Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Sách giấy mang lại cho trẻ em nhiều lợi ích hơn sách điện tử

Ảnh minh họa: pixabay.com

Ngày nay, nhiều người cho rằng các thiết bị kỹ thuật số có thể thay con người làm rất nhiều việc, kể cả việc đọc sách cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng, “kiến thức” thật sự con học được không chỉ là thông tin, đó chính là “sự tương tác”, là cảm nhận của niềm vui trong việc cùng nhau trải nghiệm điều gì đó.

Thời đại công nghệ ngày nay, thiết bị kỹ thuật số đang hiện hữu trong nhiều lĩnh vực. Chúng ta dễ dàng thấy một điều rằng, các thiết bị đang thay bạn đọc sách cho con bạn, cho cháu bạn, cho học sinh của bạn. Dù vậy, có những khía cạnh mà người lớn không ngờ tới, và đôi khi chính bản thân chúng ta cũng cần học hỏi từ điều đó, chính là sự tương tác những cảm xúc giữa người với người, hay giữa người lớn và trẻ nhỏ là điều quan trọng nhất trong việc học bất cứ điều gì, tất nhiên kể cả với việc đọc sách.

Tác giả Leah Campbell, một nhà văn chuyên viết về đề tài chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, sẽ cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này qua nghiên cứu từng được xuất bản trên tạp chí Healthline.

Việc đọc sách bằng sách điện tử và sách in cho kết quả khác biệt

Cô Jennifer Dorety là một giáo viên mầm non sống ở New York. Trong 17 năm giảng dạy, chỉ duy nhất một lần cô đọc sách điện tử cho các học sinh của mình, và đó lại là lần thất bại hoàn toàn. Cô nói với tờ Healthline: “Tôi thấy rằng bọn trẻ không thể nhớ những thông tin trong cuốn sách cũng như không có được trải nghiệm thực tế từ đó. Tôi đã đặt câu hỏi sau khi câu chuyện kết thúc, nhưng các em không thể trả lời. Trường hợp này sẽ không xảy ra khi chúng ta đọc một cuốn sách in”.

Cô Dorety giải thích thêm rằng các học sinh của cô rất háo hức khi cô ấy chuyển sang trang tiếp theo, các em dường như không tương tác khi cô đọc sách điện tử. Dorety đã nhận thấy những tín hiệu không khả quan khi cô đọc sách điện tử, vì thế cô cho rằng việc quay lại đọc sách in như thường lệ cho học sinh là việc tốt hơn.

Trải nghiệm của cô Dorety không phải là trường hợp cá biệt. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu mới đã chứng minh cách học sinh phản ứng với sách điện tử đúng như trường hợp các học sinh của cô Dorety.

Trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên Pediatrics, đã ghi hình 37 cặp cha mẹ và trẻ mới biết đi, họ cùng đọc ba loại sách khác nhau: sách điện tử nâng cao (với hiệu ứng âm thanh và hoạt hình), sách điện tử và sách in. Các cặp này sau đó được quan sát về số lần và những cách tương tác khi họ nghe đọc sách.

Kết quả là, các vị phụ huynh thể hiện sự gắn kết nhiều hơn khi nghe đọc sách in, đồng thời thể hiện khả năng tiếp thu nhiều câu chuyện hơn trong khoảng thời gian năm phút. Những đứa trẻ mới biết đọc cũng đã nói nhiều hơn về những cuốn sách in mà chúng đang được đọc, và có nhiều dấu hiệu của sự gắn kết phi ngôn ngữ diễn ra giữa các cặp.

Tiến sĩ Tiffany Munzer, trưởng nhóm nghiên cứu, thành viên khoa phát triển-hành vi nhi đồng tại Đại học Michigan thuộc Bệnh viện C.S Mott Children cho biết: “Cùng nhau đọc sách là một trong những hoạt động quan trọng nhất giúp trẻ phát triển mà các gia đình nên tham gia”. Tiến sĩ Munzer cho rằng khi ngày càng nhiều người sử dụng các thiết bị điện tử, các bậc cha mẹ càng nên biết rằng cách mà cha mẹ và trẻ nhỏ tương tác với sách điện tử khác rất nhiều so với sách in.

Sự trỗi dậy của sách điện tử và lý do cho việc giảm chất lượng đọc

Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy những người trưởng thành dùng thiết bị Kindle đã tiếp thu ít kiến thức hơn nhiều khi so sánh với những người đọc sách in. Tuy nhiên, việc đọc sách điện tử đang gia tăng, ngay cả với trẻ em, một nghiên cứu năm 2013 cho thấy số trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 17 đọc sách điện tử đã tăng gần gấp đôi trong suốt ba năm.

Khi được hỏi lý do gì có thể giải thích cho việc giảm tương tác khi đọc sách điện tử, tiến sĩ Munzer đã đưa ra giả thuyết: “Cha mẹ và trẻ sẽ biết cách cùng tham gia vào việc đọc một cuốn sách, nhưng khi có sự tham dự của một chiếc máy tính bảng vào, nó làm mất đi một số lợi ích tích cực của việc đọc sách. Đương nhiên không phải để nói rằng đọc sách điện tử không mang lại lợi ích gì cả, chỉ là nó đem lại ít lợi ích hơn”.

