Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Tại sao nhiều giáo viên ở Đức thường xuyên biểu tình?

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Những năm gần đây, số lượng giáo viên tại Đức giảm đi đáng kể. Rất nhiều giáo viên cao tuổi đã về hưu, trong khi số giáo viên trẻ lên thay thế lại quá ít.

Bên cạnh làn sóng di dân, tỷ lệ sinh của dân Đức cũng đột ngột tăng mạnh trong khoảng 5 năm qua, khiến các chuyên gia dự đoán rằng, trong năm 2025 sẽ có hơn tám triệu học sinh phổ thông cơ sở tại Đức – nhiều hơn một triệu so với dự tính từ Hội nghị của Bộ Văn Hóa Liên Bang vào năm 2013. Từ nay đến lúc đó, các tiểu bang cần đầu tư hàng triệu Euro vào các chương trình giáo dục vì số giáo viên tiểu học còn thiếu tới 24.000 người và hơn nữa, trong khi số giáo viên dạy tại trường chọn (Gymnasium) lại quá nhiều.

Mức lương “trong biên chế” và hợp đồng quá chênh lệch

Theo bà Marlis Tepe, chủ tịch Công đoàn Giáo dục và Khoa học (Gewerkschaft Erziehung und Wissenschaft (GEW)), các tiểu bang cần “chỉnh đốn” lại hình ảnh tốt đẹp của giáo viên, đặc biệt giáo viên tiểu học cần được nhận mức lương tương tự mức lương của giáo viên các trường chọn.

Ngoài ra, ngành sư phạm cần thay đổi lại quy chế đào tạo, sao cho linh động và phù hợp hơn, từ việc chọn ngành, cấp chứng chỉ, để thu hút nhiều người quan tâm hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng ngay cả hệ thống trường học tại Đức cũng cần thay đổi phù hợp với hoàn cảnh, bởi rất có khả năng là từ năm 2027 đổ ra, số lượng học sinh tiểu học sẽ lại giảm xuống.

Quan sát mức lương giáo viên tại Đức sẽ thấy một sự chênh lệch rõ rệt giữa các tiểu bang và các loại trường. Nghề giáo viên tại Đức được chia làm hai nhóm, gồm (1) giáo viên theo biên chế nhà nước (verbeamtet) hưởng lương theo biên chế của từng bang (không cần đóng các loại phí xã hội như bảo hiểm hưu trí hay bảo hiểm thất nghiệp) và (2) giáo viên hợp đồng (angestellt) hưởng lương theo hợp đồng. Mức lương giáo viên tùy theo các tiểu bang quy định phụ thuộc vào độ tuổi, thời gian giữ chức vụ, chức vụ, loại trường và môn dạy.

Giáo viên hưởng lương theo hợp đồng thường nhận mức lương thấp hơn so với giáo viên công chức. Ví dụ: Một công chức giáo viên tiểu học sẽ có mức lương cơ bản (chưa trừ các phụ phí) tùy vào công việc và độ tuổi từ khoảng 3.300-3.500 Euro/tháng đến 4.500-4.700 Euro/tháng, trong khi mức lương cơ bản của một công chức giáo viên tại trường chọn lại cao hơn từ 4.100 Euro/tháng đến gần 5.000 Euro/tháng. Các hiệu trưởng của những trường lớn thường nhận mức lương cơ bản từ 5.500 Euro/tháng đến gần 7.000 Euro/tháng.

So sánh cụ thể hơn có thể lấy ví dụ một công chức giáo viên nữ dạy tại một trường chọn thuộc bang Nordrhein-Westfalen, 35 tuổi, độc thân, chưa có con, đã hành nghề được 8 năm, với mức lương cơ bản là 4.030 Euro – trừ đi thuế tiền lương bậc 1 khoảng 910 Euro – trừ đi phụ phí thuế lương khoảng 50 Euro – trừ đi đóng góp bảo hiểm y tế tư nhân khoảng 200-300 Euro, còn lại 2.820 Euro.

Trong khi đó, nếu người nữ giáo viên này làm công hưởng lương theo hợp đồng thì từ mức 4.030 Euro lương cơ bản, cô ấy sẽ bị trừ đi thuế lương bậc 1 khoảng 760 Euro – trừ đi phụ phí thuế lương khoảng 40 Euro, trừ đi bảo hiểm hưu trí khoảng 380 Euro, bảo hiểm thất nghiệp 60 Euro, bảo hiểm chăm sóc bệnh nhân 60 Euro và trừ tiếp phần đóng góp vào bảo hiểm y tế theo quy định là 300 Euro, còn lại 2.430 Euro. Như vậy, nhìn từ phía giáo viên hưởng lương theo hợp đồng thì mức lương của giáo viên công chức nhận được vẫn cao hơn tới 16%.

Ảnh minh họa: pixabay.com

Chế độ hưu trí chưa thỏa đáng

Vì thiếu giáo viên trầm trọng, nên nhiều nơi buộc phải nhận thêm nhân viên không chuyên hoặc dạy “chen ngang”, ví dụ là những người có bằng thạc sỹ nhưng không học và thi theo hệ thống sư phạm hoặc khi học đại học có một ngành học không phải môn học trong trường (ví dụ Lịch sử Mỹ thuật). Họ đều là những giáo viên không chuyên, vì thế cũng nhận mức lương thấp hơn rất nhiều, khởi điểm khoảng 2.700 Euro (thống kê tại Berlin) và chỉ được ký hợp đồng có thời hạn.

Ngay cả khi đã về hưu, mức lương của công chức giáo viên tại Đức cũng cao hơn giáo viên hợp đồng rất nhiều. Báo Bild đã làm khảo sát và so sánh: Một công chức đã từng công tác 41 năm sẽ nhận mức lương hưu cao gấp bốn lần (khoảng 557.568 Euro) so với người lao động bình thường có số năm công tác tương đương (chỉ khoảng 130.778 Euro), đã vậy còn không phải chi trả phụ phí cho bất cứ loại hình bảo hiểm tuổi già nào.

Ví dụ so sánh giữa một giáo viên công chức và một giáo viên hợp đồng cùng bắt đầu công việc từ tháng 11 năm 1965 và về hưu vào tháng 8 năm 2007: Mức lương cuối cùng của người giáo viên công chức là 3.723,16 Euro/tháng. Sau khi trừ đi thuế thu nhập và phụ phí thì ông ta sẽ nhận mức lương hưu là 2.816 Euro. Cũng khoảng thời gian như vậy, nhưng người giáo viên hợp đồng chỉ nhận được 1.674,57 Euro/tháng tiền hưu trí. Theo một thống kê của Qũy Bảo Hiểm hưu trí bang Baden-Württemberg thì người giáo viên hợp đồng trong suốt quá trình công tác của mình đã phải trả vào quỹ hưu trí 200.787,39 Euro.

Lương giáo viên ở Đức cao thứ hai ở EU

Trong Châu Âu, mức lương trung bình của giáo viên tại Đức xếp thứ hai với 55.252 Euro/năm (theo thống kê của năm 2016), đứng đầu bảng là Luxemburg với 98.195 Euro/năm, Tây Ban Nha (46.231 Euro) vẫn đứng trước Anh (41.308 Euro), Ý (33.436 Euro) và Pháp (31.481 Euro). Xếp cuối cùng là Ba Lan chỉ với 15.569 Euro/năm.

Cẩm Chi