Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Lời phát biểu chào mừng của Ngoại trưởng Sigmar Gabriel nhân kỷ niệm Ngày Tái thống nhất nước Đức 03.10.2017

Ảnh minh họa: pixabay.com

Cách đây gần ba thập kỷ chúng ta đã vui mừng khi đạt được sự tái thống nhất nước Đức và vượt qua được sự chia rẽ Đông Tây ở Châu Âu. Hồi ức về sự kiện này đã làm lay động người dân trên toàn thế giới cho tới tận hôm nay. Với sự biết ơn sâu sắc, chúng ta cùng nhìn lại cơ hội lịch sử này và nhớ đến những nhà chính trị gia đã đặt nền tảng cho sự tái thống nhất thời đó: Willy Brandt và Helmut Kohl, người đã qua đời trong năm nay.

Trước thời điểm này là những năm áp dụng chính sách hòa dịu của vị Thủ tướng khi đó, Willy Brandt. Bất chấp các đối lập giữa các hệ thống chính trị, chính sách này đã giúp đạt được sự chuyển biến thông qua tiếp cận. Nỗ lực của nước Đức trong tiến trình hội nhập Châu Âu, hòa giải với các nước láng giềng và quay lưng lại với chủ nghĩa quốc gia dân tộc đã tạo tiền đề cho sự thống nhất nước Đức.

Kể từ khi tái thống nhất nước Đức và làn sóng dân chủ, pháp quyền vươn tới nhiều quốc gia trên thế giới, ngày nay chúng ta đang sống trong thời kỳ mà sự đối lập về lợi ích lại hiển hiện rõ nét hơn. Các thách thức mang tính toàn cầu đã tiếp tục gia tăng trong những năm vừa qua: Các xung đột địa chính trị, khủng bố, làn sóng nhập cư và tị nạn, sự nghèo đói cũng như tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng và dịch bệnh đã đặt xã hội chúng ta trước nhiều thách thức lớn trên phạm vi toàn cầu.

Chúng ta vẫn đang tìm kiếm cái mà Willy Brandt gọi là „chính sách đối nội của thế giới“ mang dấu ấn của sự công bằng toàn cầu, sức mạnh của luật pháp và vượt qua các ranh giới quốc gia. Cộng đồng thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ trong những thập kỷ qua; chương trình nghị sự 2030 là một cột mốc nhưng đồng thời cũng là một nhiệm vụ và sự cam kết. Chỉ cùng nhau và ngang tầm với nhau chúng ta mới có thể vượt qua được những thách thức toàn cầu, ví dụ như nạn biến đổi khí hậu với hậu lụy nặng nề như khô hạn và lụt lội. Việc đem lại hòa bình cho các cuộc xung đột và khủng hoảng khu vực cũng là một nhiệm vụ mang tính toàn cầu bởi sự ổn định và phát triển sẽ tạo ra nhiều triển vọng cho cuộc sống.

Không một quốc gia nào trên thế giới này có thể tự mình giải quyết các vấn đề quốc tế mà tất cả chúng ta đang đối mặt. Chúng ta không thể vượt qua chúng bằng sự cô lập mà chỉ có thể bằng mối quan hệ đối tác chặt chẽ. Từ lịch sử của chính mình cùng kinh nghiệm vượt qua thời kỳ thống trị bằng bạo lực và xây dựng, củng cố nhà nước pháp quyền dân chủ, đất nước chúng ta sẵn sàng đương đầu với các thách thức. Nước Đức sẵn sàng gánh vác các trọng trách quốc tế. Chính vì lẽ đó, nước Đức đã tham gia ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2019/2020. Chúng ta hiện đang sống trong thời kỳ của những thách thức lớn mà việc vượt qua chúng sẽ quyết định tương lai của nhân loại và của hành tinh này. Chúng ta cũng đang sống trong một thế giới với đa dạng các cơ hội mới mà chúng ta nên chủ động kiến tạo. Ngày Thống nhất nước Đức là dịp phù hợp để ngẫm lại điều này.

Nguồn: vietnam.diplo.de