Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Đức công bố phát hiện mới trong băng vĩnh cửu ở Bắc Cực

Ảnh minh họa: nguồn https://pixabay.com

Nhóm nhà khoa học Đức mới đây công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, đợt nắng nóng năm 2020 đã khiến các lớp đá vôi trong băng vĩnh cửu ở Bắc Cực tăng nhiệt, thải một lượng lớn khí metan vào khí quyển.

Phát hiện mới của giới chuyên gia Đức làm dấy lên lo ngại về hiện tượng “bom metan” – sự giải phóng khí metan có khả năng gây thảm họa từ các vùng đất ngập nước tan băng trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia.

Theo ông Nikolaus Froitzheim, trưởng nhóm nghiên cứu, nhiệt độ bề mặt của khu vực này trong đợt nắng nóng năm 2020 đã tăng vọt lên mức -11,7 độ C, làm đá nóng lên, xuất hiện các vết nứt và giải phóng khí metan. Ông cho biết hiện nồng độ khí metan đã tăng lên khoảng 5%. Do đó, chuyên gia Đức khẳng định cần tiếp tục theo dõi khí metan trong những năm tới để xác định chính xác lượng khí metan từ địa chất đang được thải vào khí quyển.

Phát hiện trên được công bố sau khi Nhóm chuyên gia tại Viện Khoa học Địa chất tại Đại học Bonn, Đức, đã sử dụng bản đồ vệ tinh để đo khí mêtan nồng độ cao trên các sọc đá vôi rộng nằm ở bán đảo Taymyr và khu vực xung quanh phía bắc Siberia của Nga.

Hiện nay, các nguồn khí mêtan lớn nhất trên thế giới đến từ ngành nông nghiệp. Một nghiên cứu do Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ thực hiện gần đây cho thấy, khí metan gây hại cho môi trường nhiều gấp 33 lần so với khí CO2 trong hơn 100 năm qua và là tác nhân hàng đầu dẫn đến hiện tượng ấm lên toàn cầu./.