Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Cần chú ý những gì khi đi xe đạp tại Đức

Ảnh: Chí Vỹ

TBVĐ- Mùa hè sắp đến và ngày càng có nhiều người lựa chọn đi làm bằng xe đạp để tiết kiệm nhiên liệu, dễ tìm chỗ đỗ xe ở những thành phố lớn, hay lúc rảnh rỗi thì cùng gia đình đạp xe dạo chơi, vừa thư giãn vừa bồi dưỡng sức khỏe.

Tuy nhiên, người tham gia giao thông bằng xe đạp tại Đức cũng cần chú ý những điều luật riêng, thậm chí khi vi phạm sẽ bị phạt nặng tương đương lúc lái xe ôtô.

Điều đầu tiên chúng ta cần lưu ý trước khi sử dụng xe đạp là phải lau chùi sạch sẽ và kiểm tra hệ thống đèn. Đèn phải được gắn chặt trên xe đạp, không bị lỏng lẻo, và phải bật được sáng kể cả vào ban ngày.

Đèn chiếu sáng phía trước phải màu trắng và ngay phía dưới có gắn phản quang màu trắng (weißer Frontscheinwerfer mit weißem Reflektor). Phía yên sau (gác ba ga) phải gắn đèn đỏ chiếu sáng rộng (roter Großflächenrückstrahler), thêm đèn phụ màu đỏ (rotes Rücklicht) và phản quang cũng màu đỏ (roter Reflektor) gắn phía dưới vành bánh xe. Mỗi bánh xe phải gắn thêm hai phản quang màu vàng trên nan hoa, và thậm chí là mỗi bàn đạp (pê đan) cũng phải gắn hai phản quang màu vàng theo hướng trước và sau xe. Ngoài ra, xe đạp phải được gắn còi hay chuông kêu to, rõ ràng.

Người tham gia giao thông bằng xe đạp phải chấp hành mọi luật giao thông như người lái xe ôtô, mặc dù một vài quy định tưởng chừng có vẻ lỏng lẻo hơn. Một số điều luật quan trọng gồm: Người tham gia giao thông bằng xe đạp không được phép sử dụng điện thoại di động để gọi điện hay nhắn tin khi đang lái xe. Mức tiền phạt dành cho vi phạm này hiện đã được tăng từ 25 Euro lên 55 Euro.

Ngoài ra, khi sử dụng xe đạp trên đường phố, người lái xe không được phép uống rượu. Tuy nồng độ cồn cho phép ở người đi xe đạp cao hơn người lái ôtô, nhưng nếu đo nồng độ cồn đạt từ 1,6 Promille trở lên thì sẽ bị cấm tham gia giao thông, thậm chí bị tước bằng lái ôtô (nếu có) trong một khoảng thời gian, bị phạt tiền và bị tính điểm. Nồng độ cồn dưới 1,6 Promille thì vẫn được phép đi tiếp chứ không bị giữ lại.

Kể từ ngày 1-1-2017, người tham gia giao thông bằng xe đạp khi đợi đèn giao thông mà không có đèn dành riêng cho xe đạp, họ phải tuân thủ theo đèn giao thông dành cho xe ôtô (chứ không theo đèn dành cho người đi bộ như trước đó nữa). Nếu vi phạm lần đầu sẽ bị xử phạt 60 Euro. Nếu chẳng may va chạm với phương tiện giao thông khác, mức phạt sẽ lên đến 180 Euro.

Nếu có đèn giao thông dành riêng cho người đi xe đạp thì phải tuân thủ theo, không được phép chạy xe khi thấy đèn dành cho người lái ôtô chuyển sang màu xanh. Nếu đèn vừa chuyển sang màu đỏ mà vẫn cố tình chạy xe qua thì sẽ bị phạt ở mức 60 Euro, nếu đèn đã đỏ được hơn 1 giây (!) trở lên mà vẫn chạy xe qua thì mức phạt tăng lên 100 Euro và bị tính một điểm tại Flensburg – kể cả trong trường hợp không sở hữu bất cứ một bằng lái xe nào.

Vừa chạy xe đạp vừa đeo tai nghe nhạc mở to sẽ bị phạt 10 Euro. Trong trường hợp xảy ra va chạm, nếu đi đúng nhưng bị đâm bởi xe khác, bạn thậm chí sẽ không có quyền hưởng bồi thường.

Trên đường một chiều, người lái xe đạp được phép chạy ngược xuôi mà không phải lo lắng vì đi ngược chiều, đặc biệt khi dưới biển một chiều dành cho xe ôtô còn có biển xe đạp với hai mũi tên chỉ lên và chỉ xuống. Hãy chú ý quy định “phải trước trái sau” (recht vor links) và luôn đi vào làn bên phải đường. Chạy xe đạp trong đường một chiều cần chú ý tuyệt đối, nếu cản trở giao thông người khác sẽ bị phạt 20 Euro, nếu gây nguy hiểm cho người khác xử phạt 30 Euro và nếu xảy ra va chạm hoặc thiệt hại tài sản sẽ xử phạt 35 Euro.

Khi gặp vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, lái xe đạp có trách nhiệm phải dừng xe lại. Đây là khu vực mà người đi bộ và người ngồi xe lăn được ưu tiên. Không được chạy xe đạp qua vạch kẻ này khi muốn sang đường, mà người điều khiển xe phải xuống xe dắt qua như một người đi bộ.

Một số án quyết liên quan

Một xe vận tải khi muốn rẽ sang phải đã phải dừng xe vì lúc đó đèn giao thông dành cho người đi bộ đang màu xanh. Khi đèn chuyển sang đỏ, xe vận tải tiếp tục đi thì xảy ra va chạm với một xe đạp, vì người lái xe đạp đã cố tình lao ra từ trên vỉa hè định băng qua đường. Bởi người này vi phạm luật giao thông dẫn đến tai nạn nên đã phải chịu bồi thường toàn bộ, lái xe vận tải không bị bắt lổi (án quyết số Az.: 12 U 500/10, OLG Koblenz). Tại Berlin, một người chạy xe đạp khi băng qua đường trên vạch kẻ dành cho người đi bộ đã xuống xe rồi để một chân lên bàn đạp, dùng chân kia đạp xuống đất như sử dụng một dạng xe hẩy. Không may lại xảy ra va chạm. Nhưng vì anh ta không ngồi trên yên và đạp xe nên đã thoát tội (án số KG Berlin 12 U 68/03).

Cẩm Chi