Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Gặp gỡ con gái của Loan “con chim phượng hoàng”

Bà Isabelle Müller. Ảnh: Nhân vật cung cấp

TBVĐ- „Sứ mệnh của mỗi con người sinh ra là mang đến cho cuộc sống này một ý nghĩa gì đó – hãy tìm nó! Nếu chúng ta không biết sứ mệnh của mình là gì, rồi nó cũng sẽ tự tìm đến chúng ta như dòng nước chảy xiết, không gì cản được, vậy hãy tin tưởng vào chính mình!“

Đó là nhắn nhủ của Isabelle Müller (Pháp) khi chia sẻ về quyển sách „Loan – từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng“ – bản dịch từ tiếng Đức của TS văn chương Trương Hồng Quang (Đức) được NXB Trẻ TP.HCM xuất bản. Đây là một tác phẩm cảm động do chính tay Isabelle Müller kể về người mẹ của mình – bà Đậu Thị Cúc (tự Loan, sinh năm 1929).

„Mẹ tôi là một người phụ nữ vô cùng quyến rũ!“

+ Phóng viên: Thưa Bà, tại sao Bà lại quyết định viết quyển sách “Loan – từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng”?

. Bà Isabelle Müller: Mẹ của tôi từng là một người phụ nữ vô cùng quyến rũ, và cái cách mà mẹ kể chuyện về cuộc sống rất hấp dẫn đối với tôi. Khi còn là một đứa trẻ, mặc dù tôi chưa từng đến Việt Nam lần nào, nhưng không những mẹ luôn cho tôi thấy quê hương rất đỗi thân quen, mà tôi còn cảm thấy vô cùng tự hào vì nơi đó có nguồn cội của mình. Cuối cùng chính cuộc đời đầy thăng trầm và triết lý sống phi thường của mẹ đã là động lực khiến tôi hứa với mẹ mình từ khi tôi mới 6 tuổi, rằng một ngày nào đó sẽ viết lại chuyện của mẹ.

Khi tôi được biết đến mức độ tàn phá – cả về thể chất lẫn tinh thần – mà chiến tranh và những con người độc ác có thể gây ra qua những câu chuyện của mẹ, tôi lại càng cảm động bởi sự hy sinh quên mình và tình yêu thương con người ở mẹ. Mẹ đã hy sinh rất nhiều mà không đòi hỏi nhận lại được điều gì, mẹ sống không có bất cứ định kiến nào, luôn muốn hiểu rõ nguyên nhân sâu xa đằng sau mọi việc.

+ Phóng viên: Đâu là những bài học từ mẹ mà bà không thể nào quên?

. Bà Isabelle Müller: Mẹ tôi từng là một người rất dũng cảm so với những người con gái thời đó, khi dám nghi ngờ những qui luật cổ hủ và bảo thủ. Những gì mẹ tôi đã trải qua trong thời chiến tranh loạn lạc cũng là những thứ mà cả một thế hệ phụ nữ từng trải qua, mà không ai dám lên tiếng phản đối hay nói ra.

Điều thứ nhất đó là phương châm của mẹ tôi, rằng dù lo sợ vẫn mạnh dạn đi đến phương trời xa lạ để tìm cuộc sống mới; thứ hai là tôi luôn tự nói với bản thân mình mỗi ngày rằng “hãy cứ yêu và sống tốt”; thứ ba là hãy làm gương cho mọi người bằng cách tìm và giữ lấy bản sắc riêng của chính mình; thứ tư chính là sự tự quyết và duyên phận trời định; và thứ năm là niềm tin bản năng vào chính mình và cuộc sống – đó là tất cả động cơ và lý do đưa tôi đến với nghiệp viết lách.

Một lần, khi đã trưởng thành và tự mình phải vượt qua mọi thăng trầm của cuộc sống, tôi bất chợt nhận ra rằng, tôi đã học và áp dụng được rất nhiều từ kinh nghiệm của mẹ mình. Tôi so sánh tình trạng của tôi với những giai đoạn cuộc đời của mẹ, tự hỏi: Mẹ tôi đã giải quyết vấn đề như thế nào? Và tôi hiểu, cuốn sách về cuộc đời của mẹ, phương châm sống của mẹ là một cẩm nang cho chính tôi và tất cả những người đang trên con đường kiếm tìm sức mạnh, hi vọng và phương hướng.

Viết một quyển sách mất mấy chục năm

+ Phóng viên: Xin Bà kể lại quá trình Bà đã chuẩn bị để hoàn thành tác phẩm này?

. Bà Isabelle Müller: Lần đầu tiên tôi bắt tay thử viết khi mới 15-16 tuổi, nhưng rất nhanh đã không thành công, bởi lúc đó tôi đang tuổi lớn và có quá nhiều thứ của bản thân khiến tôi chú trọng hơn. Tôi cũng hỏi bố tôi, vì bố cũng tham gia vào một phần của diễn biến câu chuyện, và tôi rất muốn biết cách nhìn của ông khi từng là một lính Pháp trẻ tuổi.

