc đạt giải nhất kì thi toán Känguru toàn nước Đức. Cô giáo của Khánh Ly cho hay em là học sinh duy nhất đem giải về cho trường năm nay mà lại là giải nhất. Gia đình Khánh Ly kể rằng cháu vui đến nỗi chẳng cần một thứ quà gì khác. „Khi cô giáo công bố con được giải nhất, trước tiên con thấy vui lắm. Sau đó con cũng cảm thấy sao sao khi con nhìn thấy các bạn khác buồn. Nhưng cô giáo nói điều quan trọng là các bạn đã cùng tham gia. Bây giờ thì con vẫn cảm thấy vui và con nghĩ là con sẽ cố gắng thử sức mình ở các kì thi Känguru cũng như Olympic những năm tiếp theo“, Khánh Ly nói với chúng tôi bằng giọng nói tiếng Việt rất dịu dàng tuy có hơi lơ lớ.

Chia sẻ về sở thích và ước mơ của mình, Khánh Ly nói: “Con thích nhất là môn toán và tiếng Anh. Khi học các môn ấy thì con thấy vui thích lắm. Bên cạnh đó, con thấy mình cũng có năng khiếu học toán và ngữ pháp tiếng Đức“. Gia đình và cô giáo Khánh Ly cho biết thêm cháu còn có thể học tốt môn vẽ, có khả năng tập trung tốt và đôi tay khéo léo. Cháu rất tích cực tham gia các giờ học ngoại khóa nữ công gia chánh ở trường, như nướng bánh, đan lát, thêu thùa, may vá, xâu vòng. Những hoạt động này, ở nhà cha mẹ cũng rất khuyến khích em. Đặc biệt mỗi lần đi siêu thị, em đòi mua cuốn thiết kế thời trang là thường được đáp ứng ngay. Cha mẹ Khánh Ly cho hay, những hoạt động này giúp cho đôi tay khéo léo, tăng độ tập trung. Ngoài trí thông minh thì sự tập trung rất quan trọng với bất cứ môn học nào.
Ngoài thời gian học ở trường, dù „nhỏ xíu“ tuổi nhưng Khánh Ly biết giúp bố mẹ nấu ăn hay làm việc nhà và dạy bảo em gái. Những lời chia sẻ thật lòng từ Khánh Ly, như là phần thưởng vô giá dành cho các bậc cha mẹ, những người nỗ lực vì sự nghiệp gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa dân tộc: „Cuối tuần mẹ dạy con học tiếng Việt với các bạn Việt Nam. Học hát, học nhảy, học nói tiếng Việt thì con thích, không có áp lực gì. Nhưng học đọc tiếng Việt con thấy không vui lắm đâu. Nhưng con vẫn phải học vì lúc lớn lên con cũng thích biết đọc tiếng Việt. Ví dụ khi con đi du lịch ở Việt Nam thì con phải đọc cái gì đó, hay là lúc con thích đọc truyện cho các con của con. Việc học múa hát và biểu diễn trong các lễ hội của người Việt thì con vui lắm. Con thấy vui nhất là khi con có các bạn học cùng“.

Khi chúng tôi hỏi „Cháu học được gì từ bố mẹ và chị em của mình?“, Khánh Ly hồn nhiên bộc bạch: „Nếu con không có chị và em thì con không có ai để chơi cùng, con cũng không có cơ hội luyện nói tiếng Đức tốt được. Nếu con không có bố mẹ thì con cũng không học tốt môn toán và tiếng Anh và nhiều thứ khác, vì bố mẹ luôn cổ vũ và giúp con. Lúc trước con cứ tưởng khi lớn lên con sẽ đi làm và có tiền, con chỉ nghĩ đơn giản thế thôi. Nhưng khi bố mẹ giảng giải cho con biết cần phải phấn đấu thế nào để có được việc làm, cần phải chăm chỉ học từ nhỏ, vì thế con càng thích chăm học hơn“.

Khánh Ly sắp tới sẽ vào học ở trường Landfermann Gymnasium tên tuổi của thành phố Duisburg và con đã được chọn vào lớp học song ngữ. Mẹ của Khánh Ly chia sẻ: “Không biết có phải để làm mẹ vui không mà con vẫn thường mơ ước sẽ trở thành dược sĩ giống như mẹ. Thật bất ngờ khi con trả lời trước nhà báo rằng con thích làm bác sĩ vì thích cứu giúp nhiều người. Thực ra ước mơ này của con cũng làm tôi thực sự vui„. Khánh Ly tâm sự tiếp: “Để trở thành bác sĩ, từ bây giờ con phải chăm chỉ học và rất tập trung. Làm bác sĩ không chỉ cần giỏi mà phải có tính cẩn thận nữa“.

Văn Hồng (thực hiện)

Từ trái tim tới trái tim
Phụ huynh của em Khánh Ly chia sẻ, ở nước Đức, nhà trường và xã hội góp phần dạy dỗ và hình thành nhân cách cho các em bé rất nhiều. Nhưng gia đình chính là cái nôi để nuôi dưỡng và chắp cánh giúp đứa trẻ hoàn thiện nhất về tâm hồn và nhân cách. Trẻ con như tờ giấy trắng, gia đình và xã hội chính là những người cầm bút vẽ lên trang giấy đó. Kiến thức học đường đương nhiên là vô cùng quan trọng nhưng mà thứ còn quan trọng hơn đó chính là con người biết biến các kiến thức ấy áp dụng vào cuộc sống của mình và xung quanh mình. Thế nên việc rèn cho con tính tự lập được vợ chồng mình rất đề cao. Động viên và rèn cho con tham gia các kì thi ví dụ như kì thi Toán Känguru toàn quốc vừa qua, đối với con và vợ chồng mình, nó không phải là một cuộc leo đỉnh khó khăn, mà mình biến nó thành cuộc chạy đua marathon, bền bỉ, nhẹ nhàng, nhưng là luyện đều đặn. Khi vượt qua một ngọn núi như một kì thi chẳng hạn là cách để con người ta học để vượt qua khó khăn trong cuộc đời mình. Nuôi và dạy các con, mình thấy quan trọng nhất là dành thời gian để lắng nghe và chia sẻ cùng các con thường xuyên. Và đặc biệt không làm thay con mà là cùng con làm, rồi tiến tới để con tự làm. Ngôn ngữ chính là cầu nối từ trái tim tới trái tim, vì thế, việc giữ tiếng Việt cho con là điều mong mỏi của không ít cha mẹ.