Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Tôi quyết tâm ở lại Đức và chưa bao giờ hối hận!

TBVĐ- Đó là những người đàn ông liều lĩnh, táo bạo, quyết tâm tại những thời khắc quan trọng nhất của lịch sử nước Đức.

Đã không dưới một lần tôi gặp những người sinh ra vào những thập niên 50 hay 60 của thế kỷ trước, băng qua những khoảnh khắc biến động nhất của lịch sử, can đảm bám trụ lại nước Đức vừa thống nhất những năm 1990 để mưu cầu một ước mơ mãnh liệt: đổi đời.

Khoảnh khắc giữa ngã ba đường

Nước Đức những ngày đầu thống nhất đã đặt ra một bài toán với hai phương án để những người công nhân sang tham gia hợp tác lao động ở Đông Đức chọn lựa. Ông Trần Ngọc Chiến (thành phố Ilmenau) nói “một là chúng tôi được nhận số tiền 3.000 Mác Đức (Deutsche Mark) và ngay lập tức phải về Việt Nam. Nếu quyết định tiếp tục ở lại, chúng tôi phải tự lo cho mình mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào, cũng không thể tiếp tục đi làm vì xí nghiệp thuê chúng tôi cũng cắt hợp đồng”.

Theo ông Chiến, không ai dám đảm bảo cuộc sống khi ở lại sẽ tốt hơn. Các nhà quản lý khuyên rằng muốn quyết định ở lại, phải tùy vào ngành nghề. Vì khi ở lại, không có ai đảm bảo rằng cuộc sống sẽ ổn định. Không ai đảm bảo rằng hai khối Đông-Tây sau khi thống nhất có thể mang lại tương lai tốt đẹp cho người lao động Việt Nam.

Lý giải rõ hơn về bối cảnh lịch sử bấy giờ, ông Đỗ Văn Ánh (cũng sống tại thành phố Ilmenau) nói số tiền 3.000 Mác Đức vào những năm 1990 là cả một tài sản lớn. “Nếu chọn lựa về Việt Nam, chúng tôi vừa được tài trợ vé máy bay, và có thể dùng số tiền ấy để mua cả một cơ ngơi ở Việt Nam, chẳng hạn một cái nhà lớn. Nhưng nếu chúng tôi ở lại, vừa không có việc làm, và khi visa hết thời hạn mà không có việc làm thì phải tự mua vé máy bay về Việt Nam, đồng thời không có một xu tiền hỗ trợ nào nữa.

Cũng làm việc tại bang Thüringen như ông Chiến và ông Ánh, nhưng không phải tại Suhl hay Ilmenau mà ở Thủ phủ Erfurt, ông Hoàng Ngọc Chính nhớ lại “khi đó tôi làm việc tại một nhà máy có đông người Việt thuộc Erfurt đến ngày 31-7-1991 thì thất nghiệp và chấm dứt hợp đồng. Nói chung khoảnh khắc nhận được tin của nhà máy thông báo mọi người có tâm trạng lo lắng, buồn vui lẫn lộn. Những người muốn ở lại thì phải tự tìm chỗ ở và tự bươn trải cuộc sống và không được nhận tiền đền bù nếu khó khăn quá lại muốn về. Còn ai muốn về sẽ nhận được 3.000 Mác Đức cộng với 70% của ba tháng lương, tổng cộng khoảng 5.000 Mác Đức. Đa số mọi người, tuy trong lòng đắn đo về hay ở, đã chọn phương án an toàn nhận tiền bồi thường để về với gia đình vợ con sau mấy năm xa cách.”

