Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Làm dâu xứ người

Tòa thị chính TP (bao gồm Sở Ngoại kiều) bang Badenwürttemberg, miền Nam nước Đức, nơi giải quyết giấy tờ kết hôn có yếu tố nước ngoài. Ảnh: sggp.org.vn

Dưới cái nắng như đổ lửa mùa hè, trước cổng Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, Thục không dấu được vẻ mặt lo âu khi bước vào vòng phỏng vấn – một thủ tục bắt buộc của mỗi người Việt trong khâu làm giấy tờ kết hôn với công dân Đức và có tính quyết định nhận được hay không nhận được visa sang Đức kết hôn cùng công dân bản địa.

Gian nan từ khâu làm thủ tục 

Một năm trước đây, Thục cũng từng lên đây phỏng vấn nhưng bị trượt vì song song với đầu cầu bên kia, Sở Ngoại kiều Đức cũng gọi chồng sắp cưới của cô lên đặt các câu hỏi có liên quan để hai bên nhà chức trách bí mật đối chứng kết quả.

Thục cùng chồng sắp cưới bị “lệch pha” khá nhiều khi được hỏi cùng một câu hỏi, một vấn đề. “Ông nói gà, bà nói vịt”, cuối cùng kết quả hai người nhận được là có quá nhiều điểm nghi ngờ về mục đích và tính xác thực trong việc kết hôn.

Những câu hỏi thời điểm đó nhân viên Đại sứ quán đưa ra không khó nhưng khá bất ngờ và làm cô bị khớp. Hai bên đã từng đi nghỉ cùng nhau những đâu, thời điểm gần nhất chồng (vợ) bay sang gặp nhau là khi nào, trong thời gian bao lâu? Số điện thoại của chồng (vợ) bạn đang sử dụng là gì? Khổ, gọi điện nói chuyện hàng ngày từ hai nửa địa cầu, nhưng cô không ý thức để lưu vào bộ nhớ số điện thoại cùng mã vùng quốc tế dài dằng dặc của chồng, anh chồng sắp cưới người Đức của cô cũng không nhớ số của vợ…

Những tình huống trớ trêu trên cộng với tâm lý lo lắng trong quá trình phỏng vấn khiến cô không thể nào bình tĩnh. Cô ấm ớ như gà mắc tóc, không nhớ nổi nhưng thông tin cá nhân cần thiết của chồng sắp cưới.

Sau buổi phỏng vấn đó, cô nhận được thông tin hồ sơ của mình bị xếp vào danh mục “cưới giả”. Không chịu đầu hàng, chồng sắp cưới người Đức của cô thuê luật sư vào cuộc và Đại sứ quán buộc phải tiếp tục tiến hành những thủ tục để đảm bảo quyền hôn nhân hợp pháp và đoàn tụ của hai người. Lần này, cô hy vọng mọi thứ xuôi chèo mát mái để mối tình 4 năm của cô và anh kết thúc có hậu.

Gian nan không kém gì Thục, Hằng quen chồng sắp cưới người Đức thông qua một người bạn giới thiệu đã 3 năm và làm giấy tờ kết hôn đã hơn 1 năm nhưng tới giờ vẫn chưa ngã ngũ.

Những thủ tục giấy tờ kết hôn phức tạp liên quan tới yếu tố người nước ngoài, cộng với việc không có ai tư vấn đường đi nước bước, làm giấy tờ theo kiểu bổ sung nhỏ giọt, thiếu đến đâu nhà chức trách yêu cầu bổ sung đến đó, vừa hoàn thiện được giấy khai sinh gốc thì quay sang giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân lại hết hạn trong vòng 6 tháng – khiến quá trình làm giấy tờ của cô với bạn trai lâu năm người Đức giậm chân tại chỗ.

Tới nay, Hằng bổ sung đi bổ sung lại giấy xác nhận tình trạng hôn nhân 2 lần, mà ngày gọi phỏng vấn vẫn chưa tới. Chồng sắp cưới của cô bên Đức đã được Sở Ngoại kiều gọi lên nộp lệ phí để 2 bên Đại sứ quán Đức tại Hà Nội và Sở Ngoại kiều đóng tại Đức liên kết làm việc và thuê luật sư xác minh tình trạng hôn nhân của cô, nhưng chưa được nhà chức trách phía Việt Nam gọi lên xác nhận hay phỏng vấn, có nghĩa là ngày đoàn tụ của đôi trẻ còn xa và còn lắm nỗi gian truân.

