Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

EU họp khẩn về tình hình dịch Covid-19

Ảnh minh họa: pixabay.com
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel phát biểu trên Twitter cho biết, sau các cuộc tham vấn, EC sẽ sớm tổ chức hội nghị trực tuyến giữa các nước thành viên để phối hợp với các nỗ lực của EU trong cuộc chiến chống COVID-19.

Thay đổi cách phản ứng

Trước đó, các Bộ trưởng Y tế Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc họp khẩn tại thủ đô Brussels, Bỉ để thảo luận việc tăng cường phối hợp nhằm ứng phó với dịch bệnh. Thông báo sau cuộc họp cho biết, các bộ trưởng nhất trí nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về mối nguy hiểm từ Covid-19, cũng như phát triển cách tiếp cận chung để ngăn ngừa và bảo vệ người dân trước nguy cơ. Bộ trưởng Y tế Croatia Vili Beros cho biết, những thảo luận cho thấy các quốc gia EU đã sẵn sàng thay đổi cách phản ứng, tăng cường hợp tác và triển khai những biện pháp phù hợp, tập trung vào việc phòng ngừa và điều trị. Tính đến nay, tất cả 27 nước thành viên của EU đều có ca nhiễm, trong đó Cyprus là quốc gia mới nhất xác nhận có người nhiễm Covid-19.

Tại Italy, dẫn số liệu cập nhật của nhà chức trách ngày 10-3, hãng Reuters cho biết, số ca nhiễm và tử vong tại nước này tính đến hết ngày 9-3 lần lượt là 9.172 và 463. Trước đó một ngày, nước này ghi nhận 7.357 ca nhiễm và 366 người tử vong.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte quyết định mở rộng các biện pháp ứng phó trên toàn quốc, yêu cầu người dân ở nhà và cấm mọi hoạt động tụ tập nơi công cộng. Ngày 9-3, Italy tiến hành phong tỏa 15 tỉnh phía Bắc nước này, nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19.

Quân đội và cảnh sát cũng được triển khai đến các nhà ga và sân bay để siết chặt kiểm soát đi lại của người dân. Các biện pháp chưa từng có tiền lệ được áp dụng trên toàn quốc, tác động đến hơn 60 triệu người – quy mô tương đương với tâm điểm dịch tỉnh Hồ Bắc bị Trung Quốc phong tỏa.

Người dân được yêu cầu viết đơn tự chứng thực về các lý do đi lại, gửi cho cơ quan hữu quan tại các nhà ga, sân bay và chốt kiểm soát trên mọi tuyến đường lớn kết nối các thành phố. 

Sắc lệnh của chính phủ Italy chính thức có hiệu lực từ ngày 10-3 (giờ địa phương). Sắc lệnh khuyến cáo người dân chỉ nên ra khỏi nhà vì những lý do công việc, y tế hoặc vấn đề khẩn cấp. Sắc lệnh cũng quy định bất kỳ ai sốt trên 37,50C hoặc xét nghiệm dương tính với Covid-19 đều không được rời khỏi nhà. Nhân viên y tế tạm thời không được nghỉ phép. Mọi cửa hàng trên toàn quốc được phép duy trì hoạt động nếu có thể đảm bảo người mua hàng giữ khoảng cách với nhau hơn 1 mét. Các trung tâm mua sắm lớn và vừa buộc phải đóng cửa vào cuối tuần. 

Ngăn chặn hỗn loạn

Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ngày 9-3 cảnh báo, dịch Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người mà còn có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD trong năm nay.

Báo cáo của UNCTAD nêu rõ, dịch Covid-19 sẽ đẩy một số quốc gia rơi vào suy thoái và làm chậm đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Dự báo việc bùng phát dịch bệnh có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp dưới mức 2,5%, trong khi đây thường được cho là ngưỡng suy thoái đối với nền kinh tế thế giới.

Phát biểu tại buổi công bố báo cáo nói trên ở Geneva, Thụy Sĩ, ông Richard Kozul-Wright, Giám đốc Bộ phận chiến lược phát triển và toàn cầu hóa của UNCTAD nêu rõ, rất khó để có thể dự đoán phản ứng của các thị trường tài chính quốc tế trước các tác động của dịch Covid-19 và hiện tại mức độ lo ngại về vấn đề y tế là rất nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh, để làm giảm những lo ngại này, chính phủ các nước cần phải đầu tư ngăn chặn tình trạng hỗn loạn, bởi hỗn loạn thậm chí còn gây thiệt hại hơn so với dịch Covid-19.

Ngày 10-3, Italy và Australia cùng tuyên bố chính phủ các nước này sẽ thông qua gói các biện pháp trị giá trên 10 tỷ USD để phản ứng trước những tác động do dịch Covid-19 gây ra.

Theo Việt Anh / sggp.org.vn