Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Bia có phải là loại nước uống “dễ tiêu”

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- „Dễ tiêu“ là một khái niệm gây tranh cãi khi nói đến việc uống bia.

Từ năm 1930, một hãng bia ở vùng Allgäu của Đức đã dùng khẩu hiệu “Wohl bekomm’s!” – hay “Bekömmlich, süffig – aber nicht schwer” hoặc “feinwürzig und herzhaft im Geschmack, erfrischend bekömmlich für den großen und kleinen Durst” – để quảng cáo bia của mình với nghĩa là “dễ tiêu” và “có lợi cho sức khoẻ” – đột nhiên bị Hiệp hội cạnh tranh xã hội tại Berlin (Verband Sozialer Wettbewerb, viết tắt là VSW) kiện ra toà. Quá trình tố tụng kéo dài ba năm, nay đã đến hồi kết.

Allgäu là vùng núi thuộc bang Bayern của Đức, gắn liền với dãy núi Alpen, rất nổi tiếng bởi đến nay vẫn luôn duy trì và bảo tồn được nhiều truyền thống cổ xưa, trong đó phải kể đến truyền thống làm bia đã tồn tại tới 2000 năm nay.

Từ năm 1930, một hãng bia tại đây vẫn dùng các khẩu hiệu trong đó có từ “dễ tiêu” để quảng cáo cho tất cả các loại bia của mình với lượng cồn từ 1,2% trở lên. Cách đây ba năm, đột nhiên Hiệp hội cạnh tranh xã hội (VSW) đem việc này kiện ra toà với lý do: Dùng từ “dễ tiêu” để quảng cáo bia là lừa đảo và không hợp lệ.

Theo VSW cho biết, từ “dễ tiêu” – tiếng Đức là “bekömmlich“ – là một thông tin về sức khoẻ theo qui định Health- Claims-Verordnung (HCVO) – một qui định của khối EU dành cho các thông tin thực phẩm liên quan đến sức khoẻ.

Theo điều 4 đoạn 3 phần a trong qui định này, thì tất cả các loại nước uống với lượng cồn từ 1,2% trở lên đều không thể dùng từ “dễ tiêu” để miêu tả. Bởi từ “bekömmlich“ của tiếng Đức sẽ khiến người tiêu dùng liên tưởng đến “lành mạnh”, thậm chí “tốt cho sức khoẻ”. Vì thế đây là một từ liên quan đến sức khoẻ, mà loại bia có lượng cồn từ 1,2% trở lên không thể nói là “tốt cho sức khoẻ” được.

Tuy nhiên, việc hãng bia này quảng cáo bia không đúng cách chưa phải là quan trọng, mà quan trọng là khi người tiêu dùng xem quảng cáo rồi mua bia, họ thường mang theo một mong muốn, một mong đợi, ví dụ thưởng thức bia cho đỡ khát hay uống vào sẽ tốt cho sức khỏe. Mà khi ấy, hãng bia dùng từ “bekömmlich” là đã trao cho người tiêu dùng một lời hứa, một lời đảm bảo cho mong muốn của họ. Điều này ngược lại lại không đúng.

Sau ba năm kiện tụng và tranh chấp kéo dài, cũng là ba năm đợi chờ căng thẳng của các phe trong cuộc, giữa tháng 5-2018 vừa qua, Toà án liên bang tại Đức (BGH) đã ra án quyết xử rằng: Các hãng bia thật sự không được phép dùng từ “bekömmlich“ để quảng cáo – án số Az. I ZR 252/16.

Án quyết mới này đã bác bỏ một án quyết cũ của chính Toà BGH đã từng đưa ra năm 2011. Khi đó, Toà từng xét cách dùng từ “bekömmlich“ cho một loại rượu thảo dược của Đức và phán rằng: Từ “dễ tiêu” đó chỉ muốn miêu tả rằng, loại rượu này không ảnh hưởng xấu hay làm tổn thương đến cơ thể hay các chức năng của cơ thể người tiêu dùng. Chứ nó không có nghĩa là sản phẩm ấy có chức năng nào đó giúp họ tăng cường sức khoẻ. Bản thân hãng bia ừng giải thích rằng, họ chỉ muốn nhấn mạnh vị ngon và để người tiêu dùng cảm giác được sự hưởng thụ khi uống một cốc bia của họ.

Tuy nhiên, án quyết mới của ngày 17-5-2018 vừa qua có lẽ sẽ là thứ “khó tiêu” không chỉ với hãng bia nói trên, mà với tất cả các hãng bia khác, nếu họ cũng dùng từ “bekömmlich“ này trong quảng cáo. Bởi họ không chỉ phải thay đổi cách quảng cáo, mà phải thay đổi toàn bộ nhãn hiệu, mác dán trên chai bia, nắp chai, các trang mạng của hãng. Nếu không chấp hành thì sẽ bị các hiệp hội cạnh tranh và trung tâm bảo vệ người tiêu dùng chỉ trích cũng như phạt nặng.

Cẩm Chi