Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Đằng sau sáng kiến lập câu lạc bộ khí hậu quốc tế của Đức

Ảnh minh họa: pixabay.com

Đức cho rằng thế giới còn thiếu một khuôn khổ chắc chắn để bảo vệ những nước tiên phong trong chính sách khí hậu trước bất lợi đối với các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng.

Mạng tin RND (Đức) ngày 21/8 dẫn các nguồn thạo tin cho biết chính phủ liên bang Đức đã đạt nhất trí về những điểm chính hướng tới thành lập một câu lạc bộ khí hậu quốc tế.

Trong đó, các thành viên câu lạc bộ cam kết tuân thủ mục tiêu 1,5 độ C trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và phối hợp các biện pháp để bảo vệ nền kinh tế bản địa.

Sáng kiến trên do Bộ trưởng Tài chính liên bang Olaf Scholz đề xuất, với mục tiêu là đẩy nhanh việc thực thi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ nền kinh tế của những nước mà các công ty tại đó có trách nhiệm tuân thủ các biện pháp bảo vệ khí hậu.

Chính phủ Đức cho rằng ở bình diện quốc tế hiện nay còn thiếu một khuôn khổ chắc chắn để bảo vệ những nước tiên phong trong chính sách khí hậu trước những bất lợi đối với các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng.

Tuy nhiên, một liên minh khí hậu quốc tế dựa trên sự hợp tác tin cậy – một câu lạc bộ khí hậu mở và hợp tác cùng nhau – có thể khắc phục được vấn đề này.

Nếu câu lạc bộ khí hậu có quy mô đủ lớn và đạt được nhất trí về các quy tắc chung phù hợp với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đây có thể trở thành một lực đẩy toàn cầu.

Vào tháng 5, Bộ trưởng Scholz đã phác thảo những nét chính của một câu lạc bộ khí hậu và cũng thúc đẩy ý tưởng này tại cuộc họp gần đây nhất của các bộ trưởng tài chính Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Venice, Italy.

Theo tài liệu đã được chính phủ liên bang nhất trí, các thành viên của câu lạc bộ khí hậu cần cam kết đạt mục tiêu hạn chế nhiệt độ nóng lên trong phạm vi 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp và phấn đấu đạt trung lập về khí hậu vào năm 2050.

Ngoài ra, các quốc gia thành viên cần đặt ra các quy tắc chung để tính toán lượng khí thải CO2 và các tiêu chuẩn thống nhất để so sánh giá CO2 và các loại thuế tương tự.

Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên cần phối hợp các biện pháp chung để bảo vệ nền kinh tế trong nước và hợp tác chuyển đổi ngành công nghiệp sang các quy trình thân thiện với khí hậu – chẳng hạn tạo ra các thị trường chủ đạo chung cho các nguyên liệu thô thân thiện với khí hậu như hydro xanh.

Câu lạc bộ khí hậu là sự hợp tác của “các quốc gia tham vọng nhất trên thế giới về chính sách khí hậu” và các nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn, như Trung Quốc và Mỹ, được xác định là “các nước đích quan trọng”.

Theo Mạnh Hùng / baoquocte.vn