Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Nga hối thúc Đức thông qua Dòng chảy phương Bắc 2 làm dịu khủng hoảng năng lượng châu Âu

Ảnh minh họa: pixabay.com

Việc thông qua nhanh chóng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có thể giúp làm giảm giá khí tự nhiên, một quan chức cấp cao Nga nhận định giữa bối cảnh châu Âu đang nỗ lực giải quyết khủng hoảng năng lượng ngày càng leo thang.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết hôm 6/10 rằng, “việc sớm hoàn tất sự thông qua” dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ giúp “làm dịu tình hình hiện tại”. Đường ống dẫn khí trên, chạy từ Nga sang Đức qua Biển Baltic, đang chờ sự thông qua từ các nhà chức trách Đức.

Dòng chảy phương Bắc 2 được hoàn thành vào tháng trước bất chấp sự phản đối từ một số quốc gia, trong đó có Mỹ khi Washington cảnh báo dự án này sẽ giúp thúc đẩy ảnh hưởng của Nga ở châu Âu. Chính quyền Tổng thống Biden công bố hồi tháng 7 rằng Mỹ đã đạt được một thỏa thuận với Đức, cho phép việc xây dựng đường ống này tiếp tục diễn ra, song đổi lại Đức phải hỗ trợ cho Ukraine.

Hiện nay, Dòng chảy phương Bắc 2 có thể đóng vai trò nhất định trong việc làm giảm giá khí đốt. Giá khí tự nhiên ở châu Âu đã tăng hơn 130% kể từ đầu tháng 9 và tăng cao hơn 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu từ Dịch vụ Tình báo Hàng hóa Độc lập tiết lộ.

“Cú sốc giá cả này là một cuộc khủng hoảng bất ngờ trong thời điểm quan trọng hiện nay. Ưu tiên cấp bách là làm giảm nhẹ những tác động xã hội và bảo vệ các hộ gia đình dễ tổn thương”, người đứng đầu cơ quan năng lượng EU Kadri Simson cho biết hôm 6/10, đồng thời xác nhận khối này sẽ đưa ra phản ứng chính sách dài hạn vào tuần tới.

Giá khí đốt đã giảm sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết cùng ngày rằng Nga có thể tăng sản lượng đầu ra và tập đoàn khí đốt sở hữu nhà nước Gazprom chưa bao giờ “từ chối tăng nguồn cung cho các khách hàng nếu họ đưa ra giá cả hợp lý”.

Tổng thống Putin cũng khẳng định Nga luôn là “một nhà cung cấp khí đốt đáng tin cho các khách hàng trên khắp thế giới”.

Khi được hỏi ngày 9/10 về việc thúc đẩy xuất khẩu, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định, “điều này phụ thuộc vào các yêu cầu, nghĩa vụ hợp đồng và các thỏa thuận thương mại”./.