Cô giáo Doherty cho rằng nguyên nhân có thể liên quan đến việc các thiết bị điện tử thường gây sao nhãng cho người đọc. Cô nói: “Nhiều ánh sáng hơn, màu sắc nhấp nháy, nhiều âm nhạc và âm thanh ồn ào hơn. Người đọc cũng có mong muốn di chuyển mọi thứ nhanh hơn, lướt qua câu chuyện mà không dành thời gian để tiếp thu thông tin”.

Tiến sĩ Munzer nhấn mạnh rằng sự tương tác giữa cha mẹ và con cái trong quá trình đọc là rất quan trọng. Cô giải thích: “Tất cả các khía cạnh liên quan đến sự phát triển não bộ của một đứa trẻ xảy ra thông qua hoàn cảnh của những mối quan hệ tích cực này, với những người chăm sóc chúng. Sự tham gia này thúc đẩy trẻ học ngôn ngữ, khả năng giải quyết vấn đề và kết nối với cha mẹ hoặc những người thân khác”.

Những tương tác cảm xúc thật sự là không gì so sánh được

Khi được hỏi liệu trẻ nhỏ có thể có được lợi ích không khi nghe đọc sách điện tử mà không có sự tương tác với cha mẹ chúng? Ông Dana Robertson, giám đốc điều hành của Trung tâm nghiên cứu văn học và phòng khám tại Đại học Bang Utah, đã trả lời rằng ông không nghĩ đó là cách làm tích cực, khi lợi ích của việc đọc sách đến từ việc tương tác cùng nhau giữa phụ huynh và con trẻ.

Ông nói: “Không gì có thể so sánh với lợi ích của việc cha mẹ và con trẻ đọc một cuốn sách cùng nhau. Những lợi ích của việc đọc sách chính là đến từ bản chất của sự tương tác, vì các bậc cha mẹ mới có khả năng đáp ứng những nhu cầu cảm xúc và xây dựng cho trẻ niềm yêu thích đọc sách”.

Ông giải thích rằng bằng cách này, người lớn có thể khiến cho nội dung cuốn sách trở nên dễ hiểu, hấp dẫn hơn đối với trẻ, trẻ cũng có thể tiếp thu những khái niệm về thế giới rộng lớn hơn, đồng thời thúc đẩy khả năng ngôn ngữ biểu cảm của trẻ bằng cách khuyến khích trẻ nói về những nội dung trong sách. Điều này chứng minh rằng cảm xúc đóng vai trò rất quan trọng, sự kết nối tình cảm giữa người lớn và trẻ nhỏ khiến cho việc đọc trở nên dễ dàng và thú vị hơn.

Sự tương tác là yếu tố then chốt

Ông Robertson cho rằng sự tương tác cũng có thể xảy ra khi sử dụng thiết bị kỹ thuật số, nhưng người lớn nên tắt các tính năng tường thuật, sử dụng các tính năng để điều khiển nhịp độ và họ nên là người đọc cho trẻ nghe.

Sự thật là các chương trình đọc cho con bạn không thể cung cấp sự tương tác như vậy, bởi vì, như ông Robertson giải thích, trải nghiệm việc đọc sách cùng nhau mang lại sự tương tác cần thiết cho trẻ.

Đọc sách cho trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ là một hoạt động dựa trên cảm xúc. Trẻ cần nghe giọng nói thật, cảm nhận bạn ở bên cạnh, cảm thấy thoải mái,…Tất cả những điều này làm cho trải nghiệm trở nên tích cực, sau đó kích hoạt cảm xúc tích cực dành cho việc đọc sách, từ đó xây dựng cho trẻ những trải nghiệm tích cực và thường xuyên hơn đối với việc đọc khi trẻ lớn lên.

Tiến sĩ Munzer cho biết so với việc không đọc gì cả, thì việc đọc sách điện tử có thể là tốt hơn, nhưng trẻ em thực sự cần được hướng dẫn để học từ bất kỳ loại phương tiện nào, và một cuốn sách chỉ đơn giản là giúp trẻ học tốt hơn. Ngoài ra, niềm vui từ việc đọc sách cùng cha mẹ cũng khiến trẻ biết trân trọng giá trị của việc đọc.

Tìm niềm vui trong việc đọc

Tiến sĩ Munzer không muốn kết quả của nghiên cứu này làm nản lòng các bậc cha mẹ, hoặc làm cho họ cảm thấy như thể họ đã chưa cố gắng đủ. Cô nhấn mạnh: “Cha mẹ ngày nay phải làm việc chăm chỉ và càng cần phải quan tâm con cái nhiều hơn bao giờ hết. Mục tiêu chắt lọc những phát hiện trong nghiên cứu của chúng tôi không phải để làm các phụ huynh cảm thấy khó khăn hơn, mà là để giúp các gia đình nhận được phản ánh đúng về các hoạt động mà họ tham gia trong việc nuôi dưỡng, kết nối với con cái của mình, bởi vì điều mà cha mẹ cần làm là tìm ra niềm vui cho con trong hoạt động bổ ích này”.

Cô giáo Dorety cũng cho rằng trải nghiệm niềm vui là một trong những lý do lớn mà cô sẽ tiếp tục đọc sách in cho học sinh mỗi ngày. Cô nói: 

Đối với tôi, không có gì tuyệt hơn là được nhìn thấy khuôn mặt rạng ngời của các em học sinh khi tôi đọc sách. Tôi thay đổi giọng nói của mình cho từng nhân vật và tôi thấy mình giống như các em, bị hấp dẫn theo mỗi từ ngữ trong câu chuyện vậy.

Theo The Epoch Times, 

Tâm An

Nguồn: dkn.tv