Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Sông vẫn chảy về biển bắc

Ảnh minh họa: Trung Hiếu

Con người ta ở đâu cũng vậy, chẳng phải người Việt hay người Đức, chữ “TÌNH”, chữ “NGHĨA” bao giờ cũng được trân trọng giữ gìn.

Ở nước Đức, các con sông lớn (trừ sông Đanuýp) đều chảy ra biển phía Bắc, phía Nam và Đông Nam của họ là vùng núi cao. Nếu như Người Việt Nam chúng ta có câu “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”, thì người Đức cũng có một câu thổ lộ tình yêu rất hay: “Anh đi bộ từ cực Bắc đến cực Nam để được em hôn”. Thành phố tôi ở cũng có câu chuyện “Anh ở đầu sông, em cuối sông”, nhưng có khác một chút.

Halle nằm bên dòng Saale êm đềm, cách Muenchen (thủ phủ bang Bayern) 450 km. Cửa hàng làm móng tay của vợ chồng tôi nằm ngay lối vào trung tâm thành phố. Đã nhiêu năm nay, chúng tôi có một lượng khách quen khá ổn định. Họ gồm đủ các thành phần và lứa tuổi trong xã hội: Các cụ về hưu, các bà văn phòng, các cô sinh viên và đôi khi có một hay hai cô gái điếm… Người ở gần thì đi bộ tới cửa hàng; xa chút nữa thì đi xe đạp hay tầu điện; số ít phải đi bằng ô tô, cũng mất nửa tiếng đồng hồ. Nhưng riêng cụ bà Thiele 70 tuổi, phải đi bằng tầu nhanh liên vận mất 5 tiếng 30 phút!

Ngày xưa ở Halle, vợ chồng bà Helga Thiele chơi rất thân với vợ chồng ông Peter Duering, vì từ thời học sinh, họ đã rất tâm đầu ý hợp và hơn nữa, sau này lại cùng làm công nhân trong một nhà máy. Những ngày nghỉ phép, họ thường rong ruổi trên mọi nẻo đường phía Đông trong chiếc Traban bé tí tẹo. Cuối tuần họ hay ra nhà vườn cuốc xới, trồng rau trồng hoa, thưởng thức món Bít tết nướng, rồi ôm nhau nhau tưng bừng trong điệu Discofox bốc lửa. Mức sống của họ chưa được cao như bên Tây Đức, nhưng bù lại, họ không bao giờ sợ thất nghiệp, không chịu nhiều áp lực trong cuộc sống và điều quan trọng nhất: Họ tràn trề hạnh phúc… Sau cuộc cách mạng “nhung” vĩ đại do gia cấp công nhân thực hiện, nước Đức hân hoan thống nhất hai miền Đông – Tây. Một dòng chảy con người và sức lao động mới, bắt đầu ào ạt tràn sang “phương Tây không có gì lạ”. Họ cũng chẳng khác gì những đàn chim sếu – biết tìm nơi ấm áp mà bay đi tránh một mùa đông giá lạnh.

Nhưng rồi họ phải chia tay! Bà Thiele cùng chồng trở về quê ông ở thành phố Muenchen sinh sống. Muenchen là thủ phủ của tiểu bang Bayern – nơi có cội nguồn dòng Danuýp trong xanh và xinh đẹp vào bậc nhất châu Âu.

Ở quê, hai vợ chồng sống bên nhau được gần 20 năm nữa thì ông qua đời. Bà Thiele còn lại một mình bên chục đứa con và cháu. Nhờ được nhận thêm phần trăm lương hưu của người chồng quá cố, bà Thiele có một cuộc sống rất an nhàn, dư dả. Bà thường bỏ thời gian đi du lịch đó đây và mua sắm cho mình cùng các cháu. Vậy! Nhưng trong bà vẫn vấn vương nỗi buồn riêng và không nguôi nhớ người chồng đã khuất. Những lúc muộn phiền hay khi rảnh rỗi, bà Thiele lại gọi điện chuyện trò tâm sự với vợ chồng ông bà Duering ở Halle. Bà nuối tiếc cuộc sống xưa khi vẫn còn đủ bốn người, nó bình lặng, giản đơn, nhưng vui và ấm áp thấm đậm tình người.

