Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

EU công bố bản đồ đối tượng cấm vận quốc tế

Ảnh minh họa: pixabay.com

Ngày 29/9, AFP đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đã đưa vào hoạt động bản đồ trực tuyến tương tác để giúp các doanh nghiệp và các quan chức nhận biết các cá nhân, tổ chức và chính phủ bị cấm vận quốc tế.

Bản đồ trực tuyến giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận thông tin về vấn đề này, thay vì phải đọc hàng trăm trang văn bản pháp luật dày đặc, gây khó khăn cho các doanh nghiệp để đảm bảo có các giao dịch hợp pháp.

Hiện có khoảng 30 đến 40 lệnh cấm vận hiện đang có hiệu lực đối với các chính phủ Triều Tiên, Syria và Zimbabwe, cũng như các nhóm khủng bố như Taliban và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Vi phạm các biện pháp trừng phạt quốc tế có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, như ngân hàng Pháp BNP Paribas từng bị Mỹ phạt 8,9 tỷ USD do các giao dịch bất hợp pháp với Iran, Sudan, Myanmar và Cuba.

Tuy nhiên, những lo ngại về việc vi phạm lệnh trừng phạt cũng đã dẫn đến một số đề phòng quá mức, như tránh cả giao dịch với các công ty hoặc quốc gia thực tế không bị cấm vận.

Estonia, nước hiện là chủ tịch luân phiên của EU và là nước xây dựng bản đồ trực tuyến nói rằng các quốc gia thành viên và các tổ chức của EU giải quyết hàng nghìn yêu cầu hàng ngày từ các công ty và các quan chức, nên bản đồ trực tuyến rất thiết thực.

Theo Juuli Hiio, một chuyên gia về trừng phạt của Bộ Ngoại giao Estonia, hiện nay có tới hàng trăm hành vi pháp lý liên quan đến các lệnh trừng phạt.

Một quan chức EU cho biết, một e-mail của Ủy ban châu Âu dành riêng giải thích vấn đề trừng phạt thường bị quá tải các câu hỏi về các biện pháp trừng phạt, nhất là sau khi các biện pháp mới được thông qua. Vì vậy, bản đồ trực tuyến là công cụ bổ sung rất đáng hoan nghênh.

Cho đến nay, EU đã duy trì một danh sách các biện pháp trừng phạt gồm 136 trang, có liên quan đến hàng trăm hành vi pháp lý chi tiết nhưng chỉ cập nhật 2 lần/năm. Trong khi theo bà Hiori, mỗi năm có tới trung bình 80 sửa đổi chính sách trừng phạt.

Việc trừng phạt có thể xảy ra dưới hình thức đánh vào các tổ chức, cá nhân cụ thể như các quan chức cấp cao hoặc sĩ quan quân đội bị cấm đi lại và phong tỏa tài sản, hoặc các biện pháp rộng hơn như cấm vận cả các khu vực kinh tế, nền kinh tế.

Trong trường hợp Nga vào năm 2014, sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea, các công dân và công ty của EU không được đầu tư vào lĩnh vực tài chính hoặc làm ăn với các ngân hàng, các công ty dầu khí và các công ty quốc phòng của Nga. Đối với Triều Tiên, EU cũng cấm việc xuất khẩu than, thép và hàng xa xỉ phổ biến cho tầng lớp chóp bu của Bình Nhưỡng.

Bản đồ mới cho phép người dùng nhấp vào các quốc gia để xem những biện pháp trừng phạt nào có hiệu lực và cũng có thể tìm kiếm theo lĩnh vực – dầu lửa, vũ khí, tài chính… và các tên cá nhân.

Chuyên gia David Cortright của Viện Nghiên cứu hoà bình Kroc, Đại học Notre Dame, Mỹ, cho biết bản đồ trực tuyến “thú vị và hữu ích”, nhưng cảnh báo rằng vẫn còn nhiều hình thức “lách luật” để các tổ chức và cá nhân bị trừng phạt giao dịch với thế giới.

Ông nói với hãng tin AFP: “Các công ty luôn tìm kiếm các sơ hở để có thể giao dịch bằng cách luôn luôn thay đổi tên công ty, do đó rất khó để theo dõi”.

Theo ông Cortright, Triều Tiên là “bậc thầy” tránh né các lệnh trừng phạt, bằng cách sử dụng các kỹ thuật như thành lập các công ty giả mạo tại Trung Quốc.

Theo An Khang / DKN.TV