Phải đến giữa tuổi 30, tôi mới thật sự tập trung viết cuốn sách. Tôi và mẹ khi ấy luôn nhớ đến lời hứa này và tôi thấy, đó cũng là lúc tôi đủ trưởng thành và chín chắn. Trong hai năm trước khi mẹ tôi qua đời, chúng tôi đã dành thời gian để nói lại câu chuyện và tìm câu trả lời cho mọi khúc mắc và nghi vấn còn sót lại. Sau đó, tôi bắt đầu nhận thấy tình trạng của mẹ ngày càng xấu, sức khỏe ngày càng thuyên giảm, nên một lần nữa đã quyết định dừng việc viết lách. Tất nhiên tôi vẫn cam đoan với mẹ sẽ giữ lời hứa của mình.

Năm 2003, mẹ tôi qua đời, cũng là lúc tôi đã gom đủ tài liệu để thật sự sắp xếp thành một cuốn sách. Nhưng tôi tiếp tục dùng thêm nửa năm nữa để nghiên cứu về lịch sử Việt Nam và các dân tộc thiểu số nhằm hoàn thành bản thảo. Khi tôi lên bản thảo nội dung, tôi lại gặp phải một vài câu hỏi bỏ ngỏ, những chi tiết tôi không nhớ hoặc bị thiếu. May mắn là cô bạn gái thân nhất của mẹ tôi, cô Ngọc, vẫn còn sống tại Pháp và đã giúp tôi trả lời được những thắc mắc mà tôi cần sau nhiều ngày trò chuyện.

+ Phóng viên: Và mọi chuyện sau đó đều rất thuận lợi?

. Bà Isabelle Müller: Với bản thảo mà tôi đã kỳ công ghi lại những sự việc quan trọng nhất theo đúng trình tự thời gian, thì tôi nghĩ là không khó để viết và miêu tả lại mọi cảm xúc. Cái khó khăn nhất ở đây là phải luôn luôn tiếp tục viết cho đến hết, không được dừng giữa chừng. Lần đầu tôi thử sức là khi mới tuổi thiếu niên, nhưng không thành công. Sau đó, tôi lại rất biết ơn việc này, vì ở tuổi một người phụ nữ trưởng thành, tôi đã có thể viết cuốn sách đó liền luôn trong vòng hai năm (2003- 2005). Như vậy tôi mới miêu tả mọi cảm xúc đúng và tốt hơn, bởi chính tôi cũng đã từng trải qua nhiều việc tương tự. Một vấn đề khó khăn khác nữa là sắp xếp thời gian để viết khi tôi vừa làm vợ, vừa làm mẹ, vừa có công việc kinh doanh. Thời điểm đó, tôi đang nuôi dạy hai con và hỗ trợ cho một số doanh nghiệp.

+ Phóng viên: Những kỷ niệm nào khiến bà nhớ nhất trong quá trình bà viết quyển sách này?

. Bà Isabelle Müller: Trong thời gian viết sách, nói chung là tôi hầu như chỉ có những kỷ niệm đẹp. Viết lách là một trong những đam mê lớn của tôi. Tôi rất thích quãng thời gian phải tập trung cao độ để biến mình thành một người khác như thế, để giúp họ có thể lên tiếng. Điều khó khăn và đôi khi còn gần như không thể chịu nổi, là những lúc tôi “tự mình” phải trải nghiệm nhiều lần, lặp đi lặp lại, những hoàn cảnh khó khăn và đau đớn trong câu chuyện của mẹ, cho đến khi tôi có thể tìm được từ ngữ để miêu tả chúng được chính xác.

Mỗi một từ đều khiến tôi dâng trào cảm xúc khi đọc lại và phải có vị trí chính xác trong toàn bộ nội dung cuốn sách. Cũng vì thế mà tôi thường cảm thấy rất khổ sở, thường hay khóc hoặc thấy giận dữ như chính mình bất lực, yếu đuối. Đó là cái cần phải ráng mà chịu đựng để không bỏ cuộc. Nếu những dòng chữ của tôi chạm tới độc giả đúng nơi đúng chỗ, vậy là tôi đã hoàn thành tốt công việc của mình. Và tôi tin là tôi đã làm được điều đó.

„Tôi từng rất mâu thuẫn khi nghĩ về Việt Nam“

+ Phóng viên: Xin hãy nói một chút về Việt Nam. Thưa bà, Mẹ hay kể cho bà nghe về Việt Nam như thế nào?

. Bà Isabelle Müller: Mẹ đã từng trả lời cho tôi bao nhiêu câu hỏi và nghi vấn – thỏa mãn trí tò mò thuở nhỏ của mình. Để mang tôi đến gần hơn với quê hương, mẹ thường xuyên nấu các món ăn thuần Việt. Mỗi lần kể chuyện về Việt Nam, mẹ lại cho tôi nghe nhạc Việt, rồi dịch từng câu từng lời bài hát đó để tôi hiểu ý nghĩa của chúng. Chính vì thế, tôi có thể tưởng tượng ra người nông dân làm việc đồng áng thế nào, hoặc những người yêu xa phải đợi chờ nhau trong khát khao vô vọng ra sao.