Tuy nhiên, với Thục, với Hằng, vấn đề thử thách chỉ là thời gian. Họ chỉ cần có sự bền bỉ kiên nhẫn là sẽ thành công. Còn với bà Liễu, người Hải Phòng, năm nay đã 60 tuổi, lên chức bà nội bà ngoại ở Việt Nam – thì việc kết hôn với một người đàn ông gốc Việt quốc tịch Đức cũng đã ngoài 60 tuổi, gian nan càng bội phần.

Ngoài những giấy tờ liên quan đến việc kết hôn với người nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài thông thường, theo luật định cư ở Đức, bà còn phải bổ sung thêm bằng A1 tiếng Đức – không hề đơn giản đối với một người đã có tuổi dẫn đến hạn chế khả năng học tiếng như bà. Bà đã thi đi thi lại đến 4 lần chứng chỉ này ở Viện Goethe nhưng chưa thành công.

Vậy là cặp vợ chồng già sắp cưới vẫn chỉ gặp nhau hàng ngày qua mạng xã hội. Bà vẫn cứ miệt mài đi học, đi thi để mong có ngày thành công với chứng chỉ A1 và bổ sung vào bộ hồ sơ kết hôn.

Không phải mọi thứ lấp lánh đều là vàng

Hằng, Thục, sau hơn một năm bền bỉ với Đại sứ quán, với những thủ tục giấy tờ rườm rà liên quan đến yếu tố kết hôn với người nước ngoài, cuối cùng họ cũng đã xin được visa đoàn tụ và sang Đức kết hôn. Tuy nhiên, mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Cuộc sống nơi trời Tây không như mộng tưởng.

“Kiếm đồng tiền nơi xứ người không dễ” là nhận định chung của Hằng, của Thục và bao cô gái Việt làm dâu nơi bản xứ. Họ chứng kiến những đồng hương của mình lao động vất vả ở những quán ăn nhanh, cửa hàng làm móng hay cắt tóc gội đầu, lắm khi vì mải việc, bữa trưa qua quýt chỉ là quả chuối hay uống tạm cốc nước cầm hơi. Bố mẹ, anh chị em có những con em sang Đức định cư sinh sống, nhận được đồng tiền gửi về, đâu biết rằng đó là mồ hôi xương máu lao động vất vả xứ người quy đổi.

Gia đình Hằng, Thục phía Việt Nam gọi điện giục các cô gửi tiền về phụ giúp. Hôm nay là tiền cho thằng cháu đóng học phí đại học, ngày mốt là tiền giúp bố mẹ sửa sang lại căn nhà cấp bốn… Cứ như thế, các cô quay cuồng trong những nhu cầu bất tận của gia đình phía Việt Nam mà đôi khi quên đi chính nhu cầu của mình nơi bản địa.

Mới sang Đức định cư, việc chính các cô cần làm bây giờ là sinh con, duy trì hạnh phúc gia đình và song song đó là quá trình trau dồi tiếng. Các cô chưa thể đi làm ngay để tự kiếm tiền. Những ông chồng Đức, tuy bảng lương trước và sau khi kết hôn đã được cải thiện rất nhiều (mức lương từ bậc 5 dành cho người độc thân chuyển sang bậc 3 dành cho người đã kết hôn), nhưng nhu cầu cuộc sống, số lượng nhân khẩu trong gia đình tăng lên, chi phí đắt đỏ khi nuôi một em bé… khiến mức thu nhập cuối cùng cũng trở nên bão hòa.

Đức là nước có phúc lợi xã hội cao nhất nhì châu Âu, song để hưởng những dịch vụ đó, những người đương độ tuổi lao động cũng chịu không ít áp lực, chấp nhận đóng thuế cũng thuộc vào hàng top châu Âu. Các cô học được điều đó khi nhìn vào bản chất an sinh xã hội Đức.

Thích nghi nơi vùng đất mới

Tôi gặp Minh Thuật khi cô đang cùng chồng người Đức và cậu con trai hơn một tuổi đi gia hạn giấy tờ cư trú ở Sở Ngoại kiều TP Stuttgart – miền Nam nước Đức, nơi cô và gia đình chồng sinh sống.

Trước đây, Thuật là phóng viên của một tờ tạp chí ở Hà Nội, cô bén duyên cùng ông xã người Đức và bỏ việc sang Đức định cư. Tôi hỏi cô có hạnh phúc không, Thuật trầm ngâm, hạnh phúc không phải là không có, nhưng hai con người, hai thái cực với hai điểm xuất phát hoàn toàn khác nhau, văn hóa, tôn giáo cũng xa lạ – đương nhiên để hòa hợp phải nỗ lực gấp nhiều lần.