Trong khi đó, ông Đào Ngọc Hạnh – khi đó là đội trưởng quản lý gần 300 người của đội lắp ráp máy ảnh Pentacon Dresden nằm ở thủ phủ của bang Sachsen – kể lại “các nhà máy Đông Đức cũ ngưng sản suất trong đó có đội của tôi. Một số nhà máy cho làm việc ngắn hạn hưởng lương 70%, còn một số thì cho nghỉ hẳn chờ quyết định mới của chính phủ. Sau khi họp với công ty, lãnh đạo công ty bảo nếu trường hợp nào muốn ở lại thì phải đáp ứng một số điều kiện như tìm nhà riêng và một công việc mới với hợp đồng lao động.” Theo ông Hạnh, một số người muốn ở lại, một số muốn về với gia đình nhận tiền bồi thường. Cũng có một số người không nắm rõ được thông tin nên đã trốn sang Tây Đức.

Ảnh minh họa: pixabay.com

Chọn lựa liều lĩnh, khát vọng mãnh liệt

Phần lớn người Việt khi ấy đã xách ba lô về nước để vui niềm vui đoàn tụ. Nhiều trong số họ, trong lòng dẫu muốn ở lại “đổi đời”, nhưng đành tặc lưỡi ra sân bay. Phần vì thấy ai nấy lũ lượt kéo nhau về; phần vì số tiền bồi thường rất hứa hẹn để làm ăn, giúp đỡ gia đình ở Việt Nam, và phần vì chưa có bất kỳ một ý nghĩ gì về tương lai một nước Đức vừa thống nhất hai miền sau nhiều thập kỷ thù địch.

Bốn người đàn ông tôi kể trên – ông Chiến, ông Ánh, ông Chính và ông Hạnh – là những người quyết tâm ở lại. Họ quyết tâm bám trụ lại Đức với trái tim nóng, cái đầu lạnh và sự khao khát mãnh liệt về tương lai tươi sáng.

Đó là vào một ngày rét mướt của những ngày gần cuối năm, tôi tiễn đám bạn lũ lượt lên Berlin để về Việt Nam. Đêm trước chúng tôi còn liên hoan với nhau, sáng hôm sau tôi rơi vào cảnh màn trời chiếu đất vì ký túc xá yêu cầu dọn ra khỏi và ngay lập tức phun thuốc diệt trùng. May mắn có một ông già người Đức tốt bụng cho tôi ở trọ một tuần trước khi tìm được nơi ở mới. Trong đầu tôi trống rỗng, chỉ có quyết tâm là thứ an ủi tôi duy nhất để tiếp tục đi tìm kiếm công việc nuôi thân”, ông Chiến nói.

Trong khi đó, ông Hạnh khẳng định “thời điểm đó tôi còn trẻ, gia đình ở Việt Nam còn khó khăn nếu được ở lại sẽ có điều kiện giúp đỡ cho gia đình ở Việt Nam.

Cũng như ông Chiến và ông Hạnh, ông Ánh cũng quyết ở lại dù người anh trai

của ông trở về Việt Nam. “Tôi chỉ nhớ là tôi liều. Tôi tin rằng ở lại Đức tôi sẽ có cách trụ được và đổi đời. Khi đó visa của tôi còn tới 3 năm, tôi muốn ở lại tiếp tục đi làm, nếu sau đó phải về cũng không phải hối tiếc. Tôi tiễn anh mình về nước, còn tôi ở lại thử vận”.

Lẻ bóng những tháng ngày khắc nghiệt

Bốn người đàn ông, ở bốn vùng đất khác nhau ở miền đông nước Đức, nhưng họ cùng đứng dưới một bầu trời và trên hết là trong lòng họ dung dưỡng những kế hoạch táo bạo, liều lĩnh mà vốn liếng của họ chỉ là đôi bàn tay trắng và sự cần cù vốn đáng nể.

Ông Hạnh cho biết “Con đường hành nghề tự do là con đường khởi nghiệp của hầu hết tất cả những người ở lại trong đó có tôi. Tháng 10-1991 xí nghiệp đóng cửa, tôi thuê một cửa hàng để kinh doanh buôn bán. Trong quá trình hành nghề tôi vừa làm vừa nghe ngóng các tin tức và quy định mới để thích nghi dần với cuộc sống mới ở Đức.”