Bẵng đi một thời gian, bà không liên lạc được với ông bà Duering nữa. Mấy lần bà gọi vào máy mà không có ai ở nhà. Một hôm bà nhận được điện thoại từ Halle, lần này là ông Duering cầm máy. Với một giọng buồn bã, mệt mỏi, ông nói với bà Thiele rằng, vợ ông rất mong muốn gặp bà để nói một câu chuyện vô cùng hệ trọng… Bà Thiele đáp chuyến tàu nhanh vào lúc 6 giờ 45. Sau khi vượt qua 450 km, bà xuống ga Halle lúc gần 12 giờ. Ông Duering đã chờ bà ngay dưới chân cầu thang. Vừa kéo chiếc va li nhỏ cho bà Thiele, ông vừa nói qua hơi thở gấp gáp:

– Chúng ta phải đến ngay bệnh viện Kroenwitz. Anika mắc chứng viêm phổi, đang mong bà đến.

– Sao ông bà không điện cho tôi? Cả tháng nay rồi còn gì!

Ông Duering xin lỗi vì quá bận, suốt ngày bên vợ ở bệnh viện. Ông không nghĩ được điều gì hơn nữa.

Xe chạy qua những con đường quen thuộc năm xưa làm bà Thiele nhớ lại những kỉ niệm thân thương của bốn người, khi họ còn đang tuổi học trò tại trường Francke. Nhưng trưa hè oi ả, sau khi tan trường, cả bốn đứa lại rủ nhau lên tàu điện, ra quảng trường thành phố ăn kem. Ngồi dưới chân bức tượng nhạc sĩ Haendel, Anika từng mơ ước sau này sẽ trở thành bác sĩ nhi khoa… Bà Thiele đến nơi thì người bạn gái đang trong cơn hấp hối. Người đàn bà sắp ra đi, hai tay nắm tay chồng và người bạn gái từ nơi xa tới, bà run rẫy nói: Trước khi chết, tôi có hai nguyện vọng. Thứ nhất là, xin chồng hãy thay bà mà chăm sóc người cha đã ngoài 90 tuổi. Thứ hai là, xin ông Duering và bà Thiele hãy đến với nhau để nương tựa tuổi già.

Hai người đã thực hiện đúng những lời hứa với người ra đi. Đã nhiều năm nay, ông Duering vừa chăm sóc cha vợ tại nhà, vừa chăm sóc phần mộ của vợ ở nghĩa trang Hutten. Cũng đã từng ấy năm nay, bà Thiele đều đặn tháng một lần, từ Muenchen đến thăm ông Duering ở Halle. Đến đây, bà lại cùng ông đẩy chiếc xe hai bánh đưa bố người bạn gái đi dạo ven rừng Heidenord. Vào dịp nào đúng chủ nhật cuối cùng trong tháng 11, họ lại ra nghĩa trang đặt hoa trên mộ người xưa… Nghĩ tới đường xa vạn dặm, tuổi đã cao và mỗi lần đi về tiền vé của bà cũng mất mấy trăm bạc, tôi hỏi:

– Sao bà không chuyển luôn về Halle cho tiện?

Bà nói:

– Ở Muenchen, tôi còn con cháu và phải chăm sóc phần mộ của chồng cũ.

Hằng tháng, mỗi lần đến thăm ông Duering, để lưỡng tiện, bà lại vào chỗ tôi làm móng. Bà bảo: “Chất lượng thì như nhau, nhưng ở đây làm rẻ hơn Muennchen tới cả chục đồng”. Cửa hàng tôi có bán “Gutschein” (mua phiếu tặng trả tiền trước), nên mỗi lần Gutschein hết tiền, ông Duering lại đến mua tiếp để tặng bà.

Ngẫm ra, con người ta ở đâu cũng vậy, chẳng phải người Việt hay người Đức, chữ “TÌNH”, chữ “NGHĨA” bao giờ cũng được trân trọng giữ gìn.

Nguyễn Công Tiến (Halle)