Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Nước Đức ra sao sau ‘thời đại Merkel’?

Ảnh minh họa: pixabay.com

Năm 2021 là một năm đầy những quyết định mang tính bước ngoặt của nước Đức, trong đó gồm 6 cuộc bầu cử nghị viện, bầu cử quốc hội, lãnh đạo đảng và bầu thủ tướng.

Mở đầu một năm đầy biến động là đại hội bầu lãnh đạo Đảng CDU. Sau thời gian dài trì hoãn, đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) dự kiến tiến hành đại hội đại biểu để bầu lãnh đạo mới vào ngày 16/1/2021. Hiện có 3 ứng cử viên sáng giá cho chức chủ tịch CDU gồm ông Armin Laschet (thống đốc bang Nordrhein-Westfalen), ông Friedrich Merz (cựu lãnh đạo nhóm nghị sỹ liên Đảng CDU/CSU trong Quốc hội liên bang) và ông Norbert Röttgen (cựu Bộ trưởng Môi trường).

Các đại biểu CDU sẽ tiến hành bầu chủ tịch dựa trên sự phù hợp với đường lối, chính sách của đảng. Chủ tịch mới sẽ có quyền quyết định thành lập liên minh các đảng phái chính trị trong tương lai. Có ý kiến cho rằng, liên đảng CDU/CSU sẽ thành lập chính phủ liên minh với đảng Xanh, nhưng tất nhiên việc này còn phụ thuộc vào quyết định của vị chủ tịch CDU mới.

Thủ tướng Angela Merkel công khai ủng hộ việc thành lập liên minh giữa CDU/CSU và đảng Xanh nhưng bà đã tuyên bố sẽ rút khỏi sân khấu chính trị nước Đức sau khi kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng vào năm 2021. Khi nhiệm kỳ của Thủ tướng Merkel kết thúc, trong nội bộ đảng CDU sẽ xảy ra những thay đổi lớn và người dân sẽ thấy rõ tầm quan trọng của bà khi còn lãnh đạo nước Đức.

Đảng Xanh và cuộc chạy đua tới quyền lực

Tháng 3/2021, các cuộc bầu cử nghị viện bang ở Rhineland-Pfalz và Baden-Württemberg sẽ diễn ra. đảng Xanh mong muốn duy trì được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri bang Baden-Württemberg. Bà Annalena Baerbock, chủ tịch đảng Xanh phát biểu tại đại hội đảng vào tháng 11/2020: “Hãy biến năm 2021 thành khởi đầu của một kỷ nguyên mới”. Đảng Xanh muốn rời khỏi phe đối lập và tiến thẳng tới chức vị Thủ tướng hay ít nhất là giành được ghế trong chính phủ. Liệu đảng đối lập hiện đang có ít ghế nhất trong Quốc hội sẽ đạt được kỳ vọng hay sẽ tiếp tục thất bại? Kết quả sẽ rõ khi cuộc “siêu bầu cử” diễn ra vào tháng 9 năm nay.

Tiếp nối hai cuộc bầu cử ở trên là cuộc bầu cử nghị viện bang ở Thuringen vào tháng 4, ở Sachsen-Anhalt vào tháng 6. Vào mùa thu sẽ diễn ra cuộc bầu cử quốc hội cùng với cuộc bầu cử nghị viện bang ở Berlin và Mecklenburg-Vorpommern.

Đảng Cánh tả (Die Linke)

Tình hình của đảng Cánh tả tại bang Thüringen cho thấy, ông Bodo Ramelow, chính trị gia duy nhất được bầu làm thủ hiến bang, đang đấu tranh cho vị trí của mình trong phủ Thủ tướng. Ngoài ra, ghế chủ tịch đảng sẽ có thay đổi vào tháng 2 năm nay. Dự kiến bà Janine Wissler, chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng Cánh tả tại bang Hessen và bà Susanne Henning-Wellsow, lãnh đạo đảng Cánh tả tại bang Thüringen sẽ trở thành đồng chủ tịch đảng. Liệu hai người phụ nữ với những quan điểm khác nhau sẽ dẫn dắt đảng Cánh tả đến với chiếc ghế trong chính phủ hay vẫn tiếp tục giữ vị trí phe đối lập?

Đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP)

Trong Đại hội Đảng tháng 9/2020, chủ tịch Lindner đã đưa ra mục tiêu dẫn dắt FDP giành vị trí trong chính phủ và nhấn mạnh ông rất nghiêm túc với việc này. Cuộc bầu cử quốc hội năm nay sẽ chứng minh liệu ông có làm được như đã hứa hay không.

4 năm trước, chủ tịch FDP bất ngờ tuyên bố rút lui khỏi cuộc đàm phán thành lập “Liên minh Jamaica“* với CDU và đảng Xanh vào phút chót. Quyết định này vẫn là “vết nhơ” đeo bám ông đến tận ngày hôm nay.

Đảng Dân chủ Xã hội Đức

Cho tới nay, mới chỉ có đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) chỉ định ứng cử viên thủ tướng ra tranh cử là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Liên bang Olaf Scholz. Ông tự tin khẳng định sẽ chiến thắng mặc dù kết quả các cuộc thăm dò cho thấy ngày càng có ít cử tri ủng hộ đảng của ông.

Ông Scholz được đông đảo người dân nước Đức biết đến và ủng hộ. Ngoài ra, ông cũng là ứng cử viên duy nhất có mặt sẵn trong chính phủ lâm thời (liên minh chính phủ giữa đảng SPD và Liên đảng CDU/CSU). Nhưng vẫn khó có thể hình dung ra một bức tranh về liên minh chính phủ do đảng SPD đứng đầu.

Con đường khác cho nước Đức (AfD)

Tuy nhiên trong năm nay, có khả năng một liên minh chính phủ “chưa từng có tiền lệ trong lịch sử“ sẽ lên ngôi. Chỉ có một vấn đề là không đảng nào muốn liên minh với AfD. Đảng AfD vẫn không nhận được nhiều sự ủng hộ của công chúng dù cho phát ngôn viên Jörg Meuthen đang cố gắng phủ lên bề ngoài đảng cực hữu này một lớp sơn tư sản và làm cho đảng trông giống như một đảng bảo thủ “bình thường”.

Từ nhiều tháng nay, trong nội bộ AfD đã diễn ra cuộc tranh giành quyền lực giữa phe ôn hòa của Meuthen và những người ủng hộ phe cực đoan “Flügel” do Björn Höcke sáng lập nên. Để phân định thắng thua phải dựa vào tỷ lệ phiếu bầu của các đại biểu đảng AfD và câu hỏi liệu đảng AfD có cơ hội hợp tác với Đảng CDU ở cấp liên bang hay không. Điều đó cũng lại phụ thuộc vào đường lối và chính sách của chủ tịch CDU trong tương lai. Như vậy có thể thấy, cuộc “siêu bầu cử” vào tháng 9 năm nay sẽ tác động đến nền chính trị nước Đức ở nhiều khía cạnh.

Giang Bùi  (tagesschau.de)

Nguồn: vtc.vn