Ông Ánh chia sẻ thêm, theo tìm hiểu thì ở lại chắc chắn không “chết đói”, thế nên ông chưa vội về. Sau đôi ba tháng, chính phủ ổn định sẽ có chính sách hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp. Điều này được ông Chiến xác nhận: “Sau khoảng 3 tháng nước Đức thống nhất và ổn định, tôi được nhận trợ cấp thất nghiệp khoảng 900 Mác Đức/tháng”.

Một phần nhờ trợ cấp từ chính phủ, một phần những người ở lại ra sức đi làm để kiếm thêm thu nhập. Phía Đông Đức những ngày vừa thống nhất mở ra thị trường béo bở cho đủ loại hình kinh doanh và những người Việt đã thừa nhạy bén và chịu khó để có thể chớp cơ hội. Chủ yếu họ mua bán quần áo, băng cát-sét và làm cho các quán ăn gốc Trung Quốc.

“Tôi thuê một căn phòng nhỏ ở Suhl, sáng sớm ra khỏi nhà đến tận tối mịt với cái giá phơi quần áo được tôi kéo lê khắp các thành phố để bán chợ trời. Vì thời gian này còn loạn lạc, ai cũng khó khăn nên cũng không trông chờ vào ai giúp đỡ mình được. Đã vậy thi thoảng còn bị kẻ gian trộm cắp. Sau này vợ tôi nghe kể không cầm được nước mắt. Một mình tôi chiến đấu, đôi khi cũng thấy buồn và nhớ gia đình vợ con, nhưng quyết tâm vẫn là quyết tâm.”, ông Chiến quả quyết bằng giọng điệu chắc nịch.

Trong khi đó, ông Chính kể “Quyết định ở lại tôi ra chợ, đi tàu hoặc xe buýt, một tay xách giá phơi quần áo, một tay kéo túi chở hàng. Sau đó mới mua ô tô chở hàng và thuê cửa hàng để tự kinh doanh.” Cũng bôn ba khắp các thành phố lân cận Ilmenau, ông Ánh kể như khắc cốt ghi tâm: “Những hôm hội chợ, phải tranh thủ dậy từ 1-2 giờ sáng để đến chợ trời tìm chỗ tốt mới mong bán nhiều quần áo. Đến chợ trời còn chưa sáng, rét cong, tuyết dày đặc nhưng không dám bật sưởi ô tô vì tiết kiệm. Tôi đốt nến cỡ lớn cho có chút hơi ấm rồi trùm chăn ngủ đến sáng rồi bày quần áo rao bán. Khổ thì không thể kể hết, nhưng khi ấy vì quyết tâm lắm nên chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ cuộc để quay về”.

Ảnh minh họa: pixabay.com

“Vì mình là người Việt Nam”

Đó là lời nhắc nhở của ông Ánh với các con và cả cháu của mình về chuyện học tiếng Việt. “Vợ chồng tôi bôn ba bao năm qua cũng vì mưu cầu hạnh phúc cho các con. Tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định ngày ấy ở lại Đức của mình. Vợ chồng tôi không có khao khát gì hơn là chúng học hành tử tế để không vất vả như thời chúng tôi. Và trên hết, dù có mang quốc tịch Đức thì chúng vẫn máu đỏ da vàng, nên tôi thẳng thắn đề nghị con cháu phải nói tiếng Việt để còn biết tổ tiên đang ở Việt Nam. Điều tự hào nhất của tôi là các con và cháu tôi đều vui vẻ học tiếng Việt và dùng tiếng Việt sành sỏi”

Đồng cảm với ông Ánh, ông Hạnh nói “Nếu được chọn lại thì chắc chắn là không thay đổi quyết định của mình. Đối với tôi Việt Nam là quê hương của mình và của các con nên tôi luôn dạy các con không quên về cội nguồn quê hương, nên về Việt Nam thăm gia đình họ hàng khi có điều kiện. Khi về già tôi muốn ở lại Đức bên cạnh các con tôi.”