Làm dâu xứ người ảnh 1
Minh Thuật với cuộc sống hạnh phúc bên người chồng người Đức và con trai. Ảnh: sggp.org.vn

Rồi cô kể về thời điểm ban đầu mới sang với vô vàn những khó khăn và lệch pha. Cảnh chồng nĩa vợ đũa ngồi ăn cùng nhau với hai niêu hai bát, hai thực đơn Việt – Đức, cộng thêm thực đơn ăn dặm cho cậu con trai một tuổi. Nhiều lúc ở nhà một mình, cô thèm bún đậu mắm tôm, đang chưng mắm tôm thơm phức thì đúng lúc chồng đi làm về. Vừa mở cửa ra vào, ông đã hét toáng lên: “Hình như trong nhà có mùi chuột chết”, làm cô vừa tức giận vừa xấu hổ, lẳng lặng đóng cửa phòng bếp, ngồi khóc và ăn một mình.

Cùng với thời gian, hai người cũng đã trò chuyện và đi đến thống nhất về vấn đề ăn uống, cứ hôm nấu món Việt, hôm nấu món Đức đan xen. Cô cũng cố gắng lên mạng học hỏi những món ngon để nấu và dụ chồng ăn cùng. Giờ Thuật có thể tự nấu phở, cuốn chả giò… những món ăn Việt mà người Đức rất khoái khẩu để hai người tìm được tiếng nói chung trong ăn uống. Khi nào thèm ăn mắm tôm, nước mắm, cô phải lựa lúc chồng đi làm, mở thông hết các cửa sổ cho bay mùi.

Còn với Hằng, người gian nan từ khâu làm thủ tục giấy tờ, có lần cũng phàn nàn với tôi: “Ông xã em thuộc tuýp người keo kiệt chị ạ. Ai đời trước khi ăn rau sống, em rửa hai lần như ở Việt Nam vẫn hay làm, rồi ngâm lại một lần nước muối, ông ấy cứ cằn nhằn sao mà kỳ công và rửa tốn nước vậy. Ăn hoa quả em cũng phải ngâm qua nước muối rồi rửa lại, trước khi ăn thì gọt vỏ để tránh hóa chất độc hại, ông ấy cũng không hài lòng, còn nhấm nhẳng, hoa quả có lượng vitamin tập trung nhiều nhất ở vỏ, em gọt bỏ đi thì còn gì là khoa học. Tụi anh ăn táo, ăn lê… toàn ăn cả vỏ, vừa giòn ngon vừa đủ chất, không bỏ đi thứ gì ngoài hạt và lõi. Khi em tắm hay đánh răng rửa mặt, cứ quen kiểu ở nhà xả nước ào ào, ông ấy lại chạy vào nhắc nhở. Nói rồi cô thở dài đánh sượt.

Một thời sau, gặp lại Hằng trong cuộc gặp mặt và sinh hoạt hội người Việt, hỏi thăm cô về ông xã keo kiệt, cô ngượng ngùng phân bua: “Hóa ra trước đây em mới sang, chưa hiểu hết nên trách nhầm chồng. Chi phí ở Đức thứ đắt nhất là nước sinh hoạt. Người Đức dùng 1 mà phải trả 3: một lần cho chi phí nước sạch và gấp đôi sau đó là chi phí nước thải cùng khâu xử lý. Ai sống ở Đức cũng có tinh thần tiết kiệm nước cực kỳ cao, chứ không riêng gì chồng em. Còn cái khoản ăn xà lách phải rửa tới hai ba lần, ăn hoa quả phải gọt vỏ trước khi ăn cũng là sai. Rau củ quả trồng trên đất Đức hay nhập khẩu từ các nước châu Âu lân cận đều phải tuân thủ quy trình trồng và chăm sóc an toàn tuyệt đối, đặt sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu, thế nên trước khi ăn rau sống chỉ cần rửa qua một lần tránh bụi bẩn, còn ăn hoa quả thì nên để cả vỏ”.

Sau 3 năm sống trên đất Đức, giờ đây Hằng đã nhận được thẻ cư trú vĩnh viễn. Cô cũng chuẩn bị thi lấy bằng lái xe để sẵn sàng cho việc đi làm và có bảng lương của chính mình.

Những cô dâu Việt lấy chồng Đức nói riêng và nước ngoài nói chung, niềm vui nhiều mà nỗi trăn trở cũng không ít. Xa gia đình, bố mẹ trên chục ngàn cây số, ở nơi đất khách quê người, phải tự mình bươn chải. Sang đến đây cũng phải xắn tay lên tự làm hết mọi việc, vừa tề gia nội trợ vừa chăm sóc con cái mà không có một ai để chia sẻ việc nhà và đỡ đần lúc ốm đau bệnh tật, ngoài người chồng bên cạnh. Tuy nhiên theo lời Thuật thì “con cái ở đâu, mình ở đó” và “tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”.

Theo Minh Anh (CHLB Đức) / sggp.org.vn