Theo WindPower, sự phát triển của công nghệ đã cho phép năng lượng gió cạnh tranh gần như ngang ngửa với nhiên liệu hóa thạch. Ngành điện gió đang thu hút ngày càng nhiều đầu tư và đang công bố kế hoạch lắp đặt ngày càng nhiều tuabin công suất mới.

Tại Mỹ, các nhà máy điện gió ven biển sẽ được xây dựng từ nay đến năm 2027 cung cấp gần 10 GW, chiếm 15% tổng công suất mới được lắp đặt. Bây giờ, Mỹ chỉ có một nhà máy điện gió 30 MW hoạt động. Trong thập niên tới, công suất điện gió toàn cầu sẽ tăng thêm 680 GW, gấp gần 3 lần tổng công suất của tất cả các nhà máy điện ở Nga. Dự báo này được công ty tư vấn Wood Mackenzie thực hiện. Động lực phát triển ấn tượng như vậy là nhờ các công nghệ mới của máy phát điện gió, mỗi năm một mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Tính đến cuối năm 2018, châu Âu có thêm 16 GW điện gió ven biển, đến năm 2027 sẽ có thêm 47 GW nữa. Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan gần đây cũng đã bắt đầu tích cực đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, nhờ thuế quan thuận lợi và tham vọng chuyển ngành công nghiệp sang năng lượng sạch. Đến năm 2027, các nước Bắc Âu sẽ chiếm 15% tổng số nhà máy điện gió trên đất liền mới được lắp đặt.

Nhật Bản và Hàn Quốc, mỗi nước sẽ lắp đặt các trạm điện gió 2 GW trong vòng 10 năm tới. Đây là một sự tăng trưởng mạnh trước thực tế là hiện tại điện gió ở mỗi nước chưa đạt đến 100 MW.

Còn sản lượng tuabin điện gió, trong quý 3/2018, thị trường đã tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu về tuabin điện gió tăng mạnh nhất ở Trung Quốc là nước trong 10 năm tới sẽ trở thành nước đi đầu hiển nhiên trên thị trường năng lượng gió ven biển.Trong giai đoạn từ 2018 đến 2027, Trung Quốc sẽ chiếm 1/3 tổng công suất nhà máy điện gió mới được lắp đặt trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Phi, cũng cho thấy mối quan tâm bất ngờ đối với các nhà máy điện gió.

Theo Vũ Trung Hương / motthegioi.vn