Cũng bày tỏ hài lòng về những năm tháng qua, ông Chính khẳng định “Cho tới thời điểm này tôi không hối tiếc điều gì, nếu được chọn lại tôi vẫn chọn con đường đã trải qua tuy có vất vả nhưng nhiều kỷ niệm buồn vui. Gia đình chúng tôi đã ổn định cuộc sống ở Đức, chúng tôi coi nước Đức là quê hương thứ hai thân thương yêu dấu. Sau này có về già thì lòng vẫn vang lên hai tiếng Quê Hương là chùm khế ngọt.”

Ông Chiến dành lời kết cho cuộc trò chuyện của chúng tôi: “Quả thật tôi vô cùng biết ơn nước Đức đã chìa tay ra với gia đình tôi suốt những năm tháng qua. Tôi hạnh phúc khi được đoàn tụ cùng các con, các con ăn học và đều hiếu thảo, thành đạt. Nếu ngày đó không liều lĩnh, có lẽ cuộc sống đã khác. Tôi hay khuyên các con mình học thật tốt, chăm lao động và lấy lao động làm niềm vui.”

Ông Chiến cho biết thêm hiện một trong số những người con của ông cũng đang làm việc trực tiếp với cộng đồng kiều bào người Việt tại Đức. “Mấy mươi năm trước tôi tay trắng ở lại Đức, bán sức lao động để kiếm sống; tính toán để xây dựng cơ ngơi. Giờ đây, thành quả tuyệt vời nhất của vợ chồng tôi là con cháu”, ông Chiến nói.

Mỗi buổi sáng, ông Ánh cùng vợ và đôi khi còn có cả hai ba đứa cháu ở xa về, đi dạo quanh khu hồ vừa đẹp vừa mát cách nhà tầm đôi cây số. Cách đó dăm bảy mươi mét, mỗi buổi chiều, gia đình ông Chiến có khi đến hàng chục thành viên khắp nơi sum vầy về khu vườn nhỏ phía sau nhà để vui vẻ nướng thịt, nói nói cười cười rộn rã cả một vùng. Ít tai biết rằng, rất nhiều gia đình sung túc ngày hôm nay như của ông Chiến, ông Ánh, cách đây gần 30 năm xuất phát từ một người – một quyết định táo bạo – một đôi bàn tay trắng – một trái tim rực cháy – một ý chí quyết tâm và một sự hi sinh lớn lao.

Tôi viết những dòng này, không phải dành cho những người như ông Chiến, ông Ánh, ông Chính hay ông Hạnh. Tôi viết cho tất cả chúng ta – những người Việt có quyền tự hào về cộng đồng kiều bào phồn thịnh giữa lòng cường quốc số một Châu Âu. Tôi viết cho thế hệ 1.5, thứ 2, thứ 3 và sau đó nữa, để họ thấu hiểu về một giai đoạn lịch sử đầy biến động với sự hi sinh lớn lao của cha ông họ, để họ có ngày hôm nay tuyệt vời trên nước Đức này.

* Ông Trần Ngọc Chiến, quê ở Hà Nội từng là đầu bếp và là chủ nhà hàng Việt Nam, hiện đã về hưu, đang sống cùng gia đình tại Ilmenau.

* Ông Đỗ Văn Ánh, quê ở Hải Phòng, hiện là đầu bếp và là chủ nhà hàng Việt Nam, hiện đang sống cùng gia đình tại Ilmenau.

* Ông Đào Ngọc Hạnh, quê ở Hà Nội, từng là thợ lắp ráp máy ảnh, đang sống cùng gia đình tại Dresden.

* Ông Hoàng Ngọc Chính (tên nhân vật được yêu cầu thay đổi), quê ở Hà Nội hiện đang sinh sống cùng gia đình tại Leipzig.

Văn Hồng