+ Phóng viên: Bà cảm nhận về Việt Nam thế nào qua lời mẹ kể?

. Bà Isabelle Müller: Văn hóa Việt Nam thường có điểm gì đó rất đa sầu đa cảm và thương tâm. Mẹ tôi rất thích hát và hát rất hay, và tôi thì rất thích những giờ bên mẹ như vậy. Đó là vô vàn câu chuyện về tuổi thơ và thời niên thiếu của mẹ, về cuộc sống gia đình và những quy tắc, chuẩn mực của xã hội thời đó. Và có cả những câu chuyện lịch sử, về những xung đột giữa các nước đô hộ và nguyên nhân dẫn đến diễn biến đó.

Những gì tôi nghĩ về Việt Nam thời đó có thể nói là rất mâu thuẫn. Một mặt tôi rất tôn kính dân tộc này. Họ rất gần gũi với Mẹ Trái Đất cũng như những quy luật tự nhiên, họ sống đúng với bản năng và sống rất đơn giản, thuần túy. Thế nhưng những người khác biệt lại không có chỗ trong đó, không thể dung hòa. Ý tôi là những người như mẹ tôi, những người đã nghĩ xa hơn, đặt ra nghi vấn cho nhiều thứ cũng như không muốn cúi đầu trước sự phân biệt giai cấp và các luật định.

+ Phóng viên: Khi đã nhiều lần đến Việt Nam, Việt Nam trong tâm thức của bà thế nào?

. Bà Isabelle Müller: Việt Nam ngày nay đã khác xưa và phát triển hơn rất nhiều, nhất là vấn đề bình đẳng giới tính và giáo dục. Điều đó rất tốt. Nhưng điều mà tôi quan tâm là sự phát triển sắp tới của Việt Nam, văn hóa bản xứ, bản sắc dân tộc riêng của mảnh đất này.

Tôi nhận thấy một điều rất quan trọng là phải làm sao gìn giữ được văn hóa bản địa của dân tộc, bất kể đất nước có phát triển tân tiến đến đâu. Tôi sẽ không bao giờ quên có câu nói rằng: “Ai phá huỷ được văn hóa, kẻ đó sẽ chiến thắng.” Nếu đất nước và con người Việt Nam thật sự để tâm đến việc bảo vệ gốc tích và bản sắc đặc trưng riêng của mình giữa sự phát triển chóng mặt như hiện giờ về kinh tế, văn hóa và xã hội, vậy là tôi rất hạnh phúc rồi.

+ Phóng viên: Xin cảm ơn Bà vì cuộc trò chuyện thú vị này!

Sẽ tiếp tục gắn bó với Việt Nam

Vào ngày 9 tháng 5 năm 2016, bà Isabelle Müller đã thành lập hiệp hội từ thiện Stiftung LOAN để tưởng nhớ mẹ mình. Bà cho biết: „Chúng tôi cùng nhau giúp đỡ các trẻ em của những gia đình dân tộc thiểu số tại miền Bắc Việt Nam được đến trường đi học và tự quyết về cuộc sống của mình. Hiệp hội của tôi xây dựng thêm trường học, nhà trẻ và phòng nghỉ cho trẻ em tại những khu vực miền núi nghèo tận cùng phía Bắc. Chúng tôi cung cấp và trang bị đồ đạc cho nhiều tòa nhà, có phòng giáo viên, bếp nấu ăn và phòng vệ sinh. Rất nhiều học sinh nhận quần áo mới và quần áo ấm cũng như dụng cụ học tập từ Stiftung LOAN.“

Đối với các trẻ em mồ côi, Quỹ LOAN nhận giúp đỡ và tài trợ cho cả quá trình học tập đến khi nhận bằng tốt nghiệp. „Điều tôi muốn nhấn mạnh là bên cạnh những quyên góp chúng tôi nhận được, thì tất cả doanh thu từ việc bán sách tại Đức và Việt Nam đều được sử dụng toàn bộ cho các dự án của Stiftung LOAN. Tại Việt Nam, để hỗ trợ cho các dự án giáo dục của Stiftung LOAN, nhà xuất bản của tôi còn đặc biệt quyên góp thêm 2% từ mỗi cuốn sách bán được. Điều đó có nghĩa là, mỗi cuốn sách bạn mua là một cách góp phần giúp đỡ cho các trẻ em nghèo khó ở Việt Nam“, bà Bà Isabelle Müller chia sẻ. Như vậy, 100% tổng số tiền quyên góp và doanh thu của mỗi cuốn sách đều được sử dụng vào các dự án. Kể từ ngày thành lập Stiftung LOAN thực hiện thành công 7 dự án, còn 5 dự án xây dựng – gồm xây dựng các trường tiểu học, nhà trẻ và một thư viện – hiện đang bước vào giai đoạn cuối.

Tài khoản của Stiftung LOAN: IBAN (LOAN Stiftung): DE24 6665 0085 0008 9550 00. Trang mạng trực tuyến: www.loan-stiftung.de

Cẩm Chi – Văn Hồng (thực hiện)